Đây là một trong những góp ý được các đại biểu Quốc hội đưa ra khi thảo luận về gói hỗ trợ từ chính sách tài khoá, tiền tệ sẽ ưu tiên đối tượng nào, chiều 7/1.
Theo ông Lã Thanh Tân, Phó trưởng đoàn đại biểu TP Hải Phòng, các doanh nghiệp có sức khoẻ tốt, không có nghĩa là có quy mô lớn nhất, hay to nhất, mà là những đơn vị có chỉ số sức khoẻ lành mạnh. Các chỉ số sức khỏe này sẽ do Chính phủ công bố, công khai kèm theo các thủ tục xác định hỗ trợ rõ ràng, minh bạch và nhanh gọn.
Ngoài ra, doanh nghiệp được chọn phải đạt các tiêu chí sau khi nhận hỗ trợ, như tỷ lệ tăng sản phẩm xuất khẩu sau 6 tháng là bao nhiêu; tăng việc làm sau 6 tháng được hỗ trợ là bao nhiêu...
"Chọn hỗ trợ doanh nghiệp có sức khoẻ tốt, giúp họ bật dậy bằng năng suất, tạo ra nhiều việc làm và sản phẩm, từ đó tạo giá trị đóng góp vào GDP, ổn định cuộc sống người lao động. Khi số này 'khoẻ thêm' sẽ kéo theo sự phục hồi dần của các doanh nghiệp khó khăn hơn", ông Tân góp ý.
Ông Nguyễn Như So, Tổng giám đốc Dabaco, đại biểu tỉnh Bắc Ninh cũng nói, dư địa chính sách đang dần thu hẹp, các chính sách hỗ trợ cần chọn lọc hơn, tập trung hơn, đặc biệt những doanh nghiệp lớn, có sức lan tỏa đến các khu vực khác trong nền kinh tế. Vì nuôi dưỡng doanh nghiệp chính là chìa khóa để giải quyết bài toán an sinh xã hội trong thời điểm này.
"Các doanh nghiệp hạt nhân từ các chuỗi cung ứng tạo điều kiện để tăng cầu lao động, hỗ trợ an sinh xã hội thông qua doanh nghiệp, đảm bảo ổn định cuộc sống cho người lao động", ông So nêu.
Chính sách hỗ trợ tiền tệ, tài khoá ngoài cần tập trung vào ngành nghề có sức lan tỏa cao, các đại biểu Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ cần có cơ chế kiểm soát để tiền hỗ trợ không chảy vào các lĩnh vực nóng như bất động sản, chứng khoán.
"Cần kiểm soát chặt dòng tiền, bởi vay tiền nhưng không dùng để sản xuất mà đem đi đầu tư tài chính, bất động sản thì rất nguy hiểm", ông Mai Văn Hải, Phó trưởng đoàn đại biểu Thanh Hoá, lo ngại.
Ông Nguyễn Cao Sơn, đại biểu tỉnh Hoà Bình nói, nếu có thêm chính sách điều tiết chia sẻ rủi ro của các tổ chức tín dụng sẽ tránh dồn lực vào các kênh đầu tư không phản ánh thực chất, đảm bảo an ninh tiền tệ và tránh bong bóng bất động sản.
Trấn an những lo ngại của các đại biểu, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, các đề xuất hỗ trợ sẽ được Chính phủ đưa ra có trọng tâm, trọng điểm, vừa đáp ứng nhu cầu trước mắt, tăng trưởng và phát triển dài hạn, thúc đẩy cung và cầu của nền kinh tế.
"Các chính sách hỗ trợ sẽ tập trung vào những ngành cần thiết, trước mắt là nâng cao năng lực phòng, chống dịch ngành y tế; phát triển hệ thống hạ tầng giao thông chiến lược, kết nối cửa khẩu đông bắc, các khu công nghiệp, khu kinh tế...", ông Dũng nhấn mạnh.
Ngoài ra, phân bổ nguồn vốn sẽ hài hòa giữa các vùng miền, tạo động lực mới trong phát triển, đảm bảo công bằng, nhưng không cào bằng, xác định thứ tự ưu tiên đầu tư lĩnh vực, ngành có tính lan tỏa.
Cũng góp ý về gói hỗ trợ, ông Vũ Tiến Lộc, uỷ viên Uỷ ban Kinh tế nói, hiện dư địa chính sách không còn nhiều, nhất là chính sách tiền tệ. Với bối cảnh hiện nay, hướng tới mục tiêu phục hồi hay phát triển thì ổn định kinh tế vĩ mô, an toàn hệ thống vẫn là yếu tố nền tảng, bởi mất ổn định là mất tất cả.
"Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng, các ngân hàng đang cho vay dưới chuẩn khi cơ cấu lại nợ mà không tăng nhóm nợ. Nhưng điều này khiến rủi ro tín dụng, rủi ro nợ xấu gia tăng", vị đại biểu TP Hà Nội phân tích.
Trên thế giới, ngân hàng trung ương các quốc gia cũng đang siết chặt chính sách tiền tệ, tăng lãi suất, đây là xu hướng chung cả thế giới. Chưa kể, bài học nhãn tiền khủng hoảng kinh tế giai đoạn 2008-2009 còn nóng hổi.
Trong bối cảnh này, ông Lộc nói việc đưa ra giải pháp từ chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt là hợp lý. "Quan trọng là dòng tiền này phải chảy vào các doanh nghiệp, lĩnh vực có năng lực cạnh tranh nhưng đang khó khăn tạm thời và khả năng phục hồi nhanh", ông nói.
Ông Hà Sỹ Đồng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cũng đồng tình, khi chính sách tài khoá được củng cố trong vài năm qua thì "tài khóa sẽ là chủ lực, chính sách tiền tệ chỉ nên đóng vai trò hỗ trợ".
Tuy nhiên, ông Nguyễn Như So, Tổng giám đốc Dabaco, đại biểu tỉnh Bắc Ninh lại cho rằng, chính sách tiền tệ cần nhanh, mạnh và quyết liệt hơn. "Hiệu quả chính sách tiền tệ vừa qua còn khiêm tốn, lãi suất cho vay đã giảm nhưng vẫn cao, nợ xấu tăng...", ông nêu.
Ở lần hỗ trợ này, ông So gợi ý, cần đưa ra các quy định cụ thể, khác biệt và quyết liệt hơn nhằm tăng khả năng hấp thụ. Chẳng hạn, nếu chi từ dự trữ bắt buộc khoảng 0,5% sẽ tạo ra số vốn tương ứng khoảng 50.000 tỷ đồng. Đây là nguồn cho vay cần thiết với doanh nghiệp, nền kinh tế lúc này.
Thông tin về gói chính sách tiền tệ, bà Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, cho hay đây là gói bổ sung nên khi đánh giá tổng thể dư địa chính sách thì tiền tệ ở mức thấp để đảm bảo sự linh hoạt, các mục tiêu đảm bảo kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. "Do tính chất ngắn hạn, nên có lúc phải đưa tiền ra và có lúc rút tiền về. Do đó, chưa thể lượng hóa được lượng tiền ra của chính sách tiền tệ", bà nói.
Về sử dụng một số công cụ khác như dự trữ bắt buộc để tạo nguồn cho vay, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nói hiện công cụ này chưa sử dụng do thanh khoản đang dư thừa, nhưng sẽ điều hành linh hoạt.
"Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành để đảm bảo hiệu quả, tập trung đối tượng có trọng tâm trọng điểm, khắc phục hạn chế gói hỗ trợ trước", Thống đốc khẳng định.
Anh Minh