Eric Sison vẫn sống sót sau khi rơi qua ba tầng lầu từ mái một căn nhà đối diện nơi ở của cô Maria thuộc khu Pasay, thủ đô Manila, Philippines. Trong khi rơi, Sison bị mắc chiếc quần đùi vào mái hiên nhà hàng xóm. Mặc nguyên chiếc quần lót, Sison bò lồm cồm chui vào gầm giường của Maria.
Khi cảnh sát kéo đến khu ổ chuột mà gia đình Maria đang sinh sống và chĩa súng về phía căn nhà của cô, Maria hét lên: "Hãy rủ lòng thương, đừng bắn, chúng tôi không biết người đàn ông này là ai".
Cảnh sát yêu cầu Maria cùng người thân rời khỏi nhà. Cô nghe thấy Sison cầu xin tha mạng. Sau đó, những tiếng súng chói tai vang lên.
Những cuộc truy bắt
Theo Al Jazeera, Sison chỉ là một trong 2.500 người đã bị giết, tính từ ngày 1/7 đến 5/9, trong chiến dịch truy quét ma túy do Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte phát động.
Cái chết của Sison cũng là một trong những vụ việc mà báo cáo từ phía cảnh sát Philippines trái ngược với lời kể nhân chứng.
Cảnh sát khẳng định Sison đã bắn vào các sĩ quan và bị tiêu diệt lúc đấu súng. Tuy nhiên, đoạn video do một người hàng xóm quay lại cho thấy Sison có ý muốn đầu hàng từ khi còn ở trên mái nhà.
Nhân viên khám nghiệm hiện trường cho biết họ tìm thấy hai gói shabu, hay ma túy đá theo cách gọi địa phương, nhiều gói cần sa cùng một ống thủy tinh chứa lá cần sa và một khẩu súng lục tại nơi Sison bị bao vây. Sison bị cáo buộc chống trả khi cảnh sát đang thực hiện "hoạt động chống tội phạm".
"Cảnh sát khăng khăng cho rằng anh ấy có súng và sử dụng ma túy nhưng người yêu tôi không như thế", bạn gái Sison nói. "Anh ấy ngã từ mái nhà xuống, quần bị vướng vào đâu đó. Nếu mang súng nó cũng rơi rồi. Chính cảnh sát đã đem khẩu súng tới", cô quả quyết.
Trong chiến dịch tranh cử tổng thống, ông Duterte từng hứa sẽ trấn áp tội phạm, ma túy và tham nhũng trong vòng 3 đến 6 tháng đầu nhiệm kỳ, đồng thời sẽ cho cá ở vịnh Manila ăn xác của 100.000 tên tội phạm.
Tại buổi tiệc chúc mừng chiến thắng ở thành phố Davao, nơi ông Duterte làm thị trưởng hơn 20 năm, Tổng thống Philippines kêu gọi người dân vũ trang để giết những kẻ buôn bán ma túy. "Hãy tự mình làm điều đó nếu bạn có súng, tôi ủng hộ", ông tuyên bố.
Sau bài phát biểu khai mạc, ông Duterte một lần nữa thúc giục người dân tiêu diệt cả những người nghiện ma túy bởi "để cha mẹ họ làm việc này thì quá đau đớn". Ông khẳng định mình không quan tâm đến nhân quyền hay các thủ tục pháp lý.
"Chúng tôi sẽ không dừng lại cho đến khi tên trùm ma túy cuối cùng hay kẻ bán ma túy cuối cùng đầu hàng hoặc bị tống đằng sau song sắt hoặc nằm sâu dưới 5 tấc đất", Tổng thống Duterte nhấn mạnh.
Theo số liệu từ cơ quan cảnh sát quốc gia Philippines, từ ngày 1/7 đến 5/9, 1.027 người tình nghi buôn bán, sử dụng ma túy đã bị giết trong các chiến dịch truy quét. Hơn 15.000 người bị bắt và khoảng 686.000 người đã "tình nguyện đầu thú". Ít nhất 1.500 vụ việc được đưa vào bản danh sách "phát hiện thi thể và đang điều tra".
Thỉnh thoảng, người ta còn tìm thấy những thi thể với phần đầu quấn chặt băng dính hay các xác chết nằm bên lề đường cùng tấm biển ghi dòng chữ "Tôi là kẻ buôn ma túy, đừng như tôi". Đến nay, số lượng các vụ giết người không qua xét xử kiểu này vẫn chưa có dấu hiệu giảm sút.
Sợ hãi bao trùm
Nửa đêm ngày 30/8, người dân sống trên đường Tramo thuộc khu Pasay cùng tụ tập chia buồn sau cái chết của Sison. Bạn bè uống bia từ cốc nhựa và chơi bài. Một số người đi qua, nhìn vào chiếc quan tài đặt thi thể Sison để từ biệt anh lần cuối.
Bermoy, bạn gái Sison, vẫn thức. Cô dõi mắt nhìn vào con gà trắng đặt trên quan tài bạn trai mình đang mổ thóc. "Con gà kia là biểu tượng cho công lý", Bermoy nói. "Để cái chết đục khoét lương tâm những kẻ giết hại anh ấy".
Đoạn video quay cảnh Sison đầu hàng cảnh sát đã mở ra một cuộc điều tra nhằm vào ba sĩ quan tiến hành cuộc truy quét cùng người chỉ huy họ.
Nhưng công lý không phải thứ duy nhất bạn bè và hàng xóm Sison quan tâm. Một thanh niên 20 tuổi với tên giả là Boy Negro cho phóng viên từ Al Jazeera xem hàng loạt tin nhắn hăm dọa gửi đến chiếc điện thoại di động của anh. Một đoạn tin ghi rõ: "Người anh em, cứ chờ đấy, mày sẽ là đứa tiếp theo".
Boy Negro dập điếu thuộc hút dở và quan sát đường phố. Anh để ý trong khu dân cư gần đây xuất hiện một người đàn ông lạ mặt, dáng người cao, thường xuyên đi thăm dò các ngõ ngách.
"Chúng tôi không biết những mối đe dọa sẽ đến từ cảnh sát hay dân phòng nhưng chúng tôi cảm thấy sợ hãi", Boy Negro nói. "Hầu hết các khu dân cư ở Pasay đều đã có người bị giết để làm gương và nay họ đang tìm đến chúng tôi".
23h ngày 14/9, xe báo chí dồn dập đổ đến Trụ sở Cảnh sát Manila. Các phóng viên địa phương liên tục gõ bút xuống những tấm biểu đồ, uống nước tăng lực và kéo điện thoại không ngừng trong lúc chờ đợi báo cáo về các vụ nổ súng.
Ngay trước nửa đêm, tin về một vụ dàn cảnh bắt tội phạm ma túy ở Tondo được truyền đi. Tondo là một trong những quận nghèo nhất Manila. Đèn báo nguy hiểm lóe lên khi đoàn xe phóng viên lao nhanh tới hiện trường. Nạn nhân Rolando Bangayan y Cruz đã chết.
Nhà báo vây quanh Redentor Ulsano, quan chức cảnh sát cấp cao có mặt tại hiện trường, để phỏng vấn. Ông cho hay vụ dàn cảnh được thực hiện trong một con hẻm nhỏ. Nghi phạm "dường như nghi ngờ ông là cảnh sát" nên đã rút vũ khí ra. "Anh ta là kẻ nổ súng trước", Ulsano khẳng định.
Một chiếc dép của Bangayan được tìm thấy bên vũng nước đọng ngay giữa hẻm. Đây cũng là nơi nhân viên điều tra hiện trường (SOCO) thu giữ vỏ đạn. Khẩu súng lục Smith and Wesson vẫn nằm trong tay Bangayan.
Khoảng 100 người dân đứng xem đội SOCO đưa xác Bangayan lên cán, vạch áo người đàn ông này ra để kiểm tra vết đạn và chụp ảnh những vật dụng cá nhân anh ta mang theo, gồm: hai gói shabu, một khẩu súng và 553 peso (11 USD).
Góc khuất
Aie Balagtas See, phóng viên điều tra tội phạm làm việc cho tờ Inquirer, chuyên theo dõi những vụ việc kiểu như của Bangayan từ khi chiến dịch truy quét ma túy ở Philippines khởi động.
Hồi đầu tháng 8, See nắm được 27 báo cáo từ Sở Cảnh sát Manila về các sự vụ xảy ra tháng trước đó. 17 người bị giết trong các chiến dịch dàn cảnh bắt tội phạm ma túy ở khu dân cư nghèo nhất Manila. 10 người còn lại thiệt mạng sau các chiến dịch trấn áp tội phạm.
Các vụ dàn cảnh mà See kiểm tra đều có những điểm chung. Nghi phạm luôn "cảm nhận thấy" họ đang giao dịch với cảnh sát ngầm nên quyết định rút súng trước để chống trả. Cảnh sát cũng luôn "cảm thấy nguy hiểm đe dọa tính mạng họ".
"Những dòng này xuất hiện khoảng 20 lần trong 27 báo cáo của Sở Cảnh sát Manila", See hồi tháng 8 viết.
Ở tất cả các trường hợp, nghi phạm luôn rút súng trước nhưng không sĩ quan nào hy sinh trong lúc đấu súng. Chỉ một người bị thương ở tay và một người khác thoát chết nhờ áo chống đạn.
See từng tới hiện trường một vụ "đấu súng" giữa cảnh sát và nghi phạm buôn ma túy tên Eric Caliclic. Tại khu ổ chuột nơi vụ việc xảy ra, bức tường phía sau chỗ Caliclic đứng chi chít lỗ đạn. Bức tường đối diện, nơi cảnh sát đứng, trống trơn.
Hàng xóm của Caliclic cho hay anh này không có công việc ổn định và phải rất vất vả mới trả nổi tiền thuê nhà hàng tháng.
"Làm sao anh ta nổ súng vào ai đó được khi mà chẳng có nổi một con dao? Anh ta lấy tiền mua súng ở đâu cơ chứ? Nhà của anh ta thậm chí còn không có điện", một người nói.
Việc những người như Sison, Bangayan và Caliclic bị cảnh sát giết đã khiến Thượng nghị sĩ De Lima, lãnh đạo Ủy ban Nhân quyền Philippines, triệu tập một phiên điều trần về hành vi giết người không qua xét xử.
Hôm 22 và 23/8, một số nhân chứng đeo mặt nạ, kính đen, đội mũ trùm đầu nhằm giữ kín danh tính đã lên tiếng trên sóng truyền hình quốc gia.
Harra Kazuo, 26 tuổi, cho biết Jaypee Bertes, bạn trai cô và bố anh ta, Renato Bertes, đều bị giết trong nhà tù của cảnh sát sau một cuộc truy quét hồi tháng 7.
Cô thừa nhận cả hai đều dùng shabu. Jaypee có buôn bán ma túy nhưng nhỏ lẻ. Hồi năm ngoái, Jaypee còn hối lộ cảnh sát địa phương 10.000 peso (214 USD) để họ "ngoảnh mặt làm ngơ".
Cảnh sát Pasay phản bác rằng cha con nhà Bertes bị giết vì cố tìm cách cướp súng của sĩ quan. Song kết quả khám nghiệm tử thi cho thấy hai người đã bị đánh đập trước khi bắn chết.
Nhân chứng thứ hai, Mary Rose Aquino, 23 tuổi, tiết lộ cảnh sát thường xuyên chuyển ma túy tới cho cha cô, ông Rodelio Campos, để "đóng gói lại".
Campos vẫn là một "tài sản" của cảnh sát cho đến khi ông bị giết vào ngày 20/7, Aquino kể. Thi thể Rosalie Campos, vợ ông, cũng được tìm thấy ngay ngày hôm sau.
Theo De Lima, sợ nguy hiểm, không có khả năng tiếp cận với cơ quan chức năng hay thiếu bằng chứng pháp y là những lý do khiến các nhân chứng không đồng ý ra mặt. Nhưng chỉ một vài tiết lộ cũng cho thấy ở một số địa phương "nạn buôn bán ma túy không thể phát triển nhanh chóng nếu thiếu sự bảo trợ hay tham gia của cảnh sát", bà nhấn mạnh.
Tại phiên điều trần, cảnh sát trưởng quốc gia Philippines Ronald dela Rosa xác nhận trong một cuộc điều tra nội bộ gần đây, 130 cảnh sát bị kiểm tra có kết quả dương tính với ma túy, 20 người đã bị bắt, 6 người bị phạt hành chính và 7 người đối mặt với án hình sự. Ông Dela Rosa cũng thêm rằng 284 sĩ quan được cho là có tham gia hoạt động buôn bán ma túy đã bị thuyên chuyển công tác.
Xem thêm: Biệt đội tử thần 'giết người như ngóe' Philippines qua lời kể cựu sát thủ
Vũ Hoàng