Giáo sư - Tiến sĩ Trần Văn Khê bị hở van tim, tiểu đường, viêm phổi và đang nằm để lọc thận. Ông không nói chuyện được nhưng vẫn nhận biết con, cháu, người thân. Hiện tại, các con của ông là: Giáo sư - Tiến sĩ Trần Quang Hải, con gái Trần Thị Thủy Ngọc (đang sống ở Pháp) và con trai Trần Quang Minh... có mặt bên cạnh ông.
Bác sĩ Nguyễn Anh Dũng, Phó giám đốc Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP HCM) cho biết, giáo sư được đưa đến bệnh viện ngày 27/5 vì suy tim và viêm phổi nặng. Ông bị suy hô hấp khiến không thể tự thở và tim bị rối loạn nhịp chậm.
Trước tình huống nguy kịch, ông được các bác sĩ đặt nội khí quản cho thở máy và tiến hành đặt máy tạo nhịp tim. "Hiện nhịp tim của giáo sư đã ổn, ông có thể mở mắt khi được gọi, tuy nhiên vẫn phải thở máy và vẫn phải được theo dõi, chăm sóc đặc biệt", bác sĩ Dũng cho biết.
Cũng theo bác sĩ Dũng, việc giáo sư Khê đổ bệnh nặng được chính quyền thành phố và Sở Y tế TP HCM đặc biệt quan tâm. "Riêng bệnh viện, nhận thức ông Khê là nhân tài của quốc gia nên chúng tôi cũng đã và sẽ tạo những điều kiện tốt nhất trong công tác điều trị cho ông", Phó giám đốc bệnh viện cho hay. Hiện giáo sư Khê được giám đốc bệnh viện là Phó giáo sư - Tiến sĩ - Bác sĩ Hoàng Quốc Hòa chỉ đạo điều trị.
Giáo sư Trần Văn Khê sinh năm 1921. Ở tuổi 94, đây không phải là lần đầu ông phải nhập viện cấp cứu với tình trạng bệnh nặng. Ngay từ thời trẻ và cho đến những năm gần đây, ông luôn kiên cường, bền bỉ chiến đấu với bệnh tật. Những khi sức khỏe hồi phục, ông tích cực trở lại với công việc riêng, tham gia vào các hoạt động nào cần đến sự góp mặt của ông. Đầu năm nay, ông xuất hiện trong chương trình tri ân nghĩa tình nghệ sĩ do Kim Cương tổ chức tại TP HCM.
Gần đây, trong một lần trả lời phỏng vấn VnExpress, Giáo sư Khê cho biết một trong những tâm niệm lớn của ông lúc này là dành thời gian để hệ thống hóa lại kho tư liệu lớn về âm nhạc dân tộc mà ông tích lũy được trong hơn 50 năm học tập, làm việc ở nước ngoài. Công việc này nhằm để cho thế hệ sau có nguồn tài liệu nghiên cứu, học tập hữu ích. Kho tư liệu này gồm hàng nghìn cuốn sách, hàng chục nghìn mục về âm nhạc, băng từ, hàng trăm nghìn hình ảnh tư liệu... Ông muốn chuyển đổi các băng cassette, các phương tiện ghi âm cũ sang các loại hình kỹ thuật số như CD, DVD.
"Tôi đem nhiều tài liệu âm nhạc về đây gần 10 năm qua mà không có tiền để hệ thống hóa, chuyển đổi chúng sang kỹ thuật số. Nếu ngày trước tôi có tiền thì làm có lẽ nhanh chóng hơn nên giờ làm được tới đâu thì cố gắng làm. Trong vài năm gần đây, nhờ có Thư viện quốc gia cử người sang giúp tôi công việc này nên tiến độ được mau chóng hơn. Hiện giờ, tôi thực hiện được hơn 60% công đoạn sắp xếp tư liệu. Mỗi ngày tôi đều làm việc này cùng người thư ký. Nhưng công việc nào cũng phải có tôi tham gia vì chỉ có tôi mới nắm rõ được tất cả nội dung", Giáo sư Khê tâm sự với VnExpress.
Giáo sư Trần Văn Khê sinh ra trong gia đình có bốn đời là nhạc sĩ truyền thống tại Mỹ Tho (nay thuộc Tiền Giang). Năm sáu tuổi, ông đã biết đàn kìm, đàn cò, đàn tranh. Gia đình ông có nhiều nhân vật là những nghệ nhân âm nhạc cổ truyền nổi tiếng, như: ông nội Trần Quang Diệm, cha là ông Trần Quang Chiêu và cô của ông là Trần Ngọc Viện - người sáng lập gánh cải lương Đồng Nữ Ban.
Trần Văn Khê sang Pháp du học từ năm 1949. Hè năm 1951, ông thi đậu vào trường Chính trị Khoa giao dịch quốc tế. Cho đến năm 1958, ông theo học khoa nhạc học và chuẩn bị luận án tiến sĩ dưới sự chỉ đạo của các Giáo sư Jacques Chailley, Emile Gaspardone và André Schaeffner. Tháng 6/1958, ông đậu Tiến sĩ Văn khoa (môn Nhạc học) của Đại học Sorbonne. Từ năm 1963, ông dạy trong Trung tâm Nghiên cứu nhạc Đông phương, dưới sự bảo trợ của Viện Nhạc học Paris (Institut de Musicologie de Paris).
Ông là thành viên của Viện Khoa học Pháp, Viện sĩ thông tấn Viện Hàn lâm châu Âu về Khoa học, Văn chương và Nghệ thuật cũng như nhiều hội nghiên cứu âm nhạc quốc tế. Ông là Chủ tịch Hội đồng Khoa học của Viện quốc tế nghiên cứu âm nhạc bằng phương pháp đối chiếu của Đức. Có 43 nước trên thế giới đã mời Giáo sư - Tiến sĩ Trần Văn Khê thuyết trình và biểu diễn âm nhạc truyền thống Việt Nam. Trong hơn nửa thế kỷ sinh sống và làm việc ở nước ngoài, giáo sư Khê luôn đau đáu việc làm thế nào giữ gìn và phát huy âm nhạc dân tộc Việt Nam. Những hoạt động giảng dạy, diễn thuyết không ngừng nghỉ của ông suốt hơn 50 năm góp nhiều công sức đưa âm nhạc dân tộc Việt Nam đi vào bản đồ âm nhạc thế giới. Cho đến khi quay về Việt Nam sống, ở tuổi hơn 90, ông vẫn miệt mài tiếp tục công việc này.
Giáo sư Trần Quang Hải, con trai ông, cũng là một nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc Việt Nam danh tiếng.
Thoại Hà - Thiên Chương