Chị Mai, một người Việt sống ở Canada như tôi, mới gọi điện rủ đặt mua gạo mùa mới vừa nhập cảng Vancouver. Gia đình chị hơn chục năm qua đều mua gạo đầu mùa từ cảng. Kinh nghiệm làm nông ở Việt Nam cho chị biết gạo đầu mùa luôn là những hạt gạo ngon nhất, thơm, dẻo mềm.
Nhưng buồn thay, đó là những hạt gạo của một thương hiệu Thái Lan. Dù rất muốn ủng hộ nông dân Việt Nam, chúng tôi không tài nào tìm được hạt gạo Việt được bán chính thức trên thị trường Canada.
Gạo Thái với hàng chục thương hiệu khác nhau đang làm mưa làm gió ở đất nước ngày càng nhiều người châu Á sinh sống này. Giá thấp nhất họ đang bán tuần này khoảng 2.000 USD mỗi tấn. Trong khi đó, tại Việt Nam, giá gạo đang tiếp tục giảm sâu, xuống dưới 400 USD một tấn. Cả tuần nay, ngày nào tôi lên mạng đọc báo cũng thấy cụm từ "giải cứu giá lúa".
Chúng tôi, những người Việt xa tổ quốc, chỉ mong có gạo Việt để mua. Còn ở quê nhà, hàng nghìn nông dân ngóng đợi bên cánh đồng, chờ người đến để bán rẻ những hạt thóc đầu mùa.
Tháng 10 năm ngoái, tôi nhìn ảnh nông dân Bình Thuận ngậm ngùi đổ bỏ thanh long vì giá chỉ còn 1.000 đồng mỗi cân. Cũng ngày đó, tôi phát hiện ra những trái thanh long Việt Nam nằm khép nép một góc trên kệ trong một siêu thị người Việt ở Vancouver. Giá họ niêm yết 100.000 đồng một cân, tức gấp 100 lần giá ở Việt Nam. Và, sau nhiều lần tìm kiếm, tôi nhận ra thanh long là loại trái cây duy nhất của Việt Nam có bán ở Vancouver.
Những sản phẩm như gạo hay thanh long đạt chuẩn nông sản sạch để được nhập vào Canada đã khó khăn và phải đội giá lên cao như vậy, nếu được sản xuất trong một hệ thống nông nghiệp sạch hay hữu cơ kèm theo chứng nhận thì còn có giá cao hơn nhiều lần. Ví dụ, một loại gạo hữu cơ hương lài của Thái Lan có giá đến 10.000 USD một tấn, tức là gấp 5 lần giá gạo thường. Chỉ riêng thị trường Canada, nhu cầu sản phẩm nông nghiệp hữu cơ có giá trị khoảng 4,2 tỷ USD. Trong khi đó, thị trường sản phẩm nông nghiệp hữu cơ tại Mỹ có giá trị là 49,4 tỷ USD.
Tổ chức nghiên cứu thị trường Zion ước tính đến năm 2024, thị trường sản phẩm nông nghiệp hữu cơ toàn cầu đạt khoảng 323 tỷ USD với tốc độ tăng hàng năm lên đến 15%.
Cuối năm ngoái, ít ai để ý, nông nghiệp hữu cơ Việt Nam có một bước tiến lớn khi lần đầu tiên được danh chính ngôn thuận bằng Nghị định 109/2018/NĐ-CP. Và cũng ít ai hay, Việt Nam là quốc gia đầu tiên trên thế giới có sản phẩm tôm sú hữu cơ - tôm sú sinh thái - từ cách đây gần 20 năm tại Cà Mau trên cơ sở hợp tác với Thụy Sỹ. Gần 20 năm là thời gian quá dài đã bị lãng phí chỉ để thừa nhận một hệ thống sản xuất tiên tiến, thân thiện môi trường, hợp xu thế thời đại.
Nhưng muộn còn hơn không. Hơn 30 năm kể từ Đổi Mới, Việt Nam đã liên tục chạy theo giấc mơ trở thành một nước công nghiệp. Nhưng giấc mơ vẫn xa bên cạnh những hệ lụy của lợi thế giá rẻ. Trong khi đó, chỉ trong vòng 10 năm kể từ khi có nghị quyết về Tam nông, Việt Nam đã đạt được kim ngạch xuất khẩu nông, lâm và thuỷ sản tăng gấp bốn lần với giá trị 40,5 tỷ USD trong năm 2018.
Ta đã có đủ cơ sở để tư duy lại cấu trúc nền kinh tế, định vị lại nông nghiệp là trụ cột chính để phát triển, đúng với sở trường của nền văn minh lúa nước mà cha ông ta đã xác lập từ hàng ngàn năm qua. Nông nghiệp sạch và nông nghiệp hữu cơ chính là chìa khóa để nâng tầm nông nghiệp Việt Nam.
Phát triển nông nghiệp thay vì trở thành một thủ phủ gia công công nghiệp của thế giới sẽ đồng thời giải quyết ba bài toán khó: an ninh lương thực, an ninh năng lượng và an ninh môi trường.
Với một quốc gia gần 100 triệu dân thì an ninh lương thực luôn là mối quan tâm hàng đầu. Ưu tiên phát triển nông nghiệp thay cho công nghiệp sẽ kiềm chế và giảm thiểu nhu cầu cung cấp năng lượng, gián tiếp nâng cao an ninh năng lượng và giảm thiểu những rủi ro môi trường của hệ thống lấy nhiệt điện than làm nền tảng. Hệ thống sản xuất nông nghiệp sạch cũng là một hệ thống sản xuất thân thiện với môi trường. Ở đẳng cấp cao hơn, nông nghiệp hữu cơ có bản chất tôn trọng môi trường tự nhiên, kiến tạo mối quan hệ công bằng cho mọi thành phần trong hệ sinh thái. Nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ sẽ góp phần ngăn ngừa ô nhiễm và suy thoái môi trường - hậu quả từ nền nông nghiệp hóa học đã hủy hoại ruộng đồng vài chục năm qua.
Với 65% dân số sống ở khu vực nông thôn, nếu Việt Nam có một chiến lược hợp lý về phát triển nông nghiệp, thì đó chính là cách giữ chân con người trước cơn sóng ngầm ly nông và ly hương mà chuyên mục này từng trăn trở. Tôi mong mỏi một lần các nhà điều hành đất nước và mỗi người dân chúng ta, hãy yêu lại ruộng đồng, quay về nông nghiệp, đi tiếp con đường của tổ tiên với một tư duy mới.
Khi những người điều hành đất nước quyết tâm phát triển nông nghiệp sạch và nông nghiệp hữu cơ là khi ta có quyền lạc quan hơn vào một tương lai cho nông sản và nông dân Việt Nam, nơi hài hòa ba trụ cột của phát triển bền vững: kinh tế, xã hội, môi trường. Đó mới chính là con đường mà Việt Nam đang kiếm tìm.
Nguyễn Đăng Anh Thi