Công nghệ nhận diện khuôn mặt xuất hiện tự phát và khá rối loạn. Nó được ứng dụng tại ngân hàng, sân bay, các cơ sở y tế... để xác định danh tính của mỗi người.
Nhiều quốc gia áp dụng các biện pháp bảo vệ riêng tư như Liên minh châu Âu với Luật Bảo vệ Dữ liệu chung (GDPR), hay California ban hành Đạo luật Quyền riêng tư của người dùng (CCPA). Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng vẫn cần biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn với công nghệ này.
Để vạch rõ ranh giới giữa nhận diện khuôn mặt và các quy định kiểm soát, cần hiểu công nghệ này có thể và không thể làm những gì. Cách tốt nhất là đặt "nhận diện khuôn mặt" và "xác thực khuôn mặt" vào hai nhóm khác nhau.
Nhận diện khuôn mặt khi không được sự đồng ý của từng cá nhân đang là tâm điểm gây tranh cãi gần đây. Nó thường đi kèm với giám sát diện rộng và vi phạm quyền riêng tư công dân. Đôi lúc, nó sẽ giúp phát hiện tội phạm hoặc khủng bố, nhưng cũng có nguy cơ bị lạm dụng vào ý đồ xấu.
Tỷ phú Mỹ John Catsimatidis từng bị chỉ trích vì dùng ứng dụng Clearview AI để lập hồ sơ những người hẹn hò với con gái. Ông chụp ảnh bạn trai của con, nạp vào ứng dụng để kiểm tra hồ sơ lý lịch đầy đủ. Ý định của Catsimatidis dường như vô hại, nhưng hành động đó vi phạm quyền riêng tư vì được thực hiện mà không có sự đồng ý. Trường hợp này được coi là lạm dụng công nghệ và cần sự kiểm tra của các cơ quan giám sát.
Xác thực khuôn mặt mang lại quyền kiểm soát đầy đủ khi cho phép cá nhân chọn thiết bị có được nhận diện họ hay không. Công nghệ này nhằm bảo vệ thông tin cá nhân, có mức độ an toàn tài khoản cao.
Các phương pháp xác thực truyền thống, như mật khẩu, câu hỏi bí mật, xác thực hai lớp qua tin nhắn... có thể bị qua mặt bởi các chiêu lừa đảo hiện nay. Do đó, những ngành có độ rủi ro cao như ngân hàng và tài chính đang dần chuyển sang xác thực danh tính bằng khuôn mặt.
Các công nghệ mới có khả năng so sánh ảnh trên giấy tờ như chứng minh thư hoặc bằng lái với ảnh chân dung chụp tại chỗ. Thay vì trả lời câu hỏi bí mật, ảnh selfie chính là lớp bảo mật thứ hai, tích hợp vào thuật toán phức tạp có khả năng phát hiện những bất thường nhỏ nhất, cho phép mở khóa hoặc chặn quyền tiếp cận của người dùng.
Điểm khác biệt nằm ở quyền kiểm soát của người dùng đối với các biện pháp nhận diện khuôn mặt. Nói cách khác, xác thực khuôn mặt giúp chứng minh danh tính của cá nhân, trong khi nhận diện khuôn mặt làm lộ nó.
Dù vậy, vẫn có một số trường hợp cần xem xét riêng và không thể áp dụng các quy định cứng nhắc. Ví dụ, Ấn Độ đối mặt với tình hình nghiêm trọng khi gần 250.000 trẻ em mất tích trong 5 năm qua. Do đó, chính phủ nước này phải lập cơ sở dữ liệu với ảnh của từng đứa trẻ mất tích và dùng công nghệ nhận diện khuôn mặt để phát hiện hàng nghìn em.
Một trong những yếu tố đáng lo ngại của công nghệ nhận diện khuôn mặt là liệu kết quả có chính xác 100% hay không. Chẳng hạn, khi công nghệ này được áp dụng để nhận diện những người tham gia bạo loạn và làm bằng chứng bắt giữ, sẽ phát sinh những nghi vấn về độ tin cậy của dữ liệu. Nhận diện khuôn mặt thường dùng cơ sở dữ liệu quy mô lớn để tìm hình ảnh trùng khớp và có thể làm độ chính xác bị ảnh hưởng.
Trong khi đó, xác thực khuôn mặt dùng ảnh chân dung từ giấy tờ tùy thân để chứng minh cá nhân nghi vấn đúng là họ. Thuật toán có ảnh gốc của người dùng và mang lại mức độ tin cậy cao hơn.
Các tranh luận về sử dụng nhận diện khuôn mặt cho thấy yêu cầu bức thiết nhằm áp dụng các biện pháp quản lý, cũng như xác định rõ phương án sử dụng hợp lý của công nghệ này. Nâng cao nhận thức cộng đồng và các cơ quan quản lý sẽ giúp tạo nên hệ thống có khả năng xác thực khuôn mặt với độ chính xác cao, đồng thời loại bỏ những nguy cơ lạm dụng công nghệ vì mục đích xấu.
Điệp Anh (theo Forbes)