Mỗi đôi giày chạy bộ có thể xem là một sản phẩm công nghệ, được thiết kế chi tiết bởi một đội ngũ chuyên gia. Hình dạng của đế, độ dày của đệm hay khả năng đàn hồi của vải hoặc lưới phía trên đều được tối ưu hóa để tăng hiệu suất và giảm nguy cơ chấn thương sử dụng. Những chi tiết này của giày có thể bị biến dạng hoặc giảm chất lượng nếu bạn giặt chúng bằng máy, vốn được thiết kế để xử lý các loại vải thông thường.
Vậy nếu giặt giày bằng tay, bạn nên làm thế nào cho đúng cách? Thông thường, khi giặt quần áo bằng tay, bạn sẽ ngâm trong xà phòng một lúc rồi chà, vắt để làm sạch. Tuy nhiên, không nên sử dụng phương pháp đó với giày, bởi nếu bị ngâm quá lâu, giày sẽ khó khô và cũng không sạch như mong muốn.
Đầu tiên, bạn cần quan sát lớp bùn đất hoặc các vết bẩn trên giày. Nếu có bùn khô hoặc sỏi mắc ở đế giày, sử dụng bàn chải phẳng để làm sạch. Lưu ý, bạn nên tránh dùng dụng cụ sắc nhọn, vì chúng có thể làm hỏng đế giày.
Sau đó, cho một vài thìa baking soda vào bát nước ấm. Không cần sử dụng những chất tẩy rửa mạnh hơn, bởi baking soda có thể loại bỏ những vết bẩn thông thường, trừ khi giày của bạn dính phải vết bẩn cứng đầu. Baking soda còn giúp khử mùi hôi của giày.
Hãy tháo miếng lót giày ra và đặt sang một bên. Đặc biệt, nếu bạn dùng lót giày mua thêm. Phần này sẽ được làm sạch riêng. Sau đó, tháo dây giày để tiếp cận bên trong giày tốt hơn, hoặc có thể nới lỏng chúng. Nếu dây giày quá bẩn, có thể cho vào máy giặt cùng quần áo hoặc giặt riêng bằng tay.
Tiếp theo, đổ một ít dung dịch đẩy rửa đã pha lên giày, tránh ngâm cả giày vào bên trong trừ khi toàn bộ giày quá bẩn. Dùng miếng bọt biển hoặc bàn chải mềm làm sạch nhẹ nhàng bên ngoài. Đừng chà quá kỹ với mong đợi giày sẽ sạch như lúc mới mua. Xét cho cùng, giày chạy bộ được mua về để làm bẩn chứ không phải để giữ cho mới.
Tiếp theo, dùng bọt biển để chà sạch bên trong giày. Để đảm bảo làm sạch đầy đủ diện tích, hãy chà từ phần ngón chân về gót chân. Sau đó, dùng một miếng bọt biển khác hoặc vải, nhúng nước, rồi lau lại một lần để làm sạch baking soda cũng như vải vụn.
Đôi khi, giày có thể biến dạng so với ban đầu sau quá trình làm sạch. Một số VĐV khắc phục điều này bằng cách nhét khăn giấy vào bên trong giày sau khi vệ sinh để giữ hình dạng. Làm như vậy cũng giúp giày nhanh khô hơn. Nhưng bạn không cần làm vậy để giày trở về hình dạng ban đầu. Bởi khi bạn sử dụng, giày sẽ trở lại như cũ. Khi đã sạch và khô hoàn toàn, nếu giày còn mùi hôi, hãy cân nhắc sử dụng bình xịt thơm.
Trong điều kiện thời tiết không thuận lợi cho việc phơi phóng, bạn có thể sử dụng một số thiết bị sấy giày để làm khô và hạn chế mùi ẩm mốc ứ đọng trong giày.
Với miếng lót giày, đây là phần hấp thụ nhiều mồ hôi nên cần được làm sạch riêng. Nếu lót giày có lớp đệm gel hay bất kỳ loại đệm cao cấp nào khác, bạn không nên giặt chúng bằng máy. Nếu lót làm bằng xốp hoặc vải đơn giản, bạn có thể giặt chúng bằng máy.
Để giặt lót giày bằng tay, bạn cần rửa sạch bằng nước rồi chà bằng khăn cẩm. Có thể dùng bàn chải và nếu gặp những vết bẩn cứng đầu, thử rắc một chút muối nở lên trên trước khi chà. Sau khi xong, rửa kỹ và không cho lót vào trong giày chừng nào cả hai hoàn toàn khô.
Giặt giày thường xuyên sẽ giúp đôi giày luôn đẹp và sảng khoái đôi chân khi sử dụng. Tuy nhiên, với giày chạy bộ, đôi khi bạn không thể giặt nữa mà cần thay một đôi mới. Nguyên tắc chung cho người chạy bộ là thay giày sau khi chúng chạy được từ 500 km đến 800 km. Bạn cũng nên thường xuyên kiểm tra gai lốp trên đế. Nếu bị mòn, đó là lúc bạn cần thay một đôi mới. Một số ứng dụng chạy bộ như Strava cung cấp tính năng để bạn theo dõi số kilomet đã chạy trên mỗi đôi giày.
Thúy Hạnh