Khoảng ba năm nay, người dân sinh sống tại một con đường ở quận Tân Phú, TP HCM) đã quen mắt với một chiếc ôtô 7 chỗ đậu cố định một chỗ bên lề đường. Dù trời mưa hay nắng, chiếc xe ấy vẫn nằm yên bất động, không có dấu hiệu di chuyển, kiểm tra hay chăm sóc từ chủ xe.
Một chiếc ô tô đậu suốt 3 năm bên đường mà không ai đến nhận, không ai xử lý. Trong khi hàng triệu người thành phố loay hoay với từng mét vuông đất, từng chỗ gửi xe chật hẹp, thì một phương tiện "vô chủ" chiếm dụng mặt đường công cộng giữa thanh thiên bạch nhật. Vấn đề không nằm ở chiếc xe mà nằm ở sự thờ ơ đáng báo động.
Phương tiện không có dấu hiệu bị trộm phá, nhưng cũng chẳng có ai bận tâm đến sự tồn tại dai dẳng của nó.
Giữa thành phố đông đúc bậc nhất cả nước, nơi giá đất tính theo từng mét, việc một chiếc xe vô chủ chiếm dụng không gian công trong nhiều năm lại không được xử lý đặt ra hàng loạt câu hỏi: Ai là chủ xe? Vì sao chiếc xe không được cưỡng chế, di dời? Và điều quan trọng hơn: Có bao nhiêu "chiếc xe ba năm" như thế này đang tồn tại mà chúng ta không biết?
Sự việc tưởng chừng nhỏ nhặt - một chiếc ôtô "bỏ quên" nhưng nếu nhìn sâu hơn, nó lại phản ánh những câu chuyện đáng buồn trong cách ứng xử với không gian công cộng, trách nhiệm công dân, và cả sự buông lỏng trong quản lý đô thị.
Sự lặng thinh của nhiều phía đã góp phần "nuôi dưỡng" một nghịch lý: một vật thể lạ, chiếm chỗ trái phép, tồn tại ngang nhiên suốt ba năm giữa lòng đô thị hiện đại.
Để không có thêm những "chiếc xe nằm im ba năm" nữa, tôi cho rằng:
Cần rà soát toàn thành phố, phát hiện và xử lý triệt để các phương tiện chiếm dụng không gian công cộng lâu ngày không rõ chủ.
Tăng cường giám sát từ chính quyền địa phương: Mỗi phường, mỗi khu phố cần có đội kiểm tra hiện trạng đường phố định kỳ không thể để xe lạ "mọc rễ" mà không biết.
Tăng cường trách nhiệm của chính quyền cấp phường/xã, giao cụ thể cho lực lượng trật tự đô thị phối hợp với công an khu vực xử lý, thay vì "chuyền bóng" qua lại.
Đề xuất sửa đổi quy định: Nếu xe đỗ sai quy định trên 30 ngày mà không có ai đến nhận, cần có cơ chế niêm phong, kéo xe và xử lý hành chính thay vì chờ "hết hy vọng".
Một chiếc xe nằm bất động suốt ba năm có thể là chuyện "nhỏ" với người này, nhưng nó phản ánh sự thụ động, thiếu trách nhiệm của cả người dân, chủ xe và cơ quan chức năng sở tại.
Mỗi người dân, mỗi cấp quản lý đều cần hành động, từ việc nhỏ như chiếc xe bên đường, để xây dựng một đô thị không chỉ hiện đại về cơ sở hạ tầng, mà còn văn minh từ cách ứng xử.