Cha tôi mất khi vừa mới nghỉ hưu, tôi rất đau lòng và ước cha tôi sống thêm 10 năm nữa. Ông ra đi ở tuổi khi con cái mới tầm 30 tuổi, kinh tế chưa vững, lập gia đình chưa lâu. Cảm giác chưa chăm sóc được cha mẹ rất day dứt.
Tôi nghĩ về cơ bản, chúng ta phải xác định chăm sóc người già cực hơn chăm sóc trẻ con, thời gian thường dài 15-30 năm, khi con cái đã vào lứa tuổi sức khỏe suy giảm, thậm chí có bệnh trọng.
Thời gian kéo dài quá chịu nhiều áp lực tình cảm sẽ mất đi rất nhiều. Nên ngay từ tuổi 50 hãy chú trọng quan tâm sức khoẻ bản thân (tránh bệnh lú lẫn khi về già), nói điều này vì rất nhiều người có thói quen tiết kiệm, tất nhiên thói quen này ngày nay sẽ ít đi, nhưng không phải không có.
Cũng có thể không phải do tiết kiệm mà do ít chú trọng trong thói quen sinh hoạt hàng ngày (ví dụ mùa đông dùng nước lạnh dễ cảm lạnh), làm khí huyết tắc nghẽn lâu ngày, khi bước vào tuổi già đó cũng là một trong những nguyên nhân làm suy giảm trí nhớ, chân tay run rẩy.
Nên rèn luyện một bài tập phù hợp với sức khoẻ mỗi người và tìm một đức tin, khi có đức tin sẽ bớt sân si, sẽ chấp nhận tuổi già, chuyện sống chết như một lẽ đương nhiên... sẽ bớt được chuyện gây áp lực cho con về chuyện sống chết, sợ cô đơn muốn giữ con bên cạnh mọi lúc, nói xấu con vì không được như ý.
Tôi chia sẻ điều này, vì nhiều bạn cho rằng "lúc trẻ nói sao cũng được, về già nghĩ khác". Không khác đâu nếu chúng ta xây dựng kế hoạch chu đáo cho tuổi già của mình (không nhất thiết phải có nhiều tiền).
AQ
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.