Đóng góp vào tăng trưởng, đóng thuế, tạo ra cơ hội việc làm cho lao động địa phương được coi là thành tích thu hút đầu tư nước ngoài nhiều năm qua. Thành tích đó đạt được nhờ "lợi thế giá rẻ" mà Việt Nam bấy lâu đem đi quảng bá khắp nơi để thu hút đầu tư.
Nhưng thực sự, có nhiều điều không ổn. Và đã đến lúc ngừng cho rằng giá rẻ là lợi thế của quốc gia.
Ba năm trước, tôi đã khảo sát một nhà máy chế biến cá hồi do người Nga đầu tư tại Long An. Quy trình sản xuất của doanh nghiệp rất đơn giản: nhập cá hồi từ Nga, chế biến thành cá hồi phi lê, đóng gói, đông lạnh, rồi xuất khẩu toàn bộ sang châu Âu.
Trung bình, để chế biến một tấn sản phẩm cá hồi, họ cần 20 mét khối nước sạch và cũng thải ra một lượng nước thải tương đương với nhiều chất ô nhiễm hữu cơ, phát sinh khoảng 800 kilogram chất thải rắn dễ lên men thối rữa như nội tạng, xương, vây, vảy, cùng khí thải và mùi hôi tanh khó lẫn.
Nhìn hàng trăm công nhân bịt kín người trừ đôi mắt, lặng lẽ đưa tay qua lại chỉ một số động tác nhiều giờ một ngày, trong môi trường lạnh ngắt, tôi ái ngại. Tôi thậm chí không dám mở lời hỏi một ai, vì sợ phá vỡ trật tự cứng rắn dường như không chấp nhận tiếng người.
"Sao các anh không chế biến tại Nga hoặc châu Âu để trực tiếp phục vụ thị trường của mình mà phải nhọc công đi đường vòng xa như vậy?", đáp lại tôi, chủ doanh nghiệp nói, "Đặt nhà máy ở Việt Nam vẫn tạo ra lợi nhuận cao hơn vì ở đây chi phí sản xuất, nhất là giá lao động khá rẻ".
Mặc dù đánh giá cao sự thật thà của ông, chúng tôi quyết định không hỗ trợ doanh nghiệp này vì không muốn tiếp tay cho những doanh nghiệp tương tự vào Việt Nam. Những hoạt động gia công - chế biến đơn sơ hầu như không tạo ra giá trị gia tăng thật sự, và cơ hội tham gia của các đối tác Việt Nam trong chuỗi cung ứng gần như không có.
Có hàng nghìn doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam với mô hình tương tự công ty chế biến cá hồi kia và đang được tính vào "thành tích" thu hút đầu tư. Họ là những cỗ máy sử dụng tài nguyên được cho là rẻ của chúng ta, bao gồm tài nguyên nhân lực, tài nguyên năng lượng, tài nguyên nước, tài nguyên không khí và tài nguyên đất.
Yếu tố "rẻ" như nhiều khảo sát trên toàn cầu, thường đi kèm với việc sử dụng lãng phí, kém hiệu quả và dẫn đến suy thoái, suy kiệt tài nguyên. Họ cũng để lại cho Việt Nam một gánh nặng môi trường với các loại chất thải rắn, lỏng, khí có thể chưa được xử lý phù hợp cũng như một quốc gia đối diện nguy cơ suy kiệt nguồn nước sạch, đội ngũ lao động kỹ năng thấp.
Nếu đặt những lợi ích kinh tế thu được và những thiệt hại vô hình về môi trường, xã hội trong một bài toán tổng thể suốt chu kỳ đầu tư 50 năm của một doanh nghiệp, liệu có nhà quản lý quốc gia nào dám khẳng định giá rẻ là một mô hình bền vững?
Ủy ban Thế giới về Môi trường và Phát triển của Liên hợp quốc (WCED) định nghĩa: "Phát triển bền vững là sự phát triển đáp ứng được nhu cầu hiện tại mà không làm tổn hại khả năng đáp ứng những nhu cầu của các thế hệ tương lai". Khái niệm này từ lâu được xem là kim chỉ nam cho các quốc gia trên con đường tạo dựng sự thịnh vượng bằng công thức kết hợp chặt chẽ ba chân kiềng: phát triển kinh tế, phát triển xã hội và bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó, còn có một hệ quả tương đồng rõ rệt giữa mô hình tăng trưởng dựa trên xuất khẩu tài nguyên thô và "lợi thế giá rẻ" - hai điểm đặc trưng của kinh tế Việt Nam - và nó đang "làm tổn hại khả năng đáp ứng những nhu cầu của các thế hệ tương lai".
Việt Nam đã phải nhập than đá từ vài năm qua sau hơn 120 năm miệt mài xuất khẩu. Các mỏ đầu đang có dấu hiệu cạn kiệt. Tài nguyên rừng và đa dạng sinh học tiếp tục mất đi. Những núi rác ngày một cao lên. Chất lượng môi trường nước, môi trường không khí ngày càng xấu đi nghiêm trọng. Có vị lãnh đạo nào đang tự hỏi, chúng ta đang để lại gì cho thế hệ tương lai?
Với nhân công giá rẻ, giá trị thặng dư nào cho họ tái đầu tư sức lao động của chính họ, cũng như để có "của để dành" cho tương lai? Hãy đến những khu nhà trọ công nhân gần các khu công nghiệp để thấy ý nghĩa của cụm từ "tạo ra việc làm" chỉ đơn giản dừng lại ở mức đáp ứng nhu cầu rất cơ bản của con người: có cơm ăn, áo mặc. Các chương trình văn hóa, giáo dục, y tế, giải trí cho những lao động giá rẻ và gia đình họ, trong đó có thế hệ tương lai, vẫn là điều xa xỉ. Làm sao ta tạo ra thế hệ tương lai có giá trị tri thức hơn cha mẹ chúng trên nền tảng sống nghèo nàn mà cha mẹ họ đang "thụ hưởng"?
Tại Davos tuần qua, báo cáo đặc biệt có tên "Báo cáo Chỉ số cạnh tranh toàn cầu 4.0" đã xếp hạng Việt Nam thứ 77 trên tổng số 140 nền kinh tế. So với 10 quốc gia Đông Nam Á, Việt Nam chỉ hơn Campuchia (thứ 110) và Lào (112), thua 15 bậc so với cận trên là Brunei và thua 75 bậc so với Singapore - nền kinh tế đứng đầu Đông Nam Á và xếp thứ hai toàn cầu.
Xếp hạng năng lực cạnh tranh quốc gia của Diễn đàn kinh tế thế giới dựa trên 12 bộ chỉ tiêu đánh giá: thể chế, cơ sở hạ tầng, áp dụng công nghệ thông tin, sự ổn định của kinh tế vĩ mô, sức khỏe người dân, kỹ năng của người lao động, thị trường sản phẩm, thị trường lao động, hệ thống tài chính, quy mô thị trường, sự năng động trong kinh doanh và năng lực đổi mới sáng tạo. Nó không có bất kỳ một chỉ tiêu nào liên quan đến "giá rẻ".
Muốn nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hãy đơn giản là nhìn vào mô hình thành công của Singapore. Họ không chào mừng các công ty chế biến cá hồi phi lê xuất khẩu và không có nhân công giá rẻ.
Tôi vẫn nghe nhiều lãnh đạo phát biểu hùng hồn "phát triển bền vững vì thế hệ tương lai" như một cụm từ đã thuộc lòng. Nhưng nhìn vào thực tế của nền kinh tế, dường như "các thế hệ tương lai" vẫn là chuyện của tương lai.
Nguyễn Đăng Anh Thi