Các hãng công nghệ vẫn thường sử dụng cơ sở dữ liệu khuôn mặt để phát triển phần mềm nhận diện. Tuy nhiên, rắc rối mới nhất xảy ra khi hai công dân ở bang Illinois là Steven Vance và Tim Janecyk vô tình phát hiện hình ảnh của họ cùng với một số thông tin cá nhân nằm trong kho dữ liệu mà Google, Microsoft và Amazon đang sử dụng nhưng họ không hề hay biết trước đó.
Theo luật bảo vệ thông tin sinh trắc học của bang Illinois, nhà cung cấp dịch vụ phải nhận được sự đồng ý của người dùng trước khi thu thập dữ liệu sinh trắc học. Các công ty không tuân thủ có thể bị kiện. Tuy nhiên, Vance và Janecyk nộp đơn lên tòa án bang California và Washington do đây là nơi đặt trụ sở của Google, Microsoft và Amazon.
Cơ sở dữ liệu mà ba hãng sử dụng có tên Diversity in Faces, chứa hơn một triệu khuôn mặt và do IBM xây dựng với mục đích huấn luyện và tăng độ chính xác cho các công cụ AI khi nhận diện khuôn mặt. Chúng không chỉ chứa thông tin về địa điểm, màu da, tuổi và giới tính mà còn phân tích chi tiết về tỷ lệ đối xứng của khuôn mặt, chiều dài mũi, độ cao trán...
Các bức ảnh này được IBM lấy từ website lưu trữ ảnh nổi tiếng Flickr. Đầu năm nay, IBM cũng bị giới nhiếp ảnh gia, chuyên gia bảo mật và hoạt động nhân quyền chỉ trích vì tự ý thu thập hình ảnh cho mục đích riêng mà không thông báo tới người dùng. IBM khi đó khẳng định họ tôn trọng quyền riêng tư và người sử dụng hoàn toàn có thể xóa ảnh khỏi cơ sở dữ liệu.
IBM vốn là một trong những hãng đi đầu về nhận diện khuôn mặt. Tuy nhiên, từ tháng 6, họ tuyên bố dừng mọi hoạt động nghiên cứu và phát triển liên quan tới nhận diện khuôn mặt, đồng thời từ chối cung cấp công nghệ này cho chính phủ.