Ngày 10/2 đánh dấu ngày thứ năm liên tiếp diễn ra các cuộc biểu tình trên toàn quốc ở Myanmar sau khi quân đội đảo chính. Trong những ngày gần đây, cảnh sát đã tăng cường sử dụng vũ lực như xịt hơi cay, bắn đạn cao su và phun vòi rồng vào người biểu tình.
Huấn luyện viên gym tại Yangon Phyo Ko Ko ngày 10/2 cho biết anh muốn "thêm cơ bắp" cho các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ. "Tôi không muốn chính quyền quân sự một chút nào", anh viết khi đăng lên Facebook những bức ảnh anh và các người bạn khoe cơ bụng 6 múi và cơ ngực săn chắc, trong khi cầm tranh có dòng chữ "hãy thả Aung San Suu Kyi".
Một số phụ nữ diện những chiếc váy dạ hội, váy cưới, đội vương miện và đeo dải băng giống như hoa hậu. Những người khác cầm những chiếc ô nhiều màu sắc để tránh nắng.
"Tôi không muốn chính quyền quân sự, tôi chỉ muốn một người bạn trai", một cô gái cầm biểu ngữ. "Người dơi" cũng xuất hiện trên nóc một chiếc ôtô với tấm áp phích có nội dung: "Hãy thả các nhà lãnh đạo của chúng tôi, phản đối cuộc đảo chính quân sự, hãy tôn trọng lá phiếu của chúng tôi".
Trong khi đó, bên ngoài đại sứ quán Nhật Bản ở Yangon, một số người biểu tình nằm trong những bể bơi phao, giơ các biểu ngữ phản đối. "Chúng tôi luôn nghĩ cách để sáng tạo hơn và thu hút sự chú ý của quốc tế", Moe Myat Theingi, sinh viên đại học nghĩ ra ý tưởng biểu tình này, nói.
Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi và một loạt quan chức chính phủ bị quân đội bắt sau cuộc đảo chính quân sự hôm 1/2. Mỹ, Anh, Liên Hợp Quốc và Liên minh châu Âu đã lên án cuộc đảo chính, kêu gọi quân đội Myanmar sớm trao trả quyền lực cho chính phủ dân sự. Trung Quốc trong khi đó kêu gọi cộng đồng quốc tế không "làm trầm trọng thêm căng thẳng và phức tạp thêm tình hình Myanmar".
New Zealand ngày 9/2 trở thành chính phủ nước ngoài đầu tiên có hành động cụ thể nhằm phản đối đảo chính Myanmar, khi tuyên bố ngừng tiếp xúc quân sự và chính trị cấp cao với Myanmar.
Giới lãnh đạo quân đội Myanmar hôm 8/2 ban lệnh thiết quân luật tại hai thành phố lớn nhất là Yangon và Mandalay, cấm người dân biểu tình hoặc tụ tập quá đông người, đồng thời yêu cầu người dân không ra đường từ 20h hôm trước đến 4h sáng hôm sau. Biện pháp tương tự cũng được áp dụng tại vùng Ayeyarwaddy ở phía nam. Tuy nhiên, nhiều nhà hoạt động tuyên bố sẽ tiếp tục biểu tình.
Phương Vũ (Theo AFP)