Trong khi các hãng lớn như Amazon, Microsoft, IBM tuyên bố dừng bán các giải pháp nhận diện khuôn mặt cho cảnh sát, công nghệ này vẫn tiếp tục được triển khai ở nhiều nơi tại Mỹ. Tuy nhiên, giới chuyên gia lo ngại liệu công nghệ này có hoạt động chính xác 100% không khi được áp dụng để nhận diện kẻ tình nghi hay những người tham gia bạo loạn. Nếu được coi là bằng chứng để bắt giữ, độ tin cậy của dữ liệu liệu có được đảm bảo.
Lo ngại này đã trở thành hiện thực trong trường hợp của Robert Williams. Ông đã chia sẻ chuyện bị cảnh sát bắt giữ vì tội trộm cắp ngay trước mặt vợ và hai con gái trên Washington Post.
Hồi tháng 1, cảnh sát Detroit trích xuất đoạn video ghi lại hình ảnh của kẻ đột nhập vào một cửa hàng đồng hồ. Sau đó, họ dùng công nghệ nhận diện khuôn mặt do công ty DataWorks Plus cung cấp để đối chiếu với hình ảnh trong kho dữ liệu. Phần mềm thông báo khuôn mặt trong video trùng khớp với hồ sơ bằng lái xe của Williams.
Sau khi bị đưa tới đồn cảnh sát, ông được cho xem hai ảnh chụp màn hình về người đàn ông trong video, Williams khẳng định đó không phải là mình, đồng thời nói: "Tôi mong các vị đừng nghĩ mọi người da đen đều trông giống hệt nhau".
Tuy vậy, ông vẫn bị giữ lại hơn 30 giờ trước khi được thả.
"Tôi chưa bao giờ nghĩ có ngày tôi phải giải thích với con mình về việc vì sao bố lại bị bắt và bị buộc tội lấy đồ của người khác. Liệu bạn có thể nói với hai cô bé rằng máy tính nhầm lẫn và cảnh sát bắt sai người", ông nói.
Theo nghiên cứu của Viện Khoa học và Công nghệ Mỹ năm 2019, số lần các thuật toán nhận diện khuôn mặt xác định sai người Mỹ gốc Phi và người châu Á cao gấp 100 lần so với người da trắng.
Châu An