Đầu tháng 10, Công ty TNHH Việt Nam Samho ở Củ Chi bị thương hiệu giày nổi tiếng cắt toàn bộ đơn hàng khiến công suất của nhà máy giảm 30%, tương ứng 3.000 lao động không còn việc để làm. Một số được sắp xếp sang các xưởng khác, phần còn lại phải ngồi không. Nửa tháng trước, doanh nghiệp gửi phương án cắt giảm 1.400 lao động lên Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố, để có phương án phù hợp nhằm đảo bảo quyền lợi cho công nhân.
Ông Nguyễn Thanh An, Chủ tịch công đoàn công ty, nói rằng đầu năm nhà máy bỏ rất nhiều chi phí để tuyển mới 1.500 công nhân, tuy nhiên đến nay tình thế đảo ngược hoàn toàn. "Dù giai đoạn này đang rất khó khăn nhưng phía doanh nghiệp vẫn đang nỗ lực làm việc với các đối tác còn lại để có thêm đơn hàng mới nhằm giữ chân lao động", ông An nói.
Người lao động được thông báo về tình hình sản xuất của nhà máy để lựa chọn phù hợp. Khoảng 200 người chủ động nộp đơn nghỉ việc, được công ty trả đủ lương tháng 10. Số khác yêu cầu doanh nghiệp thương lượng đền bù hợp đồng hoặc chờ phương án từ cơ quan chức năng.
Theo ông An số lao động thuộc diện cắt giảm mới được ký hợp đồng vào đầu năm, thời gian làm việc tại công ty chưa đủ 12 tháng. Theo quy định, họ không nhận được trợ cấp mất việc từ doanh nghiệp và cũng chưa thuộc diện được quỹ bảo hiểm thất nghiệp chi trả. "Công nhân sẽ gặp rất nhiều khó khăn", ông An nói.
Tương tự, hai tháng qua Công ty TNHH T.H ở quận Bình Tân không có đơn hàng để sản xuất nên dự kiến cắt giảm gần 1.400 lao động vào tháng 12 tới. Nhà máy T.H quy mô hơn 1.800 lao động, có 100% vốn Đài Loan, chuyên sản xuất giày xuất khẩu, thị trường chủ yếu châu Âu.
Hiện, phía liên đoàn lao động quận và công đoàn công ty tham gia thương lượng với lãnh đạo doanh nghiệp nhằm đảm bảo thực hiện đầy đủ các chế độ về tiền lương, thưởng Tết... cho công nhân theo quy định. Công đoàn cũng đề nghị công ty không được cắt giảm các trường hợp mang thai và nuôi con nhỏ, hỗ trợ tìm việc cho những người có nhu cầu.
Samho, Công ty giày T.H là hai trong số nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn về đơn hàng buộc phải cắt giảm lao động. Ông Nguyễn Thành Đô, Trưởng ban chính sách pháp luật (Liên đoàn lao động TP HCM), cho biết tình hình chung hiện nay các nhà máy dệt may, da giày, điện tử bị giảm đơn hàng do khó khăn trong tìm kiếm nguyên phụ liệu, hàng khó xuất. Các nhà máy bố trí công nhân làm việc giờ hành chính, không tăng ca, nghỉ luân phiên hoặc giảm lao động.
"Công đoàn thành phố đang yêu cầu các địa phương nắm tình hình, báo cáo chi tiết để có phương án hỗ trợ", ông Đô nói. Báo cáo của một số quận, huyện cho thấy có công ty cắt giảm hơn 1.000 lao động, số khác vài trăm hoặc vài chục.
Theo số liệu Trung tâm dịch vụ việc làm TP HCM, trong tháng 10 có hơn 10.440 người mất việc nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp. Tổng số người mất việc 10 tháng qua là gần 128.000 người, tăng 26% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đối mặt nguy cơ mất việc cũng là tình trạng của khoảng 100 công nhân Công ty TNHH Tashuan, sản xuất nhựa tổng hợp, đóng ở Khu công nghiệp Tân Tạo (quận Bình Tân). Do hết đơn hàng và tài chính khó khăn, từ ngày 24/10 doanh nghiệp bố trí cho công nhân nghỉ luân phiên, chỉ làm việc một số ngày trong tuần. Công ty cũng thông báo từ 5/11, nhà máy đóng cửa hai xưởng cho tới khi có đơn hàng.
Phía doanh nghiệp cho hay thời gian qua, ban giám đốc đã cố gắng tìm kiếm đơn hàng, duy trì sản xuất để đảm bảo việc làm cho công nhân nhưng không được. Do đó, nhà máy buộc phải dừng hoạt động ba tháng. Trong thời gian này, công nhân muốn nghỉ việc, công ty sẽ giải quyết và chốt sổ bảo hiểm xã hội. Trường hợp chưa tìm được việc làm mới, công ty sẽ hỗ trợ mỗi tháng 2,5 triệu đồng, tương ứng 50% lương cơ bản. Sau thời hạn ba tháng, nếu tiếp tục không có đơn hàng, công ty sẽ cho người lao động nghỉ việc theo quy định.
Cắt giảm lao động là việc "cực chẳng đã" và cũng khiến nhiều doanh nghiệp đau đầu. Bà Phạm Thị Châu, Trưởng phòng hành chính nhân sự Công ty TNHH Vexos Việt Nam ở Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7) cho hay hơn tháng qua nhà máy bị thiếu nguyên phụ liệu và không xuất được hàng. Nếu duy trì số lao động như hiện tại, công nhân không còn tăng ca nhiều như trước.
Theo bà Châu, trong công ty lúc nào cũng có người "lửng lơ muốn nghỉ", một số người trình bày nguyện vọng thôi việc. Do đó, công ty có phương án trường hợp nghỉ thời điểm này sẽ được hỗ trợ hai tháng lương. Lúc này ra đi hay ở lại là lựa chọn của công nhân. Nhân viên nghỉ sẽ không tuyển mới mà dùng thời gian này để thêm thời gian tăng ca cho lao động còn lại.
"Tuy nhiên giám đốc cũng chỉ cho nghỉ 3%. Nhà máy đang xoay xở để có việc, đảm bảo thu nhập, giữ chân công nhân", bà Châu nói.
Bà Huỳnh Thị Hồng, phụ trách tư vấn, giới thiệu việc làm Khu chế xuất Tân Thuận thuộc Trung tâm hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp thành phố, cho biết so với cùng kỳ các năm trước nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp giảm 20-30%. Mọi năm, thời điểm này các nhà máy rất nhiều đơn hàng, tăng ca thường xuyên, tuyển dụng mạnh, sử dụng thêm lao động thời vụ. Tuy nhiên, năm nay nhiều công ty chỉ cho công nhân đi ca hành chính 8 tiếng hoặc phải cắt lao động do thiếu đơn hàng và nguyên phụ liệu.
Khi tư vấn tuyển dụng, bà Hồng nhận thấy ngoài việc bị công ty chấm dứt hợp đồng, nhiều lao động chủ động nghỉ việc do chỉ còn làm 8 tiếng, không tăng ca, thu nhập giảm. Theo bà Hồng tình hình doanh nghiệp khó khăn chung, rất ít công ty duy trì làm thêm do đó công nhân nên cân nhắc trước khi đưa đơn bởi tìm việc mới giai đoạn này không dễ và "đi đâu cũng thế". Người lao động có thể làm thêm bên ngoài nhà máy như phục vụ quán ăn, chạy xe công nghệ... để có thêm thu nhập, bù cho phần không tăng ca.
Cố gắng giữ lao động cũng là phương án của Công ty TNHH may mặc Triple, quy mô 2.000 lao động ở Củ Chi. Ông Nguyễn Đắc Thời, Chủ tịch công đoàn công ty, cho hay hiện đơn hàng của nhà máy giảm nên phải thu hẹp sản xuất. Tuy nhiên, doanh nghiệp chỉ giảm đội ngũ quản lý khoảng 30 người và giữ lại công nhân. "Từ bài học chật vật tuyển lao động đầu năm, nhà máy cố giữ công nhân để chờ đơn hàng phục hồi", ông Thời nói.
Lê Tuyết