Mô hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ theo hướng nào để thích ứng với những biến đổi thế giới và đâu là động lực cho tăng trưởng kinh tế là những câu hỏi được mổ xẻ tại Diễn đàn cải cách và phát triển (VRDF) 2018, ngày 5/12.
Ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư nhận định nền kinh tế Việt Nam có triển vọng tăng trưởng trung bình 6,85% trong giai đoạn 2018-2020, song ông cho rằng Chính phủ vẫn luôn ý thức các thách thức. "Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nếu không cải cách và phát triển, sẽ ngay lập tức bị tụt hậu so với thời đại", ông Dũng nhận xét.
Việt Nam vẫn đang ở thời điểm "vàng", gắn với cơ hội về tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động, cơ hội về hội nhập quốc tế... Vì thế, động lực tăng trưởng Việt Nam, theo ông Dũng, là cải cách thể chế kết hợp với tập trung nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và gắn với phát triển kinh tế tư nhân...
Tuy nhiên, nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan cho rằng, những nguồn lực trước đây như nhân công trẻ, rẻ sẽ không còn. Việt Nam cần chuyển sang mô hình phát triển dựa vào khoa học công nghệ.
"Chọn 'gen' nào sẽ là gen trội của nền kinh tế và chất lượng nguồn nhân lực là hai vấn đề then chốt trong mô hình kinh tế Việt Nam tới đây", ông Khoan nhấn mạnh, đồng thời cho rằng, đây cũng là những nhân tố giúp Việt Nam giảm bớt độ chấn thương của nền kinh tế trong bối cảnh chiến tranh thương mại chưa biết điểm dừng.
Ông Khoan cũng nhắc tới sự chủ động thích nghi với thay đổi của Việt Nam trong bối cảnh sân chơi toàn cầu có những biến động khó lường. Nhân tố quyết định, theo ông, là chất lượng nguồn nhân lực cần thay đổi ở cả 3 tầng lớp: đội ngũ sáng tạo, tầng lớp vận hành và toàn thể xã hội. "Không thể xây dựng thành phố văn minh nếu những công dân bình thường không văn minh", ông Khoan ví von.
Đổi mới, sáng tạo là động lực mới, theo Tiến sĩ Huỳnh Thế Du - Giảng viên Đại học Fulbright sẽ tạo ra động lực tăng trưởng mới cho Việt Nam trước cuộc cách mạng 4.0 và sự va đập thương mại toàn cầu.
Ông Du nhận xét, so với mức thu nhập hiện tại, năng lực và nền tảng về đổi mới sáng tạo của Việt Nam đang rất tích cực. Tuy nhiên Việt Nam đang gặp những rào cản từ phía cầu, cụ thể là những thể chế phi chính thức, cách thức kinh doanh chỉ nhìn trong ngắn hạn, hay quyền tài sản, sở hữu trí tuệ không được bảo vệ... kéo lùi khả năng đổi mới sáng tạo. Thay đổi những điểm nghẽn này, ông Du nói, mới giúp Việt Nam bước lên nấc thang mới trong đổi mới sáng tạo, động lực cho tăng trưởng kinh tế.
Trong khi đó, ông Ousmane Dione - Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) nhấn mạnh tới nỗ lực của Chính phủ trong loại bỏ những trở ngại cho doanh nghiệp tư nhân phát triển, và coi khu vực này là động lực chính tăng năng suất lao động và tăng trưởng kinh tế.
Song song , cải cách doanh nghiệp nên tập trung vào việc áp dụng thông lệ quốc tế tốt nhất trong quản trị doanh nghiệp, thông qua Uỷ ban quản lý vốn nhà nước mới thành lập, đồng thời thúc đẩy và tăng cường cổ phần hoá và thoái vốn, đặc biệt là những khoản đầu tư thương mại. Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng cần chuyển từ số lượng sang chất lượng, tập trung vào đầu tư công nghệ cao và giá trị gia tăng lớn, cũng như chú ý đến khai thác mối liên kết chặt chẽ hơn giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Theo ông, Việt Nam cũng sẽ phải huy động và sử dụng những nguồn lực khan hiếm một cách hiệu quả để tài trợ cho một chương trình phát triển đầy tham vọng. Tăng cường huy động vốn từ nguồn thu trong nước, bổ sung bằng những nỗ lực nâng cao hiệu quả chi tiêu và năng lực quản lý nợ, đóng vai trò quan trọng để đảm bảo có thể đạt được mục tiêu phát triển mà không tăng nợ đến mức không bền vững.
Cuối cùng, nhưng không kém phần quan trọng, nguồn vốn ODA hiện có sẽ phải được sử dụng một cách chiến lược và hiệu quả hơn để bổ sung nguồn vốn đầu tư công trong nước và tận dụng được những lợi ích phi thương mại, bí quyết kinh doanh và đầu tư tư nhân.
Anh Minh