Sau khi có đủ thông tin cần thiết, tôi báo tin cho sếp. Ông thốt lên "Trời ơi" bằng thứ tiếng Việt trọ trẹ rồi bảo tôi cho ông biết thời gian có thể thăm viếng. Nhưng cuộc họp với đối tác quan trọng khiến ông không thể có mặt thắp nhang cho nhân viên xấu số. Một tuần sau, tôi được yêu cầu sắp xếp cuộc gặp giữa ông và vợ người công nhân mới qua đời.
Hôm chị đến, tôi gặp chị trước để hỏi han rồi mời chị lên phòng của sếp. Ông rời bàn làm việc, ra nắm tay, mời chị ngồi và hỏi thăm. Vốn đã có thông tin trước, tôi trả lời thay chị, nhưng ông nhắc nhở: "Để chị ấy trả lời. Tôi muốn trò chuyện trực tiếp". Tôi chỉ có nhiệm vụ dịch lại. Người phụ nữ bé nhỏ, ban đầu hơi co ro trước một ông Tây to lớn, tổng giám đốc công ty chồng chị. Nhưng trước thái độ ân cần của ông, chị dần bộc bạch những lo lắng của mình sau khi người đàn ông trụ cột trong gia đình đột ngột ra đi.
Trong cuộc gặp, sếp cố gắng hỏi nhiều thông tin nhất có thể. Và điều ông quan tâm nhất là đứa con gái duy nhất của anh chị. Cháu là tương lai, cuộc sống của cháu còn rất dài, công ty không muốn cái chết của anh ảnh hưởng đến sự phát triển và việc học tập của cháu.
Tổng giám đốc động viên chị an tâm, tập trung chăm lo cho cháu và sắp xếp lại cuộc sống. Khi cháu vào đại học, công ty sẽ lập quỹ học bổng để đồng hành cùng cháu. Sếp tiễn chị ra về và dặn, nếu có bất cứ khó khăn nào, hãy gọi cho ông hoặc cho vợ ông.
Sau khi chị về, ông yêu cầu tôi tính toán lại tất cả chi phí mà gia đình anh chị đã trang trải và ước tính số tiền chị sẽ nhận được từ cơ quan bảo hiểm, công đoàn. Hôm sau, chúng tôi thông báo, chi phí mà gia đình trang trải và những khoản họ nhận được gần như tương đương. Ông thở phào và quyết định: mức tiền lương của anh hiện tại sẽ được công ty chi trả hàng tháng vào tài khoản của chị cho đến khi con của họ tốt nghiệp đại học.
Đây không phải trường hợp đầu tiên nhận được hỗ trợ. Danh sách các hoàn cảnh tương tự trong công ty đã lên tới 14 người. Họ, hoặc là con em của những công nhân viên đã bất hạnh qua đời, gia cảnh khó khăn; hoặc chính là bản thân nhân viên bị bệnh tật, tai nạn giao thông, không còn khả năng lao động, thiếu nơi nương tựa. Mỗi tháng họ được hỗ trợ tiền cùng đợt lương của công ty. Người nhận loại trợ cấp này lâu nhất đã tám năm. Thế mới có chuyện, chúng tôi từng bị cơ quan bảo hiểm gửi công văn xuống yêu cầu giải trình, vì thấy dữ liệu chi tiền cho những người này từ cơ quan thuế, mà không đóng bảo hiểm xã hội.
Vốn không phải là một công ty có tiềm lực tài chính quá mạnh, trong bối cảnh khó khăn hiện tại, lãnh đạo công ty đã phải rất nỗ lực tính toán, cân đối thu chi để duy trì được chính sách phúc lợi này.
Tổng giám đốc từng nhiều lần trò chuyện với tôi sau giờ làm việc, để hiểu hơn về lối sống, hoàn cảnh riêng của nhân viên, công nhân dưới quyền ông. Ông là người Anh, sang Việt Nam mở công ty đã 28 năm. Trong công việc của mình, ngoài phát triển doanh nghiệp, điều ông trăn trở nhất là cải thiện và nâng cao đời sống cho từng nhân viên. Tôi tin đó không hề là những lời sáo rỗng sau những gì về ông mà tôi được chứng kiến.
Doanh nghiệp Việt Nam, trong bối cảnh suy thoái toàn cầu, đang trải qua những ngày tháng ảm đạm. Thiếu đơn hàng, không có nguyên liệu sản xuất, cạn vốn... hầu hết doanh nghiệp đang phải thu hẹp quy mô sản xuất, giảm giờ làm, thậm chí cắt giảm lao động. Nhiều doanh nghiệp đã có kế hoạch cho người lao động nghỉ Tết âm lịch... ba tháng.
Theo số liệu Trung tâm dịch vụ việc làm TP HCM, trong tháng 10 có hơn 10.440 người mất việc nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp. Tổng số người mất việc 10 tháng qua là gần 128.000 người, tăng 26% so với cùng kỳ năm ngoái. Có những công ty phải cắt giảm 2.000-3.000 công nhân, phần lớn là các hợp đồng thời vụ hoặc người lao động lớn tuổi.
Những con số này vẽ ra một bức tranh rất khác các năm trước. Cuối năm nay, thay vì ồ ạt tuyển dụng thêm lao động để hoàn thành các đơn hàng, việc sa thải diễn ra hàng loạt. Đây là bài toán kinh tế mà mọi doanh nghiệp cần phải vượt qua để tồn tại. Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn, chất lượng và uy tín thực tế của một doanh nghiệp được phản ánh qua nhiều chiều cạnh, mà một trong số đó là cách doanh nghiệp hỗ trợ người lao động ở thời điểm gian nan nhất.
Mối ưu tiên nhất của sếp tôi lúc này là bằng mọi cách giữ được công ăn việc làm cho nhân viên. Khác với trước đây, thay vì cử cấp dưới đi công tác, ông di chuyển thường xuyên hơn, trực tiếp gặp gỡ và làm việc với đối tác nhiều hơn; mở rộng hơn bạn hàng ra ngoài các quốc gia quen thuộc. Tất cả với mục tiêu có được đơn hàng, giữ việc trước mắt cho công nhân. Ông nói 28 năm lập nghiệp ở Việt Nam đủ để ông hiểu ý nghĩa của một cái Tết no ấm với người dân nơi đây, đặc biệt là những con người phải tha hương tìm việc, cuối năm chỉ mong dành dụm chút tiền về với gia đình ở những vùng quê xa xôi, nghèo khó.
Sa thải để tiết kiệm chi phí luôn là lựa chọn dễ hơn việc cầm cự, hỗ trợ người lao động trong cơn bĩ cực. Tuy nhiên, làn sóng cắt giảm nhân sự hiện tại sẽ tạo ra áp lực lớn trong tương lai, khi một lượng lớn người lao động trở thành thất nghiệp, bị loại ra khỏi chính sách an sinh, bảo hiểm xã hội.
Doanh nghiệp vận hành không chỉ vì lợi nhuận ròng của tầng lớp lãnh đạo phía trên, mà trong những hoàn cảnh đặc biệt, còn cần san sẻ lợi ích với người lao động - những người góp phần làm nên sức mạnh của doanh nghiệp. Đó là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.
Tôi tin, quốc gia nào có càng nhiều doanh nghiệp ý thức về trách nhiệm xã hội của mình, quốc gia đó càng phục hồi nhanh hơn trong suy thoái và có cơ hội phát triển bền vững hơn.
Đặng Quỳnh Giang