Đây là động thái tiếp theo sau cuộc họp ngày 16/5 giữa Bộ Y tế và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam về vấn đề trên. Khi ấy, đại diện Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho biết chờ công văn này của Bộ Y tế mới "gỡ khó" cho các đơn vị để tiếp tục tiến hành thanh toán bảo hiểm y tế (BHYT) cho dịch vụ xét nghiệm trên máy mượn, đặt tại bệnh viện.
Theo đó, cơ quan đầu ngành y tế đề nghị Bảo hiểm xã hội tiếp tục thanh toán BHYT cho các dịch vụ như trên, đến khi hết hợp đồng đã ký kết với đơn vị đầu tư. Điểm mới lần này là Bộ Y tế loại bỏ quy định "hồ sơ mời thầu ghi rõ đơn vị trúng thầu chịu trách nhiệm cung cấp máy móc", đồng thời nói rõ "văn bản mới này thay thế công văn bãi bỏ hôm 9/5".
Như vậy, việc thanh toán BHYT tiếp tục thực hiện theo quy định từ năm 2018, bệnh viện vẫn được sử dụng máy mượn, đặt để thực hiện các xét nghiệm, chẩn đoán cho người bệnh.
Trước đó, ngày 9/5, Bộ Y tế ban hành văn bản bãi bỏ công văn 2009 năm 2018 hướng dẫn thanh toán BHYT cho dịch vụ xét nghiệm trên máy được bệnh viện mượn, đặt. Ngay sau đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam thông báo các địa phương dừng thanh toán cho dịch vụ nói trên khiến cho nhiều bệnh viện hoang mang, bị động do sở hữu tới 80% máy xét nghiệm mượn, đặt.
UBND TP HCM và 7 bệnh viện kiến nghị khẩn cấp cho tiếp tục thanh toán dịch vụ này hoặc thực hiện chuyển đổi theo lộ trình để người bệnh không bị ảnh hưởng. Theo TP HCM, số máy móc mượn, đặt đóng vai trò rất lớn trong công tác khám chữa bệnh. Chi phí xét nghiệm trung bình mỗi ngày cho bệnh nhân BHYT lên tới trên 4 tỷ đồng. Nếu không được thanh toán bảo hiểm y tế, các cơ sở khám chữa bệnh có thể phải dừng hoạt động dịch vụ kỹ thuật xét nghiệm trên máy đặt, máy mượn, từ đó người bệnh không được chẩn đoán, điều trị kịp thời, ảnh hưởng sức khỏe và tính mạng.
Bộ Y tế sau đó giải thích văn bản ngày 5/9 bãi bỏ công văn 2009 chứ "không dừng thanh toán BHYT dịch vụ trên máy mượn. Phía Bảo hiểm Xã hội Việt Nam thì cho rằng công tác thanh toán bảo hiểm dựa trên cơ sở công văn 2009 nên khi bãi bỏ thì hoạt động này không thể tiếp tục thực thi.
Trả lời VnExpress sau vụ việc này, một chuyên gia về luật y tế cho rằng quy định của Bộ Y tế còn rắc rối, phức tạp, cũng không nên cân đo đong đếm xem bệnh viện mượn máy hay mua máy. Thay vào đó, Bộ Y tế nên đặt ra các tiêu chuẩn xem máy móc có hợp chuẩn, hợp pháp, cho kết quả xét nghiệm chẩn đoán đúng, được kiểm định định kỳ hay không, bác sĩ có đưa ra chỉ định đúng hay không, sau đó áp dụng chung một chi phí xét nghiệm sao cho người bệnh được hưởng lợi nhiều nhất. Như vậy, thời gian tới sẽ không còn tình huống tương tự khiến các bệnh viện và người bệnh hoang mang.
Chi Lê