(Bài viết Ý Kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.)
Nước nào cũng có sổ hộ khẩu, nhưng cái sổ hộ khẩu ấy không phải giấy tờ mà chỉ nằm trong hồ sơ điện tử của Nhà nước. Bỏ hay không bỏ sổ hộ khẩu không quan trọng, quan trọng là cách dùng sổ hộ khẩu như thế nào? Sổ hộ khẩu có chức năng quản lý dân số. Đây không phải việc của người dân vì thế giao cho các hộ gia đình giữ cũng không hợp lý. Vì thế, Nhà nước nên là nơi quản lý dân số thông qua các sổ hộ khẩu điện tử.
Ngoài sổ hộ khẩu ra, rất nhiều giấy tờ khác cũng vậy. Ở nước ngoài, người ta đi đâu cũng chỉ có một loại giấy tờ là thẻ ID, ở ta gọi là chứng minh nhân dân (CMND) và bằng lái xe. Trên thẻ ID này, quan trọng nhất là mã số định danh cá nhân, hay còn gọi là số CMND. Từ mã số này, cơ quan hành pháp các loại sẽ truy cập vào hồ sơ điện tử ở phần có liên quan với công việc của họ, gọi là chức năng truy cập.
Ví như cảnh sát giao thông chỉ được phép truy cập ở những phần có liên quan đến giao thông như có vi phạm luật giao thông đến mức lập biên bản không, đã bị chế tài giao thông ở mức độ nào, trường hợp nào, bao nhiêu lần? Hoặc cơ quan thuế chỉ được truy cập vào tài sản cá nhân để xem có trốn thuế không? Hộ tịch được truy cập vào phần kết hôn, con cái. Y tế được truy cập vào hồ sơ sức khỏe. Giáo dục được truy cập vào hồ sơ học hành. Phần không có liên quan, hồ sơ điện tử sẽ từ chối cho phép truy cập. Cố tình truy cập không đúng chức năng, quan chức sẽ bị truy tố hình sự vì tội lạm quyền, xâm phạm đời tư.
Trên thẻ ID cũng có hình ảnh nhân dạng và các thông tin cơ bản khác như CMND nhưng phần mã số (số CMND) bị ẩn đi, chỉ được hiện ra khi cơ quan chức năng quẹt thẻ này vào máy tính của họ.
>> Tạm trú thành phố 20 năm, vẫn phải về quê xác minh lý lịch
Ngoài ra, một số nước còn tích hợp điểm credit (điểm số công dân) vào thẻ căn cước. Trong một năm, nếu bạn không vi phạm luật pháp, không bị ai kiện cáo, không nợ thuế, không nợ quá hạn ngân hàng... bạn được cộng điểm, ngược lại bị trừ điểm. Nếu bạn giúp đỡ người không quen biết bị nạn ở nơi công cộng được camera nhà nước ghi nhận, bạn được cộng điểm. Nhìn thấy tiêu cực xảy ra gọi điện báo cơ quan chức năng, bạn được cộng điểm...
Khi điểm credit đạt đến mức nào đó bạn sẽ có nhiều ưu đãi về mặt xã hội. Cụ thể, khi vay tiền ngân hàng bạn chỉ phải chịu mức lãi suất thấp nhất trong khung lãi suất, thế chấp ít nhất, vay tiền nhiều nhất. Khi làm thủ tục hành chính các thứ bạn được ưu tiên làm trước dù bạn nộp hồ sơ sau cả đống người. Khi mua bán giao dịch bất cứ thứ gì, người bán luôn ưu tiên bạn trước (nếu có đông người mua). Ngược lại, với người có điểm credit thấp. Điểm credit là do các cơ quan chức năng khác nhau cho điểm dựa trên hồ sơ công dân, không phải ai muốn cho bao nhiêu thì cho.
Muốn làm được những việc này cần có kho lưu trữ dữ liệu điện tử cấp quốc gia để quản lý chung. Ở ta, mỗi loại hồ sơ đều giao cho từng cơ quan chức năng riêng biệt dẫn đến khi làm thủ tục hành chính cần đủ thứ giấy tờ, giấy này chứng minh cho giấy kia, mà giấy nào cũng do cơ quan chức năng nào đó cấp chứ người dân có tự in ra được đâu. Thời đại 4.0 mà khả năng sử dụng và khai thác triệt để các chức năng của máy tính còn hạn chế thì khó mà theo kịp thì sẽ khó cải cách hành chính.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.
Lâm