Từ đầu năm, người dùng mạng xã hội ở Mỹ, phần lớn là Gen Z, khởi xướng trào lưu hạn chế chi tiêu nhiều nhất có thể với tên gọi "no spend challenge" (Thử thách không tiêu tiền). Trên Tiktok, từ khóa "nospendchallenge" nhận gần 100 triệu lượt xem với hàng chục nghìn video tham gia thử thách. Với mỗi video cập nhật một ngày thành công, người tham gia đều nhận được nhiều bình luận khen ngợi và cổ vũ. Từ đó, trào lưu này thúc đẩy mọi người thay đổi lối sống một cách mạnh mẽ để đạt mục tiêu tài chính riêng mình, cho dù đó là trả nợ hay tiết kiệm.
"No spend challenge" thách thức mọi người không chi tiêu cho những thứ không cần thiết, ngoại trừ các hóa đơn buộc phải trả. Người tham gia sẽ theo dõi tiến trình trên lịch, cố gắng có càng nhiều ngày không tiêu tiền càng tốt. Một số giao dịch mua thường bị cấm trong thử thách gồm ăn uống bên ngoài, mua mang về quần áo hoặc sử dụng các dịch vụ không thiết yếu như cắt tóc, thẩm mỹ.
Tính lan tỏa của "No spend challenge" tạo nhiều biến thể mới như thử thách không ăn uống bên ngoài, không mua quần áo. Trong đó, tiết kiệm 52 tuần là thử thách nhận được nhiều hưởng ứng nhất từ giới trẻ. Nó khuyến khích xây dựng thói quen tiết kiệm dần dần mỗi tuần. Trong tuần đầu tiên của năm, người tham gia tiết kiệm được 1 USD. Trong tuần thứ hai là 2 USD và tuần sau đó, họ tích lũy 3 USD, cho đến khi có 52 USD ở tuần cuối cùng của năm. Nếu kiên trì với điều này, người tham gia sẽ tiết kiệm được 1.378 USD vào thời điểm chuyển sang năm 2024.
Kendall Meade - nhà lập kế hoạch tại SoFi, công ty tài chính cá nhân trực tuyến lớn của Mỹ, cho biết xu hướng không chi tiêu giúp mọi người có ngân sách tốt hơn. Sau khi trải qua khoảng thời gian không tiêu xài hoang phí, những người tham gia sẽ hiểu rõ đã dùng tiền vào việc không quan trọng, không thực sự ảnh hưởng đến cuộc sống. "Từ đó, thử thách có thể giúp tìm ra những khoản chi tiêu nào cắt bỏ trong tương lai", bà nói.
Mặc dù xu hướng không chi tiêu ban đầu có thể giúp những người tham gia tiết kiệm nhiều tiền hơn, về lâu dài nó cũng có thể gây tác dụng ngược lại. Điều Kendall Meade nghĩ đến là "chi tiêu trả thù". Đây là hành vi người tiêu dùng cảm thấy bị thôi thúc chi tiêu nhiều hơn bình thường cho các sản phẩm và dịch vụ mà họ cảm thấy "bị tước đoạt" trong thời gian trước. Sau khoảng thời gian phải gò ép bản thân cắt giảm ngân sách, người tham gia dễ sa vào tâm lý "tự thưởng" cho bản thân. Trong phút chốc, tâm lý này sẽ xóa bỏ mọi nỗ lực để dành tiền từ ngày đầu tham gia thử thách.
Thay vào đó, chuyên gia người Mỹ gợi ý mọi người nên lấy thử thách không chi tiêu làm một lời nhắc để suy nghĩ lại về thói quen của mình. "Cách tốt hơn cho mọi người là tạo ra những thay đổi nhỏ và bền vững", bà nhấn mạnh.
Cắt bỏ mọi chi phí không cần thiết có thể hiệu quả trong một thời gian, nhưng nó có thể không mang tính lâu dài. Thay vì tập trung vào mọi thứ cùng một lúc và cắt bỏ hết, hãy tập trung vào những thay đổi nhỏ. Tâm lý học chỉ ra mọi người có nhiều khả năng gắn bó với những thay đổi nhỏ lâu dài hơn.
Sau khi tham gia thử thách, mỗi người nên tự tạo kế hoạch tài chính cá nhân để duy trì thói quen tích cực. Bà Kendall Meade gợi ý công thức 50-30-20 cho những người mới lập ngân sách. Phương pháp này đặt 50% thu nhập cho các khoản chi phí hàng tháng, như tiền thuê nhà, thanh toán nợ vay và các chi phí định kỳ khác. Khoảng 30% dành cho những thứ bạn muốn và 20% dành cho tiết kiệm và đầu tư.
Chuyên gia lưu ý rằng bạn có thể điều chỉnh tỷ lệ phần trăm của ngân sách dựa trên lối sống và các ưu tiên tài chính. Công thức trên sẽ không phải là những con số chính xác cho tất cả. Một số người có thể cần thêm nhiều tiền hơn cho chi phí định kỳ, đặc biệt là ở những khu vực có chi phí sinh hoạt cao. Các ứng dụng lập ngân sách cũng có thể giúp tạo ra những thay đổi chi tiêu bền vững.
Tiểu Gu (theo CNBC, The Motley Fool)