Lưu ý này được Uỷ ban Tài chính ngân sách của Quốc hội nêu khi thẩm tra báo cáo của Chính phủ về thực hiện ngân sách 2021, dự toán ngân sách, phương án phân bổ ngân sách trung ương 2022, chiều 20/10.
Theo ông Nguyễn Phú Cường, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách, với tác động nghiêm trọng của Covid-19, mục tiêu phục hồi kinh tế, tạo nguồn lực đảm bảo an sinh xã hội là cấp bách. Việc này càng quan trọng trong bối cảnh GDP quý III giảm mạnh.
"Chính phủ cần chủ động, khẩn trương triển khai gói kích thích, phục hồi kinh tế, tạo đòn bẩy cho tăng trưởng", ông Cường nêu.
Gói kích thích này cần được xây dựng trên cơ sở đồng bộ chính sách tài khoá, tiền tệ; nghiên cứu lựa chọn đối tượng phù hợp để bổ sung gói hỗ trợ cấp bù lãi suất và có chính sách thu phù hợp, tính đến miễn, giảm, giãn thuế, phí và lệ phí. Uỷ ban Tài chính ngân sách cũng lưu ý Chính phủ cân nhắc giảm mức nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp... trong phương án xây dựng gói kích thích kinh tế.
"Gói kích thích kinh tế cần được xây dựng với quy mô đủ lớn để tạo hiệu ứng sâu rộng, lan toả và bảo đảm mục tiêu phục hồi kinh tế, an sinh xã hội", ông Nguyễn Phú Cường nhấn mạnh.
Trước đó, tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 2 Quốc hội khoá XV sáng nay (20/10), Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng cho biết, Chính phủ sẽ khơi thông mọi nguồn lực cho phòng, chống dịch và đầu tư, sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm an sinh xã hội.
Thủ tướng cũng cho biết Chính phủ sẽ điều chỉnh linh hoạt chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách khác để giữ vững ổn định vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
Bản chiến lược tổng thể phòng, chống dịch và chương trình phục hồi, phát triển kinh tế xã hội sẽ sớm được hoàn thiện, báo cáo.
Nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân khó khăn vì Covid-19 được Chính phủ ban hành từ đầu năm đến nay. Đơn cử, tiếp tục gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021; cho phép lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn đến cuối năm 2021.
Đến ngày 15/10, số tiền miễn, giảm, giãn các loại thuế, phí, tiền thuê đất đạt khoảng 95.100 tỷ đồng. Khoảng 24,26 triệu lượt đối tượng được hỗ trợ gần 21.900 tỷ đồng và cho vay 566 tỷ đồng để trả lương cho trên 161.000 lượt lao động. Chính phủ đã giải quyết hưởng hỗ trợ cho gần 430.000 lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp và trên 111.000 người dừng tham gia, tổng số tiền 1.251 tỷ đồng. Tới giữa tháng 10, tổng số tiền lãi các tổ chức tín dụng miễn, giảm cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 là gần 27.000 tỷ đồng.
Hiện, Chính phủ đã báo cáo cấp có thẩm quyền đồng ý về chủ trương cho miễn, giảm một số loại thuế, phí, lệ phí để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, khoảng 21.300 tỷ đồng.
Về thu ngân sách năm 2021, báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Tài chính ngân sách dự đoán tổng số thu cân đối có khả năng vượt dự toán nhưng nhiều khoản thu quan trọng không đạt hoặc vượt thấp so với dự toán. Nếu loại trừ các khoản tăng thu từ đất, tài nguyên, số thu nội địa không đạt dự toán, cơ cấu thu chưa vững chắc.
Ngân sách trung ương năm 2021 dự kiến hụt thu khá lớn, khoảng 28.000-29.000 tỷ đồng. Cơ quan thẩm tra lo ngại việc này sẽ ảnh hưởng lớn tới nhiệm vụ của ngân sách trung ương. Đặc biệt, thu từ bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp trung ương chỉ đạt 2,5% dự toán. Do đó, cơ quan thẩm tra tài chính ngân sách của Quốc hội đề nghị Chính phủ báo cáo rõ nguyên nhân, giải pháp khắc phục các năm tiếp theo.
Năm 2021, ngân sách đã cấp 30.850 tỷ đồng cho phòng, chống dịch từ thời điểm dịch bùng phát đến nay. Tuy nhiên, theo Uỷ ban Tài chính ngân sách đề nghị Chính phủ báo cáo việc mua, tiếp nhận và nhu cầu vaccine, cụ thể là số vaccine được hỗ trợ, viện trợ và dự kiến nhu cầu vaccine trong trường hợp dịch kéo dài; công khai sử dụng Quỹ vaccine, cũng như đẩy nhanh nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước.
Uỷ ban Tài chính ngân sách cũng muốn Chính phủ báo cáo thêm về chi mua sắm vật tư, trang thiết bị phục vụ phòng, chống dịch. Trong đó làm rõ tổng nguồn lực đã bố trí mua sắm, việc dùng ngân sách mua sắm vật tư, thiết bị, phương tiện phòng, chống dịch...
Dự toán ngân sách và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022 dự kiến sẽ có khoảng 10.000 tỷ chi thường xuyên cho lĩnh vực y tế để phòng, chống dịch và nguồn cải cách tiền lương còn dư cũng sẽ được dùng cho phòng, chống Covid-19.
Về việc tăng lương cơ sở từ 1/7/2022, ông Nguyễn Phú Cường nhìn nhận, việc tăng lương là khó khả thi với tình hình dịch bệnh hiện nay. Vì thế, Uỷ ban này đồng ý với phương án Chính phủ trình, lùi thời điểm tăng lương cơ sở.
Nhưng để chính sách này có thể triển khai những năm tiếp theo, Uỷ ban Tài chính ngân sách đề nghị Chính phủ tính toán phương án cân đối và sớm báo cáo Quốc hội tổng thể về nguồn lực cải cách tiền lương, lộ trình tăng lương cơ sở. Việc này góp phần bảo đảm đời sống người hưởng lương, nhất là đối tượng có mức lương thấp.
Trước đó, theo Nghị quyết 27 của Ban chấp hành Trung ương Đảng, lương cơ sở điều chỉnh từ 1/7/2020 lên 1,6 triệu đồng một tháng, nhưng do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nên Chính phủ đã xin hoãn, không tăng theo lộ trình.
Tuy nhiên, Nghị quyết kế hoạch tài chính và vay trả nợ 5 năm (2021-2025) được thông qua ngày 28/7, Quốc hội đã yêu cầu Chính phủ tập trung nguồn lực để tăng lương hưu, lương cơ sở từ 1/7/2022. Hiện mức lương cơ sở áp dụng là 1,49 triệu đồng một tháng.
Nguyễn Hoài