Trao đổi với VnExpress, Giáo sư Trần Quang Hải - con trai trưởng của Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Khê - cho biết chiều 18/6, cha ông có dấu hiệu hồi tỉnh, mở mắt ra nhìn xung quanh.
"Nghe tin cha bệnh nặng, tôi về nước đến nay đã khoảng mười ngày. Nhưng đây là lần đầu tiên tôi thấy cha mở mắt nhìn mình. Khi tôi trở người cho cha hay khi tôi đi lại trong phòng bệnh, ánh mắt ông đều nhìn theo. Lúc tôi cầm tay cha nói chuyện, phản ứng của ông cho thấy ông nghe và hiểu", Giáo sư Hải cho biết.
Giáo sư Hải chia sẻ dù Giáo sư Khê có dấu hiệu hồi tỉnh, cơ thể ông đang trong tình trạng rất yếu với tim, phổi... bị tổn hại nghiêm trọng, cần sự hỗ trợ của nhiều thiết bị máy móc. Nhiều ngày qua, Giáo sư Khê không thể trò chuyện hay ăn uống. Ông được truyền chất dinh dưỡng vào cơ thể.
Ngày 21/6, Giáo sư Trần Quang Hải quay trở lại Pháp vì có nhiều công việc đang chờ ông. Ông sẽ thường xuyên theo dõi tin tức bệnh tình của cha mình thông qua người ở nhà để kịp quay lại Việt Nam khi cần.
Từ khi ông bệnh nặng, gia đình, bạn bè và môn sinh đều luôn bên ông. Khán giả khắp nơi cầu mong cho ông vượt qua được lần thử thách về sức khỏe này.
Những ngày đầu nhập viện, ông chưa phải nằm phòng hồi sức đặc biệt. Lúc này, giáo sư tỉnh táo. Vài người thân thiết biết tin ông cấp cứu đã đến thăm, ông vẫn còn hỏi han trò chuyện được với họ. Khi thấy học trò mình là anh Hồ Nhựt Quang vào thăm, ngay trên giường bệnh, ông liên tục giảng giải kiến thức về văn hóa tuồng cổ. Anh Quang là người gắn bó với giáo sư nhiều năm qua để tổ chức các buổi nói chuyện văn hóa chuyên đề tại tư gia ông.
Về sau, khi ông được chuyển vào phòng hồi sức, rất ít người có thể vào thăm hay trò chuyện vì môi trường này cần tránh nhiễm khuẩn. Bệnh tình ông ngày càng trở nên xấu đi. Trước khi rơi vào hôn mê, giáo sư Khê còn nhắc đến nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo và nhớ tiếng đàn tranh của người bạn tri kỷ. Khi được thông báo điều này, nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo ngồi ngay vào đàn thu âm vài đoạn độc tấu gửi đến cho bạn mình.
Theo dự kiến vào ngày 24/6, Giáo sư Khê cùng anh Hồ Nhựt Quang tiếp tục tổ chức buổi sinh hoạt định kỳ tại tư gia ông với chủ đề "So sánh hát bội và cải lương". "Tôi rất buồn vì chưa kịp làm thì thầy cấp cứu và nằm bệnh viện đến nay", anh Quang buồn bã nói. Nhiều ngày qua, anh Nhựt Quang tạm gác công việc riêng để chung tay cùng gia đình và bạn bè Giáo sư Khê chăm sóc tận tình cho ông.
Giáo sư Khê trở bệnh nặng vào ngày 27/5 và được đưa vào bệnh viện Nhân Dân Gia Định, TP HCM vì suy tim, viêm phổi nặng. Ông bị suy hô hấp khiến không thể tự thở và tim bị rối loạn nhịp chậm. Trước tình huống nguy kịch, ông được các bác sĩ đặt nội khí quản cho thở máy và tiến hành đặt máy tạo nhịp tim.
Chiều 5/6, tại Phòng hồi sức của Bệnh viện Nhân dân Gia Định, TP HCM, Giáo sư Khê đã lập di nguyện chuẩn bị cho ngày ra đi của mình. Ông bày tỏ mong muốn sự nghiệp tinh thần, các hiện vật, tài liệu, vật dụng của ông để lại được dùng vào việc bảo tồn và phổ biến văn hóa truyền thống Việt Nam đúng với nguyện vọng và hoài bão của ông.
Từ tháng tư, cảm nhận về tình trạng sức khỏe không tốt, Giáo sư Khê liên lạc với bạn bè thân thiết, trong đó có nhà văn - nhà báo Nguyễn Đắc Xuân ở Huế để gửi gắm về việc lo giúp mình hậu sự. Ngay khi nghe tin Trần Văn Khê nhập viện nguy kịch, ông Nguyễn Đắc Xuân bay từ Huế vào TP HCM và sát cánh bên gia đình Giáo sư đến nay.
Thoại Hà