"Các doanh nghiệp Australia mong muốn Việt Nam thể hiện sự nhất quán và minh bạch khi áp dụng Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương. Việc chính phủ có chính sách và các quy định ổn định, có thể dự đoán được là điều rất quan trọng", bà Louise McGrath, Giám đốc quốc gia, phụ trách Tư vấn kinh doanh và các vấn đề quốc tế, Tập đoàn Công nghiệp Australia (AI), Australia, trả lời câu hỏi của VnExpress về trông đợi của phía Australia với Việt Nam khi cùng tham gia CPTPP.
Ngày 9/3, Việt Nam, Australia và 9 nước khác đã ký kết CPTPP tại Chile. Đây là phiên bản Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) không có Mỹ.
Bà McGrath trao đổi với một nhóm phóng viên các nước ASEAN trong cuộc họp tại Melbourne, Australia, cuối tháng 2/2018. AI có tuổi đời hơn 140 năm, là tập đoàn hỗ trợ các doanh nghiệp Australia hoạt động trong nhiều lĩnh vực.
"Kể cả khi Việt Nam có những thay đổi có thể mang lại lợi ích cho doanh nghiệp Australia, họ cũng không muốn", bà McGrath nhấn mạnh.
Đại diện của AI đánh giá thách thức của các nước khi đàm phán hiệp định thương mại tự do hiện đại là có những vấn đề vượt qua khuôn khổ thuế, liên quan đến những vấn đề nhạy cảm như đầu tư, quyền lao động hay bảo vệ môi trường. Những cơ hội CPTPP mang lại cho Việt Nam và Australia là hai bên có thể thực hiện những chính sách tự do hóa liên quan đến viễn thông, xây dựng. Có một số thành viên của AI đã thể hiện sự quan tâm về hợp tác các lĩnh vực này ở Việt Nam.
Nhận định về tầm quan trọng của CPTPP, bà Lisa Gropp, Nhà kinh tế trưởng, Hội đồng kinh doanh Australia (BCA), cho hay việc thực hiện tự do thương mại không phải là điều dễ dàng và các nước thành viên đã thể hiện sự can đảm của mình. Tuy nhiên bà Gropp cũng cảnh báo về "những rào cản sau biên giới" (behind border barriers) của một nước, gây trở ngại cho việc kinh doanh của doanh nghiệp nước khác khi vào thị trường của họ. Đó là vấn đề từng xảy ra ở các hiệp định thương mại tự do trước đây. Vì thế Nhà kinh tế trưởng của BCA hy vọng chính phủ các nước cần giải thích rõ ở các cấp của mình về việc vì sao việc thực thi CPTPP mang lại lợi ích cho quốc gia, không tạo ấn tượng cho công chúng thấy mình thực thi Hiệp định chỉ vì đã "trót ký", vì bị buộc phải làm thế. Các nước cần thể hiện rõ mình thực thi CPTPP một cách tự nguyện vì nó đem lại lợi ích lớn cho người dân.
"Không thể nói rằng tất cả các nước đều chiến thắng trong ngày đầu tiên, có những thách thức về điều chỉnh và cần xử lý các vấn đề nảy sinh. Các nước cần sát cánh với nhau khi thực hiện Hiệp định này, với tư cách là cùng một nhóm", bà Gropp khuyến cáo.
Giải thích rõ hơn về thách thức hiện nay của các nước thành viên CPTPP, ông David Livingstone, Trưởng bộ phận Hợp tác toàn cầu, Hội đồng kinh doanh Australia (BCA), cho rằng đó là mức độ cam kết với tự do thương mại của các nước và áp dụng ở quốc gia mình, các bên có thể "nhìn nhau" khi thực thi Hiệp định. Trên thực tế, một số nước ký các hiệp định thương mại tự do khác đã không hài lòng vì đối tác sử dụng các biện pháp sau biên giới (behind the border measures) để thay thế cho các mức thuế quan, vốn đã được dỡ bỏ vì có hiệp định tự do thương mại.
Thách thức thứ hai, theo ông Livingstone, là mặc dù các nước có quy định ở cấp trung ương nhưng việc thực thi lại phụ thuộc ở các quan chức cấp dưới. Do đó các thành viên CPTPP cần xây dựng nguồn nhân lực đảm bảo được việc áp dụng Hiệp định đúng với cam kết.
Nhắc đến việc Mỹ rút lui khỏi TPP, ông Livingstone cho rằng Hiệp định ban đầu được Mỹ thúc đẩy rất mạnh mẽ, hiện chưa rõ Washington có trở lại quan điểm ủng hộ tự do thương mại hay không, nhưng việc 11 nước còn lại vẫn quyết tâm thúc đẩy nó là động thái can đảm.
"Các nước đang nêu lên câu hỏi với Mỹ: liệu anh có tiếp tục đứng bên ngoài không và tôi cho rằng Washington sẽ phải cân nhắc điều đó", ông Livingstone nói.
Việt Anh