Sau khi đắc cử, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte phát động một chiến dịch trấn áp tội phạm quyết liệt nhất từ trước tới nay, cho phép cảnh sát, quân đội, thậm chí là dân quân, nổ súng bắn chết các đối tượng tình nghi sử dụng hoặc buôn bán ma túy.
Đến nay, 420 người đã bị giết hại trong chiến dịch này, hầu hết thiệt mạng trong các cuộc đụng độ với cảnh sát, New York Times dẫn lại thống kê từ nhà chức trách, được các cơ quan truyền thông địa phương đăng tải. Tuy nhiên, những hành động mạnh tay của lực lượng an ninh lại làm dấy lên làn sóng tranh cãi gay gắt trong dư luận xã hội Philippines.
Lo sợ tính mạng bị đe dọa trong chiến dịch, 114.833 người, chủ yếu là các đối tượng nghiện hoặc bán lẻ ma túy, đã ra đầu thú, dẫn đến tình trạng quá tải khủng khiếp trong các nhà tù ở Manila.
Phát biểu trước quốc hội hồi tuần trước, ông Duterte tái khẳng định lập trường không khoan nhượng của mình, yêu cầu cảnh sát tăng cường gấp ba nỗ lực trấn áp tội phạm.
Song các nhóm nhân quyền, nhà hoạt động Công giáo cùng gia đình những nạn nhân bị giết cho biết đa phần họ chỉ là dân nghèo ở Philippines, nhiều người còn không có bất kỳ mối liên hệ nào với hoạt động buôn bán ma túy.
Những người chỉ trích chiến dịch trấn áp mà Tổng thống Duterte theo đuổi hiện tập trung vào vụ việc của Michael Siaron, 29 tuổi, một người đạp xích lô chở khách ở thủ đô Manila, bị bắn chết trong đêm trên đường phố hồi tháng trước.
Siaron sống cùng vợ trong một túp lều tồi tàn phía trên một con rạch bẩn thỉu, mưu sinh bằng những công việc lặt vặt như sơn nhà hay phục vụ tại các quán ăn nhanh. Gần đây, Siaron bắt đầu đạp xích lô chở khách với thu nhập khoảng hai USD một ngày.
Vào đêm bị bắn chết, anh ghé sạp hoa quả của cha để xin một quả táo. Siaron nói với cha rằng sẽ kiếm thêm một vị khách nữa trên đường về nhà. Nhưng anh chưa kịp thực hiện ý định thì đã bị những kẻ mang súng đi xe máy bắn chết.
Bức ảnh vợ Siaron ôm chặt thi thể chồng mình tại hiện trường xảy ra vụ việc đang lan truyền với tốc độ chóng mặt, thu hút nhiều sự chú ý.
Những nét chữ nguệch ngoạc ghi trên tấm bìa cứng đặt cạnh thi thể Siaron nói anh là một "kẻ bán lẻ ma túy". Nhưng gia đình Siaron khẳng định anh không tham gia vào việc buôn bán thứ thuốc cấm, dù thỉnh thoảng có dùng ma túy đá.
Tranh cãi
Dù gián tiếp thừa nhận những lời chỉ trích cho rằng chính sách của ông vi phạm quy trình tố tụng tiêu chuẩn, Tổng thống Duterte vẫn nhấn mạnh các nhóm nhân quyền không thể trở thành tấm lá chắn che chở tội phạm. Ông kêu gọi những kẻ sử dụng và buôn bán ma túy tự nộp mình cho nhà chức trách nếu không muốn bị săn lùng đến chết.
Động thái mạnh tay của ông Duterte bước đầu khiến tỷ lệ tội phạm ở Philippines sụt giảm. Cảnh sát cho hay họ đã bắt giữ hơn 2.700 người với những cáo buộc liên quan đến buôn bán và sử dụng ma túy. Tỷ lệ tội phạm trên cả nước giảm 13%, từ 52.950 người hồi tháng 5 xuống còn 46.600 người vào tháng 6.
Thành phố Davao, miền nam Philippines, nơi ông Duterte làm thị trưởng suốt 20 năm, chính là mô hình cho thấy tính hiệu quả cũng như những mặt hạn chế trong chính sách của tân tổng thống Philippines.
Giới quan sát đánh giá những luật lệ hà khắc Duterte áp dụng tại đây đã góp công lớn biến Davao thành một ốc đảo bình yên và an toàn. Nhưng mặt khác, những biện pháp trừng phạt ông thực thi cũng cướp đi sinh mạng của hơn 1.000 người, theo một số cuộc điều tra độc lập. Đây được xem là mặt trái trong phương pháp tiếp cận này.
Hiệp hội Chính sách Dược Quốc tế, một mạng lưới tổ chức phi chính phủ, hôm qua đệ trình một lá đơn thúc giục các cơ quan kiểm soát ma túy thuộc Liên Hợp Quốc "yêu cầu Philippines chấm dứt tình trạng tàn bạo đang diễn ra", đồng thời nhấn mạnh rằng hành động giết hại những người ngoài vòng pháp luật "không cấu thành biện pháp kiểm soát ma túy được chấp thuận".
Ramon Casiple, nhà phân tích tại Viện nghiên cứu Chính trị và Cải cách Bầu cử Philippines, cho biết ông chia sẻ những mối quan ngại trên nhưng lưu ý rằng còn quá sớm để xác định xem liệu phương pháp của ông Duterte có hiệu quả hay không.
"Hãy cho ông ấy 100 ngày", Casiple nói.
Tổng thống Duterte mới đây mở rộng chiến dịch trấn áp tội phạm ma túy sang những thành phần có quyền thế hơn trong xã hội. Ông buộc tội 5 quan chức cảnh sát cấp cao vì hành vi bao che cho những tên trùm ma túy dù không đưa ra được bằng chứng cụ thể. Ông cũng công khai cáo buộc một thị trưởng cùng con trai và một doanh nhân nổi tiếng có hành vi buôn bán ma túy.
Dù vậy, những đối tượng bị giết hại trên đường phố Philippines dường như vẫn chủ yếu là những người có hoàn cảnh giống Siaron. Hình ảnh người vợ Jennilyn Olayres ôm thi thể của Siaron trên đường phố đã trở thành một biểu tượng cho những tổn thất về người mà cuộc chiến của ông Duterte gây ra. Bức ảnh xuất hiện trên trang nhất tờ Philippine Daily Inquirer dưới hàng tiêu đề "Những người không nên giết".
Tuy nhiên, trong bài phát biểu trước Quốc hội, ông Duterte tỏ ra không coi trọng ý nghĩa biểu tượng của bức ảnh Olayres ôm xác chồng bên đường. "Bạn nằm sõng soài giữa phố và được người ta mô tả trên mặt báo như thể Đức mẹ Mary đang ôm xác Chúa Jesus", ông bày tỏ. "Điều đó thật kệch cỡm".
Theo cây bút Jason Gutierrez từ New York Times, nếu mục tiêu mà chiến dịch chống ma túy của ông Duterte nhắm tới chỉ là những người sống bên lề xã hội thì Siaron sẽ là biểu tượng thích hợp.
"Chúng tôi là những con người nhỏ bé", cô Olayres nói. "Chúng tôi có thể vô hình đối với các bạn nhưng chúng tôi là thật. Xin hãy ngừng việc giết chóc lại".
Vũ Hoàng