Không chỉ có đường Bùi Viện, khu vực phố Tây tại TP HCM được tạo thành bởi 4 con đường chính là: Phạm Ngũ Lão, Bùi Viện, Đề Thám và, Đỗ Quang Đẩu thuộc quận 1. Đây là một trong những điểm đến hàng đầu, được gợi ý trong mọi quyển sách cẩm nang hướng dẫn và website du lịch của nước ngoài khi nhắc đến TP HCM.
Theo báo cáo của quận 1, mỗi ngày có khoảng 500 khách du lịch đến khu phố Tây, lúc cao điểm lên đến 2.000 khách. Doanh số thu về từ hoạt động kinh doanh tại khu vực khoảng hơn 37 tỷ đồng một năm.
Tuy nhiên, phố Tây lại là điểm du lịch tự phát lâu đời và có tình hình lấn chiếm vỉa hè tràn lan. "Số phận" của phố Tây càng được quan tâm khi lãnh đạo quận 1 đang quyết tâm giành lại vỉa hè cho người đi bộ. Nhiều ý kiến lo ngại rằng, giải quyết vỉa hè phố Tây như mọi con đường khác thì tình hình kinh doanh có thể đi xuống vì khách du lịch sẽ chán. Nhưng nếu "thiên vị" cho phố Tây thì chắc chắn không phải là chủ trương của quận 1.
Hôm 1/3, một số người dân tại Bùi Viện cho hay đã nhận được thông báo của phường Phạm Ngũ Lão đề nghị các hộ kinh doanh nghiêm túc trả lại vỉa hè cho người đi bộ. Cùng với yêu cầu này, Công an phường Phạm Ngũ Lão cho biết đã có đề xuất trình lãnh đạo Thành phố để phố Tây trở thành phố đi bộ.
Bước đầu, Thành phố cũng đã có động thái dần công nhận phố Tây là một địa điểm cần đầu tư. Trong “Dự thảo phát triển ngành du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của UBND TP HCM” mới công bố, khu phố Phạm Ngũ Lão được đề xuất là một trong những nơi cần xây dựng hệ thống trạm điện thoại thông tin kết hợp quảng bá du lịch, lắp đặt wifi miễn phí theo hình thức xã hội hóa. Cùng với đó, trong danh mục sản phẩm du lịch hấp dẫn, đặc trưng cần xây dựng thì các tuyến đường: Phạm Ngũ Lão, Bùi Viện, Đề Thám, Đỗ Quang Đẩu… được định hướng trở thành các phố chuyên doanh phục vụ du lịch, có khu vực đi bộ cho du khách từ 18h đến 24h hàng ngày.
“Thay vì để nó tự phát, Thành phố đã có chủ trương giao cho quận 1 xây dựng đề án phát triển nó một cách lành mạnh, trật tự để cho nó hấp dẫn hơn nhưng lại phù hợp với sự văn minh, lịch sự. Quận 1 đang làm việc này. Tương tự, bến Bạch Đằng cũng đã có chủ trương cho quận 1 nghiên cứu”, ông Trần Vĩnh Tuyến - Phó chủ tịch UBND TP HCM kiêm Trưởng Ban Chỉ đạo phát triển du lịch TP HCM cho biết.
Tuy nhiên, nâng cấp và đưa phố Tây vào quy củ vẫn chưa đủ. Theo một số doanh nghiệp du lịch, TP HCM cần phát triển thêm các sản phẩm du lịch về đêm. “Sản phẩm du lịch về đêm của Thành phố còn hạn chế, thậm chí là quá đơn điệu. Chính vì thế, chúng ta cần một cơ chế thông thoáng để phát triển các điểm vui chơi hấp dẫn, đưa Thành phố trở thành điểm đến về đêm năng động cho du khách”, ông Võ Anh Tài – Phó tổng giám đốc Công ty du lịch Sài Gòn nhận xét.
Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ - Tổng giám đốc Công ty Vietravel, cùng với 3 thế mạnh là: du lịch hội thảo – hội nghị (MICE), du lịch y tế, du lịch mua sắm thì Thành phố có điểm mạnh ở du lịch văn hóa nhưng chưa khai thác hết. Trong đó, du lịch văn hóa hàn lâm (bảo tàng, di tích..) thì đang làm tốt nhưng du lịch văn hóa đường phố lại chưa được tận dụng. “TP HCM có rất nhiều điểm đẹp, làm sao chúng ta khai thác được chính nó. Chúng ta cứ lo xây dựng mới trong khi chúng ta đang có những đường phố của chúng ta, nhịp sống của người dân với các nét văn hóa, giao tiếp và thiện cảm của họ”, ông Kỳ nhận xét và cho rằng, một số tuyến đường như Hoàng Sa, Trường Sa cũng có thể trở thành điểm du lịch nếu quy hoạch tốt.
“Tổ chức lại hai bên đường Hoàng Sa, Trường Sa cho đẹp, tạo thành tuyến phố du lịch văn hóa ở đó. Chúng ta hoàn toàn có khả năng làm được. Chúng ta đang bỏ phí. Chúng ta đừng ngại. Vào buổi tối ở Hoàng Sa, Trường Sa, cho người ta bán vỉa hè vẫn tốt, khi mật độ lưu thông thấp”, vị này nêu ý tưởng.
Để tạo thêm món ăn tinh thần về đêm cho du khách đến TP HCM, ông Trần Vĩnh Tuyến cho biết Thành phố đang họp bàn tổ chức Lễ hội ánh sáng vào tháng 11 tới, áp dụng các công nghệ trình diễn hàng đầu. Theo ông Tuyến, các doanh nghiệp đang sẵn sàng tham gia nên dự kiến lễ hội này không tốn một đồng ngân sách nào của Thành phố.
Viễn Thông