"Việc bỏ hình phạt tử hình với loại tội phạm này trong thời điểm hiện nay có nhiều điểm bất lợi và khó có thể nhận được sự đồng thuận rộng rãi của công luận", Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Thu Ba cho biết.
Việc bỏ hình phạt tử hình với tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh (điều 157) cũng không nhận được sự ủng hộ của Ủy ban Tư pháp. Hiện nay sản xuất, mua bán hàng giả là lương thực, thực phẩm... đang là vấn đề gây nhức nhối trong xã hội. Hành vi phạm tội trên có thể gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe của nhiều người trên diện rộng. Trong một số trường hợp còn trở nên đặc biệt nguy hiểm, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Theo khảo sát của VnExpress, trong gần 3.000 độc giả tham gia trắc nghiệm có nên bỏ hình phạt tử hình với tội đưa hối lộ thì 70,6% (hơn 2050 người) không tán thành; chỉ có 27,2% đồng ý.
Hơn một tháng trước tại kỳ hợp thứ 4 (tháng 11), Quốc hội cũng đã thảo luận về vấn đề này, đa số các đại biểu cũng không tán thành việc bỏ hình phạt tử hình với 3 tội danh trên.
Tuy nhiên, 7 tội danh còn lại trong 10 tội đề nghị bỏ án tử hình lại nhận được sự tán thành của đa số đại biểu Quốc hội và Ủy ban Tư pháp.
Ủy ban đề nghị có thể xem xét để bỏ hình phạt tử hình với các tội như phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược (điều 341); chống loài người (điều 342), tội phạm chiến tranh (điều 343) và tội phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia (điều 231).
Theo đó, hành vi cấu thành các tội này thường là tập hợp của nhiều hành vi như giết người; cướp tài sản; tuyên truyền, kích động chiến tranh xâm lược hoặc hành vi chống lại độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia... Do vậy, nếu cần thiết phải áp dụng hình phạt tử hình với một số trường hợp cụ thể thì cũng có thể vận dụng các điều luật quy định về các tội xâm phạm an ninh quốc gia, giết người, cướp tài sản... để xử lý.
Với các tội chống mệnh lệnh (điều 316), đầu hàng địch (điều 322), Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Thu Ba cho rằng, hậu quả đặc biệt nghiêm trọng trong hành vi của những tội danh này có thể không nằm trong ý muốn chủ quan của người phạm tội. Trong trường hợp chứng minh được các hậu quả đặc biệt nghiêm trọng đó nằm trong ý muốn chủ quan của người phạm tội thì có thể hành vi của họ đã vượt ra ngoài phạm vi của tội chống mệnh lệnh và đầu hàng địch. Khi đó, cơ quan chức năng sẽ kết hợp xử lý người vi phạm về các tội phạm khác có liên quan. Do vậy, hình phạt tù chung thân đối với điều 316 và 322 đã là nghiêm khắc và vẫn đề cao được việc phòng ngừa, giáo dục.
Quan điểm trên nhận được sự ủng hộ của ông Trần Thế Vượng - Trưởng ban Dân nguyện. Từng làm việc trong Ủy ban Tư pháp, ông Vượng cho biết: "Đây là những tội mà từ xưa tới nay chưa áp dụng bao giờ".
Tuy nhiên, ông Lê Quang Bình (Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh) lại có suy nghĩ ngược lại. "Hình phạt tử hình vào các tội trên là để dự liệu mức phạt, giúp các cơ quan chức năng cân nhắc khi lượng hình chứ thực tế có mấy khi sử dụng. Nếu bỏ đi, tôi e là có khi lợi bất cập hại".
Cùng quan điểm trên, Ksor Phước (Chủ tịch Hội đồng dân tộc) đề nghị giữ nguyên hình phạt tử hình với hành vi xâm hại an ninh quốc gia, chống lại loài người hay đầu hàng địch.
Tại kỳ họp tháng 11, theo quan điểm của các đại biểu, hành vi phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược, chống loài người và tội phạm chiến tranh là những tội phạm nghiêm trọng nhất trong số các loại tội đặc biệt nghiêm trọng có tính chất cướp đi sinh mạng của hàng loạt người, tàn phá dân cư, cướp bóc tài sản... Do vậy, chỉ nên loại bỏ hình phạt tử hình với 3 loại tội phạm này khi và chỉ khi bỏ hoàn toàn án tử hình ra khỏi Bộ luật Hình sự.
Hoàng Khuê