Hình minh họa. Nguồn: Corbis |
12 tội được đề xuất gồm: lừa đảo chiếm đoạt tài sản; buôn lậu; sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh; làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, ngân phiếu giả, công trái giả; tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy; tham ô tài sản; nhận hối lộ, đưa hối lộ...
Ngoài ra, Điều 35 dự án sửa đổi cũng hạn chế tối đa việc áp dụng tử hình bằng quy định chỉ áp dụng hình phạt này đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, thực hiện tội phạm một cách dã man, tàn bạo, mất nhân tính hoặc là mối đe dọa nghiêm trọng cho cộng đồng, cho an ninh quốc gia.
Hiện Bộ Công an đã hoàn thiện xong đề án về hình phạt tử hình, đang chờ phê duyệt. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên kết luận sẽ chờ đề án này để “gút” vấn đề áp dụng hình phạt tử hình trong dự án sửa đổi Bộ luật Hình sự.
Lấy cắp một triệu đồng mới phạm tội
Một trong những trọng tâm được xem xét sửa đổi là việc nâng mức định lượng tiền, tài sản để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các tội chiếm đoạt tài sản. Bộ luật năm 1999 có đến 9/13 tội danh xâm phạm sở hữu có quy định mức định lượng về giá trị tài sản hoặc giá trị thiệt hại để làm cơ sở truy cứu trách nhiệm hình sự. Trước những biến đổi của nền kinh tế, mức định lượng tối thiểu về giá trị tài sản bị chiếm đoạt là 500.000 đồng đối với các tội trộm cắp, lừa đảo, công nhiên chiếm đoạt tài sản... đã quá thấp, không còn phù hợp.
Ông Nguyễn Quốc Việt (Vụ trưởng Pháp luật hình sự - hành chính, Bộ Tư pháp) đề nghị nâng mức định lượng này lên một hoặc hai triệu đồng. Ông Việt còn đề xuất phương án khác là căn cứ vào mức lương tối thiểu, có thể gấp hai, ba, bốn lần... để tránh việc quy định “cứng” sẽ sớm bị lạc hậu do trượt giá. Một số ý kiến thì cho rằng nên căn cứ vào giá vàng hoặc giá ngoại tệ chuyển đổi sang đồng Việt Nam.
Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Công an) Nguyễn Ngọc Anh đồng ý với phương án nâng mức định lượng tối thiểu lên một triệu đồng.
Thứ trưởng Hoàng Thế Liên băn khoăn, nếu lấy mức lương tối thiểu làm thước đo sẽ có điểm hạn chế là căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự tháng trước so với tháng sau có thể đã khác nhau rồi. Tuy nhiên, nếu quy định mức một triệu đồng thì mới chỉ tính đến yếu tố trượt giá. Ông Liên đề nghị phải nâng mức này cao hơn, coi đây như một biện pháp để không hình sự hóa các vi phạm kinh tế, dân sự.
Ông Nguyễn Công Hồng (Phó vụ trưởng Pháp luật hình sự - hành chính) ủng hộ phương án dựa vào mức lương tối thiểu để định lượng giá trị tài sản bị chiếm đoạt.
Tại cuộc họp, thường trực tổ biên tập cũng đưa ra một số tội phạm mới để xin ý kiến. Chẳng hạn, trong các tội phạm về chứng khoán có tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu sự thật khi chào bán, niêm yết hoặc giao dịch chứng khoán; tội giao dịch nội gián trong lĩnh vực chứng khoán; gian lận và lừa đảo trong giao dịch chứng khoán; thao túng giá chứng khoán, mức phạt tù cao nhất là bảy năm tù. Ngoài ra còn có tội mua, bán và tái chế rác thải y tế nguy hại; tội mua, bán hoặc tái chế chất thải rắn nguy hại chưa qua xử lý, tội tài trợ cho khủng bố...
Tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng theo lịch trình, tới tháng 8 phải trình Chính phủ dự án luật sửa đổi. Để kịp tiến độ, trước mắt tổ biên tập chỉ nên tập trung sửa những vấn đề thực sự bức xúc chưa nên quy định bổ sung ngay những tội phạm mới.
Vụ trưởng Pháp luật hình sự - hành chính Nguyễn Quốc Việt đề xuất nên bỏ tội đầu cơ vì số vụ xử được trên thực tế chưa đếm hết trên đầu ngón tay. Theo quy định hiện hành, người phạm tội phải thỏa mãn hàng loạt điều kiện mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bao gồm lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo trong tình hình thiên tai, dịch bệnh hoành hành; có hành vi mua vét hàng hóa với số lượng lớn nhằm bán lại thu lời bất chính, gây hậu quả nghiêm trọng. Quy định này hiện đã không còn phù hợp với thực tế.
Tuy nhiên, Vụ phó Nguyễn Công Hồng lại cho rằng khó bỏ được tội đầu cơ. Hành vi đầu cơ thời bao cấp không còn nhưng đã xuất hiện hành vi đầu cơ trong nền kinh tế thị trường.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên kết luận: Muốn bỏ tội nào cần phải có sự cân nhắc kỹ lưỡng. Về tội đầu cơ, ông Liên gợi ý có thể nghiên cứu sửa theo hướng quy định tội danh mới như “làm lũng đoạn thị trường”.
(Theo Pháp Luật TP HCM)