Đường Trần Đình Xu (quận 1) rạng sáng 3/3 khá vắng. Ông Huỳnh Đình Đức (62 tuổi) cùng người bạn hưu trí trong bộ đồ thể thao, chậm rãi bước về giao lộ Nguyễn Trãi. Họ vừa đi vừa nói chuyện, thỉnh thoảng chỉ tay vào những khoảng xi măng còn nguyên vết láng mới trên mặt đường, vài ngày trước còn là bậc tam cấp, bồn hoa… cản lối người đi bộ.
Dừng trên vỉa hè Trung tâm Bồi dưỡng chính trị quận 1, ông Đức cho biết, vị trí này thay đổi nhiều nhất. Trước đây trung tâm xây bồn hoa, bên ngoài lại có tủ điện lực nên phần vỉa hè dành cho người đi bộ còn chưa đến nửa mét và thường xuyên bị hàng rong chiếm dụng.
"Chỗ này như nút thắt cổ chai nên người đi bộ phải len lỏi tìm lối, hoặc đi xuống đường. Mấy hôm trước đoàn liên ngành quận 1 xuống đây đông lắm. Lãnh đạo quận dứt khoát cho lực lượng đập bỏ 2 bồn hoa của trung tâm, tháo bậc tam cấp lấn vỉa hè của trụ ATM rồi tráng lại xi măng…", ông Đức kể và cho biết người dân xung quanh khu vực đến xem rất đông.
"Sống ở Sài Gòn từng tuổi này, lần đầu tôi thấy quận ra tay mạnh với cơ quan của thành phố quản lý như vậy. Bà con ủng hộ dữ lắm. Phải thế thì mới làm gương được, mới dẹp được nạn lấn chiếm vỉa hè", ông Đức cười hào sảng.
Hiện vỉa hè rộng ra khoảng 1,5 m, lực lượng đô thị 30 phút lại đến nhắc nhở, xử phạt hàng rong nên chỗ cho người đi bộ rất thông thoáng. "Nhiều nhà dọc đường Trần Đình Xu nơi tôi sống mấy hôm rày cũng tự đập, tháo dỡ bậc tam cấp, bảng hiệu… lấn chiếm vỉa hè", ông Đức khoe.
Vỉa hè Trung tâm Bồi dưỡng chính trị trước và sau khi được dọn dẹp.
"Cuộc chiến" đòi vỉa hè cho người đi bộ, lập lại trật tự đô thị tại trung tâm Sài Gòn bắt đầu từ ngày 16/1 - sau khi Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong tán đồng kế hoạch của quận 1. Chủ trương này được thông báo cho các hộ dân, các hộ kinh doanh, bán hàng rong… trên địa bàn để sắp xếp lại việc buôn bán.
Phó chủ tịch UBND quận 1 Đoàn Ngọc Hải nhận nhiệm vụ xuống đường cùng anh em "dẹp loạn" lấn chiếm vỉa hè - điều mà từ xưa đến nay chưa xảy ra ở TP HCM. Giải thích với lãnh đạo thành phố, ông Hải nói: "Tôi giao các phường làm rồi, song chậm quá".
Để thực hiện quyết tâm biến quận 1 thành "Singapore thu nhỏ", ông Hải cũng tuyên bố "không ngại đụng chạm" và "sẽ cởi áo về vườn nếu không làm được".
Ông Đoàn Ngọc Hải thường xuyên ra các chỉ đạo cứng rắn xử lý vi phạm trật tự đô thị.
Ưu tiên hàng đầu của quận 1 là tháo dỡ các công trình lấn chiếm vỉa hè. Ông Hải cho rằng, phải xử lý những vi phạm của cơ quan Nhà nước trước để làm gương. Hàng loạt các công trình như bồn hoa của Trung tâm Bồi dưỡng chính trị, bức tường trước trụ sở Bộ Công Thương, trụ sở khu phố, chốt dân phòng… đều bị dẹp bỏ.
Các công trình của người dân như bậc tam cấp, thang dẫn bằng thép, tường lấn vỉa hè… nếu không tự nguyện dẹp, đều bị lực lượng chức năng tháo dỡ.
Đỉnh điểm là chiều 27/2, đoàn công tác đến khu vực trụ sở Ngân hàng Nhà nước trên đường Võ Văn Kiệt. Thấy 6 vọng gác công an nằm trên vỉa hè, lực lượng chức năng hỏi giấy phép xây dựng nhưng không được đáp ứng nên tháo dỡ. Hàng rào dây xích bao hết vỉa hè cũng bị dẹp bỏ. Hành động này của quận 1 gặp phản đối gay gắt từ ngân hàng, bởi các chốt gác là của Bộ Công an - được thiết lập nhằm mục tiêu bảo vệ kho tiền Quốc gia của Ngân hàng Nhà nước. Đây là khu vực cần đảm bảo an ninh tuyệt đối.
Sau khi làm việc với đại diện ngân hàng, trong tối hôm đó ông Hải cho dựng lại các vọng gác. Điều này được ông lý giải: "Quận xử lý linh động để anh em cảnh sát lấy chỗ làm việc, bảo vệ nơi trọng yếu". Phía ngân hàng cũng cam kết bổ sung, hoàn thiện thủ tục, giấy phép trong một tháng.
Về vấn đề này, luật sư Nguyễn Thành Công (Đoàn luật sư TP HCM) cho rằng, Luật giao thông đường bộ quy định lòng đường, hè phố chỉ được sử dụng cho mục đích giao thông. Tuy nhiên, không phải vật cản nào trên vỉa hè cũng trái phép, điển hình như các chốt gác của công an được xây dựng. Tại Điều 4 Nghị định 37/2009 của Chính phủ quy định, các mục tiêu quan trọng về chính trị, kinh tế, ngoại giao, khoa học - kỹ thuật, văn hóa, xã hội... do lực lượng Cảnh sát nhân dân có trách nhiệm vũ trang canh gác bảo vệ.
Trụ sở Ngân hàng Nhà nước thuộc diện này, song việc đặt chốt gác phải có ý kiến của cơ quan địa phương. Bởi, dù là công trình của Ngân hàng Nhà nước nhưng đóng trên địa bàn quản lý hành chính của UBND quận 1 thì phần vỉa hè thuộc quyền quản lý của quận.
Nói về việc quận 1 cưỡng chế, di dời chốt gác ngay lập tức, luật sư cho rằng "chưa đúng quy trình của pháp luật". Ông Hải phải xem xét các chốt này đã được xây dựng đúng pháp luật chưa. Nếu nó bất hợp pháp hay gây cản trở vỉa hè thì UBND quận 1 phải thông báo với cơ quan chủ quản tháo dỡ. Sau thời hạn luật định mà không tháo dỡ thì quận 1 có quyền cưỡng chế, xử phạt.
"Quận 1 mạnh tay lấy lại vỉa hè cho người đi bộ là việc rất đáng hoan nghênh, cần nhân rộng trong toàn thành phố cũng như cả nước. Bởi tình trạng lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè nhức nhối từ lâu, thể hiệc sự coi thường pháp luật của một bộ phận cá nhân. Chỉ cần mọi thứ được làm đúng quy trình xử lý", ông Công nói thêm.
Vấn nạn ôtô đậu trên vỉa hè, đẩy người đi bộ xuống lòng đường - một trong những nguyên nhân tai nạn giao thông gia tăng ở Sài Gòn – cũng được quận 1 xử lý nghiêm. Những xe biển xanh chở lãnh đạo các quận huyện, sở ngành về UBND TP HCM họp, đậu tràn lan trên vỉa hè… đều bị đoàn liên ngành "tuýt còi". Các ôtô biển 80B, 80M thuộc quản lý của trung ương đậu trái phép cũng bị xử phạt, hoặc cẩu về trụ sở.
Hàng loạt xe sang từ Porsche, Audi, BMW… bị lập biên bản xử phạt 750.000 đồng hoặc cẩu về trụ sở giải quyết do thời điểm xử lý tài xế không có mặt. Một số chủ xe phản ứng, song đa số đều chấp hành.
Theo Nghị định 155, người tiểu bậy, xả thải nơi công cộng bị phạt 2-3 triệu đồng. Lúc đầu, lực lượng chức năng quận 1 nhắc nhở, buộc người vi phạm múc nước dội sạch, nếu tái phạm sẽ bị lập biên bản. Sau thời gian tuyên truyền, quận 1 yêu cầu làm mạnh tay, xử phạt ngay khi phát hiện.
Các hành vi xả rác cũng bị xử lý, nhất là tại các quán nhậu, nhà hàng... Trong đợt ra quân đêm 26/3, một số nhà hàng đã bị xử phạt 3 triệu đồng.
Quận trung tâm Sài Gòn tập trung nhiều công sở, tòa nhà… nên thường xuyên xảy ra kẹt xe. Tình trạng người dân phóng xe máy lên vỉa hè, gây nguy hiểm cho người đi bộ, khá phổ biến.
Để hạn chế tình trạng này, hàng trăm barie đã được gắn trên vỉa hè và lực lượng chức năng cũng "thẳng tay" xử phạt. Tại góc đường Lý Tự Trọng – Nguyễn Trung Trực, chỉ trong 2 giờ cảnh sát đã lập 108 biên bản xử phạt người vi phạm.
Sau thời gian thử nghiệm, các thanh chắn trên vỉa hè bộc lộ hạn chế khi người đi xe máy vẫn nườm nượp "vượt rào", người đi bộ thấy bất tiện, còn với người khuyết tật thì có thể xảy ra nguy hiểm. Hiện, các thanh barie đã được thiết kế lại.
Ông Đoàn Ngọc Hải cho biết, cha của ông là công nhân, mẹ vốn là giáo viên. Kinh tế gia đình khó khăn, từ năm 1981 mẹ ông nghỉ dạy học, đi bán xôi, bánh cuốn, phở trên vỉa hè Lê Duẩn, Mạc Đĩnh Chi từ 5h đến chiều tối. Bị công an đuổi bắt liên tục, bà chuyển đến trước rạp Eden, đường Đồng Khởi bán. Đích thân phụ giúp mẹ suốt hàng chục năm, ông rất thấu hiểu và chia sẻ với cuộc mưu sinh của bà con. Đây cũng là nhiệm vụ lực lượng chức năng thấy khó khăn nhất vì toàn bộ người vi phạm đều nghèo. Tuy nhiên, quận 1 vẫn phải giải quyết dứt điểm tình trạng này, không làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị thành phố.
Song song đó, hàng loạt nhà hàng, quán nhậu to nhỏ ở trung tâm TP HCM đã bị lực lượng xử phạt; thu giữ bàn ghế, vật dụng… bày trên vỉa hè.
Sau các đợt ra quân quyết liệt của quận 1, theo cách ông Hải gọi là "phải thượng tôn pháp luật", tình trạng lấn chiếm vỉa hè có nhiều chuyển biến. Hàng loạt người Sài Gòn tự động tháo dỡ các biển hiệu, lều bạt, bậc tam cấp, thang dẫn... trả lại lối thông thoáng cho người đi bộ.
Động thái kiên quyết "dẹp loạn vỉa hè" của quận 1 được Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong đánh giá cao, yêu cầu tất cả các quận huyện khác "học" cách làm này. Hàng loạt quận như Bình Tân, Tân Phú, Thủ Đức, Phú Nhuận, Bình Thạnh, quận 3… sau đó tập trung chấn chỉnh tình trạng lấn chiếm lòng lề đường.
"Làn sóng" này cũng lan ra Hà Nội, Cần Thơ… Bộ Trưởng Công an Tô Lâm chỉ đạo lực lượng phối hợp với chính quyền địa phương xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, kiên quyết không để tái diễn. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng lên tiếng ủng hộ, dặn dò "đừng để đầu voi đuôi chuột".
Trong cuộc họp ngày 1/3, ông Nguyễn Thành Phong một lần nữa thể hiện quan điểm, buộc lãnh đạo các quận huyện phải xem đây là chỉ đạo trọng tâm, phải cam kết với lãnh đạo thành phố. Nếu nơi nào không hoàn thành nhiệm vụ thì "mời chủ tịch phường đi làm việc khác".
Tuy nhiên, người đứng đầu chính quyền TP HCM cũng nhắc nhở phải làm đúng trình tự, quy định pháp luật. Với những công trình vi phạm, trước hết phải vận động tháo dỡ và có thời hạn, nếu người dân không chấp hành mới cưỡng chế. "Chúng ta vận động người dân làm đúng pháp luật mà mình làm không đúng thì không nên”, ông Phong nói.