Theo Ban chỉ đạo, đây là các dự án trọng điểm dầu khí quan trọng, khi vận hành sẽ đảm bảo an ninh năng lượng, mang lại nguồn thu lớn cho ngân sách, tạo việc làm, thúc đẩy phát triển kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại một số địa phương. Tuy nhiên, tiến độ triển khai các dự án vẫn bị chậm so với kế hoạch.
Các dự án dầu khí trọng điểm như chuỗi dự án khí - điện Cá Voi Xanh, khí - điện Lô B Ô Môn... chậm tiến độ nhiều năm, theo Ban chỉ đạo, do các chủ đầu tư dự án chưa làm hết trách nhiệm, chưa quyết liệt xử lý các tồn tại, vướng mắc từng dự án . Cùng đó, các giải pháp, kiến nghị đưa ra còn chung chung hoặc chưa phù hợp quy định.
Trong văn bản gửi Thủ tướng Phạm Minh Chính về hướng xử lý tồn tại các dự án này, Ban chỉ đạo cho biết đã đề nghị Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo PVN, EVN xây dựng tiến độ, kế hoạch chi tiết triển khai các dự án, trong đó phân rõ trách nhiệm cụ thể với từng cấp, từng tập thể, cá nhân phụ trách giải quyết để thúc đẩy triển khai các dự án.
Chuỗi dự án khí - điện Cá Voi Xanh là một trong những dự án dầu khí quan trọng quốc gia với sự tham gia của ExxonMobil, tập đoàn dầu khí đa quốc gia hàng đầu Mỹ.
Chuỗi dự án này gồm các dự án thành phần, như dự án Phát triển mỏ khí Cá Voi Xanh; các dự án Nhà máy điện sử dụng khí từ mỏ khí Cá Voi Xanh (Miền Trung I, II (Quảng Nam) và Dung Quất I, II và III (Quảng Ngãi).
Chuỗi dự án khí - điện này đã chậm nhiều năm so với kế hoạch ban đầu. Việt Nam và ExxonMobil có hàng chục phiên đàm phán về Thỏa thuận bảo lãnh và cam kết của Chính phủ (GGU) trong những năm qua. Gần nhất hai bên đưa ra mục tiêu đạt được Quyết định đầu tư cuối cùng (FID, bước quan trọng triển khai dự án) vào cuối 2023 và đầu năm 2024, tức chậm gần 4 năm so với kế hoạch trước đó là quý I/2020.
Ban chỉ đạo Nhà nước các dự án dầu khí trọng điểm yêu cầu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) phối hợp với ExxonMobil hoàn tất thủ tục ký thoả thuận khung mua bán khí (GSA HOA) và kế hoạch phát triển mỏ Cá Voi Xanh (phiên bản D do ExxonMobil) trong quý I, báo cáo Bộ Công Thương thẩm định.
Tỉnh Quảng Nam, một trong các địa phương nơi dự án triển khai, Ban chỉ đạo đề nghị tỉnh này hỗ trợ nhà đầu tư (ExxonMobil), PVN hồ sơ thuê đất. Tỉnh cũng cần đẩy nhanh nâng cấp cảng Kỳ Hà phục vụ sản xuất condensate (khí ngưng tụ) của dự án này.
PVN và ExxonMobil thống nhất với các Bộ Giao Thông vận tải, Quốc phòng, tỉnh Quảng Nam giải quyết dứt điểm vướng mắc liên quan phương án tuyến ống dẫn khí mỏ Cá Voi Xanh đi qua sân bay Chu Lai, hoàn thành trong quý I.
Hai "ông lớn" dầu khí và điện hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (FS) các dự án nhiệt điện miền Trung I, II và Dung Quất I, II. Các tập đoàn này cũng cần chuẩn bị phương án chủ động về nguồn nguyên liệu khí trong trường hợp dự án phát triển mỏ Cá Voi Xanh bị chậm tiến độ hoặc thiếu khí.
Chuỗi dự án khí - điện Cá Voi Xanh khi vận hành thương nại sẽ cung cấp cho lưới điện quốc gia khoảng 23-25 tỷ kWh điện. Tính toán sơ bộ, ngân sách sẽ thu được khoảng 15-18 tỷ USD sau khi chuỗi các dự án này vận hành.
Với chuỗi dự án khí - điện Lô B Ô Môn, báo cáo của Bộ Công Thương gửi Chính phủ trước đó cho biết các vướng mắc đã được giải quyết, và dự kiến có dòng khí đầu tiên vào 2026.
Để đạt tiến độ này, báo cáo Chính phủ lần này, Ban chỉ đạo Nhà nước các dự án trọng điểm dầu khí "giục" Bộ Kế hoạch & Đầu tư sớm hoàn thành thủ tục thẩm định, đề xuất dự án sử dụng vốn vay ODA của Nhật Bản và sớm phê duyệt điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án đường ống dẫn khí. Việc này cần được cơ quan ngành kế hoạch trình Thủ tướng xem xét, chấp thuận trong tháng 1.
PVN được yêu cầu đẩy nhanh tiến độ đấu thầu các gói thầu thiết kế, xây dựng, lắp đặt cụm giàn công nghệ trung tâm, giàn nhà ở, gói thầu các đường ống nội mỏ... chậm nhất trong tháng 6 năm nay.
Còn Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sớm đấu thầu EPC dự án Nhà máy điện Ô Môn IV đồng bộ với tiến độ dự án thượng nguồn; trình Uỷ ban Quản lý vốn phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi (FS) dự án nhiệt điện Ô Môn III sau khi đề xuất sử dụng vốn ODA được Thủ tướng phê duyệt.
Năm ngoái, lượng khí bao tiêu cung ứng thực tế cho sản xuất điện năm nay gần 5,6 tỷ m3, cao hơn 0,15 tỷ m3 so với kế hoạch đưa ra cuối năm ngoái. Trong đó, khí tại khu vực Đông Nam Bộ vượt 8% so với kế hoạch, đạt 4,8 tỷ m3, nhưng khu vực Tây Nam Bộ chỉ bằng 65% kế hoạch, với 0,77 tỷ m3 do các nhà máy điện Cà Mau và giàn đầu giếng gặp sự cố phải sửa chữa dài ngày.
Việc cung ứng khí cho sản xuất, nhất là sản xuất điện, theo Bộ Công Thương, đã đảm bảo cung cấp ổn định, kịp thời cho các nhà máy điện khí. Giá khi được quản lý, điều hành theo cơ chế thị trường, cạnh tranh.