Với người gốc Hoa, tục cúng cô hồn là nghi lễ quan trọng trong tháng 7 âm lịch, nhất là với người kinh doanh. Theo quan niệm dân gian, nếu mâm cúng cô hồn càng có nhiều người giật sẽ giúp gia chủ lấy đi những điều xui xẻo, không may. Từ đó, tục giựt cô hồn ra đời. Thế nhưng, theo thời gian, tục này càng có nhiều biến tướng. Hình ảnh hàng trăm người chen nhau giành giật tiền cúng, đồ cúng của gia chủ, dẫn tới ẩu đả, mất anh ninh trật tự, ảnh hưởng an toàn giao thông, đã không còn là chuyện hiếm.
Bản thân tôi thấy rằng, không có cái gì đáng gọi là văn hóa hay nét đẹp ở đây nếu việc giật cô hồn gây mất an ninh trật tự khu vực. Cứ nhìn mấy thanh niên mang cả gậy gộc, dụng cụ vợt tiền, đầu trần chạy xe bạt mạng trên đường, gây nguy hiểm cho người xung quanh, mà tôi chỉ thấy kinh hãi, không khác nào toàn cô hồn sống. Có thể thấy, so với những ý nghĩa dân gian truyền lại, việc xả tiền giật cô hồn mang lại nhiều hệ lụy tiêu cực hơn đến xã hội.
Cứ thử tưởng tượng cảnh mấy thanh niên quơ mấy cái vợt, lạng lách, đánh võng, phóng bạt mạng trên đường để săn lễ cúng cô hồn, tôi lại thấy lo cho những người đi đường không may "tai bay vạ gió". Chưa kể, nhiều thành phần manh động còn tràn cả vào nhà gia chủ để cướp đồ cúng, có khi cướp luôn cả hàng hóa trong nhà, vậy có nên tiếp tục duy trì tục lệ này?
Giật cô hồn đang càng có nhiều biến tướng. Đành rằng hồi nhỏ, nhiều người từng có tuổi thơ gắn liền với tục này, nhưng khi xưa, tôi chưa thấy ai chạy xe lạng lách, dùng vợt tự chế phóng ào ào đi giật cô hồn kiểu này cả. Giờ càng ngày người ta càng sáng tạo ra mấy trò lố bịch, gây nguy hiểm cho người xung quanh, nên cần phải bị lên án. Xin đừng mang khái niệm truyền thống văn hóa gì đó ra để biện hộ cho những hành vi tiêu cực.
Jack Tran
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.