Khẳng định tham nhũng có thể dẫn tới sự sụp đổ của cả một thể chế, đại biểu Lê Thị Nguyên cho rằng, việc loại bỏ hình phạt tử hình đối với tội tham nhũng và nhận hối lộ là chưa thích hợp, nhất là khi Đảng, Nhà nước chủ trương đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống tham nhũng.
"Nếu ta bỏ có thể bị đánh giá là pháp luật chưa nghiêm khắc, làm giảm lòng tin của dân", bà Nguyệt nói và đề nghị chỉ tăng mức tiền chiếm đoạt trong tội tham ô và tăng mức nhận hối lộ trong tội nhận hối lộ thuộc khung hình phạt tử hình.
Chung quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Duy Nguyên cho rằng, tùy theo tính chất, mức độ phức tạp để vận dụng hình phạt, song hình phạt cao nhất đối với tội tham ô vẫn giữ là tử hình. "Như vậy vừa bảo đảm sự nhân đạo song vẫn đủ sức răn đe và độ nghiêm minh của pháp luật", ông nói.
Theo Bộ luật hình sự hiện hành, người nào tham ô từ 500 triệu trở lên hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác; nhận hối lộ từ 300 triệu trở lên hoặc gây hậu quả nghiêm trọng khác; đưa hối lộ từ 300 triệu đồng trở lên; hoặc gây hậu quả nghiêm trọng đặc biệt khác có thể bị khép vào tội tử hình. |
Không đồng tình với Ban soạn thảo là thay vì tử hình nên truy thu tài sản tham ô, đại biểu Hồ Văn Năm phân tích: "Tội tham ô được thực hiện bởi người có chức vụ, trình độ nhất định nên thủ đoạn tinh vi, khó phát hiện. Từ lúc phạm tội đến khi phát hiện thường kéo dài, rất khó thu hồi tài sản. Bởi họ có đủ thời gian, trình độ, điều kiện để chuyển hóa hoặc tẩu tán tài sản". Ông Năm đề nghị trong giai đoạn hiện nay chưa bỏ án tử hình đối với tội tham ô.
Tuy nhiên, nhiều đại biểu lại bày tỏ sự đồng tình với dự luật. Theo đại biểu Vũ Hồng Anh, thực tế chứng minh việc nâng khung hình phạt lên mức tử hình không làm giảm tội phạm. Ví dụ khi sửa Bộ luật hình sự năm 1985, tội tàng trữ, vận chuyển chất ma túy được nâng mức hình phạt lên mức cao nhất - tử hình. Nhưng tội phạm này không giảm mà có chiều hướng tăng.
"Chúng ta cần đánh giá một cách toàn diện hơn về nguồn gốc tội phạm mới có thể xác định định hình phạt hợp lý, có tính phòng ngừa và răn đe cao", ông Hồng Anh nói. Đại biểu này cho rằng việc bỏ án tử hình đối với 17 tội danh như đề xuất của Chính phủ là thể chế hóa chủ trương của Đảng về cải cách tư pháp, thể hiện tính nhân đạo của nhà nước và phù hợp với xu hướng chung của nhân loại.
Đại biểu Lê Thị Nga đề nghị: "Trong giai đoạn hiện nay không xử lý hình sự đối với hành vi phạm tội đưa hối lộ". Ảnh: TTXVN. |
Ở góc độ khác, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phân tích nhận và đưa hối lộ là hai hành vi song hành và hầu như chỉ có hai bên biết. Dù nhà nước khuyến khích và kêu gọi người dân tố cáo hành vi nhận hối lộ, nhưng pháp luật lại xử lý nghiêm cả hai hành vi nên đã không phát huy được việc tố cáo. Đây chính là lý do khiến tội nhận hối lộ xảy ra rất nhiều, nhưng phát hiện và xử lý thì không đáng kể.
"Để đấu tranh có hiệu quả tội nhận hối lộ, chúng tôi đề nghị cho phép sử dụng một giải pháp mang tính đột phá là trong giai đoạn hiện nay không xử lý hình sự đối với hành vi phạm tội đưa hối lộ. Nên đưa nội dung sửa đổi này vào nghị quyết về việc thi hành Bộ luật hình sự sửa đổi", Phó chủ nhiệm Nga đề xuất.
Đại biểu Nguyễn Đình Xuân cũng đồng tình phi hình sự hóa tội đưa hối lộ nếu như hành vi này là bị bắt buộc. "Ví dụ tôi muốn cấp sổ đỏ, muốn thực hiện quyền lợi chính đáng, nhưng chính quyền cứ hành hạ tôi mãi, buộc lòng tôi phải xì tiền ra, dù ngoài ý muốn. Nếu chúng ta không phi hình sự hóa tội này thì sẽ chẳng ai dám tự nguyện khai báo, từ đó làm giảm hiệu quả đấu tranh chống tham nhũng", ông nói.
Để giảm nhẹ áp lực cho thẩm phán và những người làm công tác hành quyết tử tù, đại biểu Ngô Minh Hồng đề xuất với tội phạm tham nhũng nên tính đến những hình phát khác, ví dụ phạt tù lâu hơn, tù chung thân không giảm án.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật hình sự tiếp tục được hoàn thiện và sẽ thông qua tại kỳ họp cuối năm.
Chiều 14/11, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật bảo hiểm y tế, Luật thi hành án dân sự, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) và nghị quyết về điều chỉnh nhiệm kỳ hoạt động 2004-2009 của HĐND và UBND các cấp thêm 2 năm.
Hồng Khánh