“Hôm nay, chúng ta có thể tự hào kết luận rằng quá trình này đã gửi đi một thông điệp mạnh mẽ đến cộng đồng quốc tế, rằng việc hội nhập kinh tế và hợp tác quốc tế là công cụ tốt nhất để tạo ra cơ hội và thịnh vượng”, Tổng thống Chile - Michelle Bachelet cho biết trong lễ ký.
CPTPP sẽ giảm thuế nhập khẩu tại 11 quốc gia có tổng GDP hơn 10.000 tỷ USD, chiếm hơn 13% toàn cầu. Với gần 500 triệu dân, đây là một trong những thỏa thuận thương mại lớn nhất thế giới. CPTPP sẽ có hiệu lực khi được ít nhất 6 quốc gia thành viên phê chuẩn. Quá trình này dự kiến hoàn tất trong năm nay.
Các quốc gia hiện tại của CPTPP gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam.
TPP bị đẩy đến bờ vực sụp đổ đầu năm ngoái, khi Tổng thống Mỹ - Donald Trump rút Mỹ khỏi hiệp định này, chỉ 3 ngày sau khi nhậm chức. 11 nước còn lại đã nỗ lực hồi sinh hiệp định, đổi tên thành CPTPP và hoàn tất thỏa thuận sửa đổi vào tháng 1/2018.
“Cũng như các nước khác, chúng tôi rất kỳ vọng CPTPP sẽ có hiệu lực cuối năm nay hoặc ngay sau đó thôi”, Bộ trưởng Thương mại Australia - Steven Ciobo hôm nay cho biết.
Hiệp định sửa đổi đã bỏ đi nhiều yêu cầu do Mỹ khởi xướng trong phiên bản ban đầu. Bản cuối cùng đã được công bố tại New Zealand ngày 21/2.
“Chúng tôi tự hào chỉ cho cả thế giới thấy rằng thương mại tiến bộ, có quy tắc và công bằng là con đường tiến lên”, Bộ trưởng Thương mại Canada - Francois-Phillippe Champagne cho biết. Heraldo Munoz – Bộ trưởng Ngoại giao Chile hôm qua cũng khẳng định CPTPP không phải là hiệp định nhằm chống lại quốc gia nào cả, và một số nước đã bày tỏ ý muốn tham gia.
* CPTPP và TPP khác nhau như thế nào?
Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới hồi tháng 1, ông Trump cho biết Mỹ có thể quay lại TPP nếu đạt thỏa thuận có lợi hơn. Tuy nhiên, New Zealand khẳng định việc này là không thể trong ngắn hạn, còn Nhật Bản cho biết sửa đổi CPTPP hiện tại sẽ là rất khó khăn.
Hà Thu (theo Reuters)