Theo như khảo sát của Ban chỉ đạo cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ trong năm 2019, 86% người dân hài lòng với thái độ giao tiếp, giải quyết công việc của công chức. Đây thực sự là điều vô cùng đáng mừng về cải cách thủ tục hành chính. Nhưng với tôi, đâu đó vẫn có gì đó gờn gợn, lăn tăn, không dám tin đó là sự thật. Và trải nghiệm của tôi về câu chuyện hơn một năm làm sổ đỏ không có kết quả của ba tôi sẽ là minh chứng sống cho cảm nhận này.
Khi tổ quốc gọi tên, giống như bao thanh niên khác, ba tôi xung phong lên đường nhập ngũ. Ba tôi kể, ngày đó cân nặng không đủ, ba còn phải cho thêm viên đá nhỏ vào túi quần để được nhập ngũ. Vào quân ngũ, ba tôi được biên chế vào Sư đoàn 9, tham gia nhiều trận đánh ác liệt tại chiến trường miền Nam. Và cho tới tận bây giờ, khi được ba tôi kể về những trận đánh đó, tôi vẫn chăm chú lắng nghe như một đứa trẻ. Hòa bình lập lại, ba tôi may mắn còn sống trở về quê hương nhưng là thương binh thương tật 61% và bệnh binh mất sức khỏe 21%.
Sau đó ba tôi lập gia đình và sinh được ba người con. Quá trình sinh sống tại địa phương, ba mẹ tôi có mua được một thửa đất để mở một quán bán hàng nhỏ. Tới đầu năm 2019, địa phương có chính sách làm sổ đỏ cho những hộ dân tại khu vực này và gia đình tôi nằm trong số đó.
Hành trình bắt đầu
Khoảng tháng 5/2019, ba mẹ tôi tới UBND xã để làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDD). Tới tháng 7/2019, cán bộ của trung tâm đăng ký đất đai huyện về đo đạc thửa đất. Cứ ngỡ sau đó ba mẹ tôi sẽ được cấp GCNQSDD, nhưng mọi chuyện không hề như mong muốn.
Chờ mãi không thấy kết quả, ba mẹ tôi tới UBND xã để hỏi thì được công chức địa chính thông báo phải bổ sung giấy tờ tùy thân của tất cả thành viên gia đình của người đã bán đất cho ba mẹ tôi, hộ khẩu và giấy chứng tử của thành viên đã mất.
Kỳ lạ thật! Liệu có thủ tục hành chính nào mà công dân A lại phải cung cấp giấy tờ tùy thân của công dân B hay không, còn chưa kể tới nhiều khi đó là thông tin thuộc bí mật đời tư? Thế nhưng, công chức đã nói thế nên bố mẹ tôi cũng cố gắng liên hệ với người đã bán để nhờ giúp đỡ. Tuy nhiên, họ từ chối vì việc mua bán đã diễn ra quá lâu và họ không muốn liên quan nữa.
>> Tôi bị 'hành' hơn ba tháng không làm xong giấy đăng ký kết hôn
Bế tắc bắt đầu xuất hiện
Trước tình hình trên, tôi đã đưa ba tôi tới UBND xã để đối thoại. Quá trình đối thoại mới phát hiện, công chức địa chính còn chưa cho ba mẹ tôi làm tờ khai đề nghị cấp GCNQSDD, nhận giấy tờ cũng không hề có biên nhận. Nhưng sau đó, họ cũng nhận sai và hứa sẽ hoàn thiện hồ sơ để gửi lên cấp trên cấp đất cho gia đình, nên tôi và ba tôi cũng không làm căng. Có ai đánh kẻ chạy lại bao giờ đâu.
Trên đường về, tôi thấy khuôn mặt ba tôi vui lắm. Vì có lẽ, tôi đã giúp ông giải tỏa những bức xúc ở trong lòng bấy lâu nay và nếu không có gì thay đổi thì chỉ sau 30 ngày hoặc thậm chí 40 ngày là ba tôi sẽ được nhận GCNQSDD. Thế nhưng, đúng là cuộc đời không phải như mơ. Chờ mãi cũng hết 30 ngày, rồi hết 40 ngày, thậm chí hết hai tháng nhưng vẫn không nhận được thông báo gì, ba tôi lại lặn lội đi hỏi. Và lần này, họ lại bảo họ cần xác minh.
Tôi không biết nghiệp vụ của họ phải xác minh những gì nhưng pháp luật về đất đai có quy định thời hạn cấp GCNQSDD chỉ có 30 ngày. Không lẽ, pháp luật không phù hợp với thực hiện hay khi xây dựng văn bản này? Vì vậy, thông qua cổng dịch vụ công quốc gia, tôi phản ánh trường hợp của ba tôi tới Văn phòng Chính phủ. Rất nhanh chóng, Văn phòng Chính phủ có chỉ đạo cho UBND tỉnh và cũng vô cùng nhanh chóng, tôi nhận được văn bản về việc đã chỉ đạo UBND huyện giải quyết trường hợp của ba tôi trước ngày 11/4.
Khi nhận được thư của UBND tỉnh, tôi rơm rớm nước mắt. Bao nhiêu bức xúc trong lòng như được giải tỏa và hy vọng và một điều tươi sáng phía trước. Thế nhưng, sự đời còn lắm gian nan. Tới ngày 21/4 tôi mới nhận được văn bản của UBND huyện, nội dung văn bản cũng khẳng định trường hợp của ba tôi được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và sẽ tiếp tục chỉ đạo UBND xã giải quyết. Nhưng đáng buồn là lại không có nói bao giờ sẽ giải quyết. Và tôi đoán là lại hứa và sẽ rồi để đấy. Và đúng như vậy, tới nay đã hơn một tháng và mọi thứ vẫn không có tiến triển gì.
Niềm tin vơi dần
Kỳ nghỉ lễ 30/4 vừa qua, tôi đưa gia đình về chơi, ba tôi vui lắm. Mặc cho vợ chồng tôi loay hoay với đống đồ đạc lỉnh kỉnh, ông chạy ngay ra bế đứa cháu nội. Sợ ba tôi buồn khi nhắc tới sổ đỏ nên vợ chồng tôi quán triệt không nhắc tới bất kỳ từ nào có liên quan tới đất đai.
Vì ba tôi vui nên trong bữa cơm ông có uống đôi chén rượu. Và khi có hơi men, con người ta thường hay giãi bày những bức xúc. Ba tôi bất chợp hỏi tôi: "Giờ cái sổ đỏ phải làm như thế nào hả con?".
Tôi không nói gì, ngẩng mặt lên trần nhà và đăm chiêu suy nghĩ: "Đến Văn phòng Chính phủ cũng đã phản ảnh và cầu cứu rồi thì giờ biết tìm ai để giúp đỡ? Không lẽ dân với quan lại kéo nhau ra tòa chỉ vì cái thủ tục hành chính đơn giản này thôi sao? Như thế thì mất mặt lắm".
>> Nửa năm khổ sở làm giấy kết hôn chồng ngoại quốc
Kết thúc kỳ nghĩ lễ, chào ba để quay trở lại Hà Nội, tôi biết rằng, niềm tin của ba tôi đã vơi đi nhiều lắm. Nhưng tôi cũng biết rằng, niềm tin chỉ là trạng thái nhất thời. Ngay hôm nay, chúng ta có thể mất niềm tin vào ai đó nhưng nếu họ sai, họ nhận, họ sửa và họ xin lỗi thì chúng ta lại sẵn sàng đặt niềm tin vào họ. Và nếu được lấy đánh giá, cá nhân tôi và đại gia đình của tôi chắc chắn sẽ không hài lòng với sự phục vụ của công chức. Tôi không còn niềm tin và cải cách thủ tục hành chính nhưng tôi vẫn mong.
Tôi mong trường hợp của ba tôi chỉ là hãn hữu, do trình độ chuyên môn của công chức địa phương quê hương tôi thôi, chứ không phải đa số các địa phương đâu, để cho con số 86% kia còn là sự thật. Và tôi cũng mong, trường hợp của ba tôi chỉ là sai sót của một vài cá nhân thôi, chứ đó không phải cách mà thế hệ ngày nay chúng ta đối xử với những người đã cống hiến tuổi trẻ, xương máu cho sự độc lập của đất nước này.
Tôi biết là mong ước cũng chỉ là mong ước thôi, nhưng tôi vẫn cứ mong, vì nếu không mong thì biết làm gì bây giờ?
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.