"Oanh tạc cơ B-1B thuộc Không đoàn ném bom số 28 phải đình chỉ nhiệm vụ tuần tra và chuyển hướng đến đảo Guam do sự cố trong lúc tiếp dầu từ máy bay KC-135 cuối tuần trước. Chiếc B-1B đáp xuống căn cứ Andersen, trong khi máy bay KC-135 hạ cánh tại sân bay Yokota an toàn. Không có ai bị thương", phát ngôn viên Lực lượng Không quân Thái Bình Dương (PACAF) thuộc không quân Mỹ cho biết hôm 13/9.
Quan chức PACAF không cho biết chi tiết tình huống dẫn tới sự cố. Không quân Mỹ đang mở cuộc điều tra để đánh giá mức độ thiệt hại của hai máy bay.
Dữ liệu theo dõi hàng không dân sự ngày 10/9 cho thấy biên đội hai oanh tạc cơ B-1B Lancer mang hô hiệu Mayan 21 và Mayan 22 tuần tra trên Thái Bình Dương, trước khi chiếc Mayan 21 tách đội hình và bay về phía đảo Guam. Đường bay của máy bay KC-135T mang hô hiệu Pearl 11 cũng được theo dõi, trong đó tổ bay thông báo về tình huống bất trắc trên không và xin hạ cánh khẩn.
Trong những bức ảnh được chia sẻ trên mạng xã hội Nhật Bản cùng ngày, chiếc KC-135T số hiệu 0344 hạ cánh xuống căn cứ Yokoto khi cần tiếp dầu vẫn trong trạng thái triển khai và dây cáp cố định bị đứt. Cần tiếp dầu mài dọc đường băng, tạo ra nhiều tia lửa khi máy bay tiếp đất và hãm tốc.
Chưa có hình ảnh của chiếc B-1B khi hạ cánh xuống căn cứ Andersen.
Tiếp dầu trên không là hoạt động rất nguy hiểm, khi máy bay bơm và nhận nhiên liệu phải bay rất gần nhau. Chỉ một sai lầm của phi công hoặc nhiễu động không khí cũng có thể gây ra va chạm, phá hủy máy bay và đe dọa tính mạng của người điều khiển.
Máy bay không quân Mỹ sử dụng cơ cấu ống cứng, với đầu tiếp dầu cố định trên thân hoặc mũi. Phi cơ phải áp sát máy bay tiếp dầu và giữ đội hình, trong lúc kỹ thuật viên điều khiển cần tiếp dầu vào vị trí phù hợp.
Vũ Anh (Theo Drive)