Vài phút thảnh thơi bên cây đàn tranh. Ảnh: T.V. |
Ông sinh năm 1918, trong một gia đình vốn có truyền thống âm nhạc tại quận Cao Lãnh, tỉnh Sa Đéc (nay là tỉnh Đồng Tháp). 5 tuổi, cậu bé Vĩnh Bảo đã biết gảy cây đờn đoản - đờn kìm ngắn. Từ đó, âm nhạc tài tử như dòng máu tự nhiên chảy trong huyết quản của ông. Ông kể, đời ông đã trải qua rất nhiều nghề, nhiều thăng trầm: từ làm công nhân viên chức, thày giáo dạy tiếng nước ngoài, đến nghề chép thuê bản án cho tòa án, rồi đi dạy nhạc. Ông có thể chơi rất nhiều nhạc cụ từ piano, violon, guitar đến đàn kìm, đàn tranh, đàn bầu, đàn gáo, đàn nguyệt... Từ tuổi thiếu niên đến khi trưởng thành, ông "thọ giáo" hơn 200 thày, nghệ nhân nhạc dân tộc ở miền Nam, tìm hiểu, lắng nghe những kinh nghiệm quý của tiền nhân để giữ lại những tinh túy của nhạc dân tộc.Ông cũng là người đã mày mò cải tiến cây đàn tranh Việt Nam từ 16 dây lên 17, 19, 21 dây để nâng cao hơn tính năng của cây đàn tranh.
Từ năm 1975, nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo nhận được những lời mời sinh sống và giảng dạy ở nước ngoài, nhưng ông vẫn ở lại quê nhà, chỉ với ước vọng được góp phần gây dựng một phong trào yêu và hiểu nhạc, nhạc cụ dân tộc, đặc biệt là âm nhạc tài tử Nam Bộ. Một điều thú vị là người nhạc sư cao tuổi này ứng dụng công nghệ thông tin vào công việc dạy nhạc rất thạo. Ông dạy đàn qua điện thoại, qua Internet, webcam, voice chat... Vì thế, học trò của ông ở nước ngoài rất đông. Hiện tại, sau khi ra mắt cuốn giáo trình Thử tự học đàn tranh (do tỉnh Long An phát hành) bằng tiếng Việt, ông và các học trò của mình chuẩn bị bộ giáo trình này bằng tiếng Anh, Pháp, phát hành ở nước ngoài để sinh viên có thêm tư liệu học về nhạc dân tộc Việt.
Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo bên góc làm việc hằng ngày của mình. Ảnh: T.V. |
Nếu không hiểu ông, sẽ thấy rất ngạc nhiên khi chỉ cần gọi cho ông một cú điện thoại xin được học đàn, là ông nhận lời ngay. Hỏi sao ông có vẻ dễ dãi khi nhận "đồ đệ", ông cười hóm hỉnh: "Hàng này hàng ế khách, làm cao nữa thì ai mua, phải giảm giá, phải khuyến mãi mới mong phổ biến rộng rãi chứ!"
Đối với ông, điều đau lòng nhất là giới trẻ Việt Nam bây giờ còn thờ ơ với nhạc dân tộc, hiểu về nhạc, nhạc cụ dân tộc thì ít, bị làn sóng nhạc nước ngoài lôi cuốn thì nhiều. Bảo tồn nhạc dân tộc đã đành nhưng còn phải biết cách bảo vệ, mà cách bảo vệ hay nhất vẫn là phải hiểu, phải biết để giữ gìn nó. Chỉ cần một giờ đồng hồ, qua Internet, ông có thể dạy cho một người chưa từng biết đàn chơi một bản ngắn trên đàn tranh. Có học trò ở tuổi "thất thập cổ lai hy" cũng tìm đến hoặc điện thoại xin được ông dạy đàn. Họ học đàn từ ông không phải để kiếm một cái nghề mà vì yêu mến tài đức của người dạy nhạc. Việt kiều học đàn tài tử vì muốn trở về với văn hóa dân tộc, còn người nước ngoài học vì muốn tìm hiểu nhiều hơn về kho tàng âm nhạc đồ sộ, phong phú của miền Nam sông nước. Thế nhưng, người trong nước, nhất là người trẻ tìm đến học không nhiều, dù rằng, chuyện học phí đối với ông không phải là điều quan trọng nhất.
Theo nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo, tiếng đàn tranh cũng là Thiền, chơi đàn là đến với Thiền. Ở độ tuổi gần cửu thập, giọng ông vẫn to khoẻ, sang sảng, đầu óc mẫn tiệp, làm việc với cường độ cao. Ông có thể trò chuyện với khách hàng giờ về nhạc tài tử, về sự khác biệt giữa tiếng đàn tranh Trung Quốc và tiếng đàn tranh Việt Nam. Và khi ông ứng tấu một khúc đàn đãi khách thì gian phòng làm việc nhỏ nhắn của ông như rộng ra, như thoáng hơn, như đưa người nghe về ruộng đồng sông nước Cửu Long mênh mông, vườn cây trái xào xạc, với con đò, khói lam chiều và cánh cò chao lượn. Có khi nửa đêm, học trò ở nước ngoài gọi điện thoại về hỏi bài, ông vẫn kiên nhẫn chỉ bảo. Có khi ông cặm cụi bên máy vi tính đến 2-3h sáng để dạy nhạc cho học trò ở xa nửa vòng trái đất.
Cuộc đời ông là cả một pho sử về âm nhạc tài tử Nam Bộ, về những giai đoạn quan trọng của lịch sử đất nước, nhưng ông chưa bao giờ có ý định viết hồi ký về đời mình. Hiện tại, một nhóm nhà nghiên cứu gồm GS Hoàng Chương, GS Thuyết Phong và vài thành viên nữa đang đứng ra tiến hành cuốn hồi ký về cuộc đời ông dựa trên những lần tiếp xúc, trao đổi trực tiếp với ông về chuyên môn, và từ những tư liệu tập hợp được. Cuốn hồi ký dự kiến ra mắt vào tháng 1 này như một món quà mừng thọ người nhạc sư đáng kính của vùng đất Nam Bộ.
"Muốn gìn giữ và phát huy vốn âm nhạc truyền thống dân tộc không phải chỉ thu lấy, ghi lại tiếng đờn của các nghệ nhân, nhạc sĩ mà phải tạo mọi điều kiện cho họ truyền lại cho các thế hệ sau bằng một phương pháp khoa học, dễ tiếp thu, sao cho ngày càng có nhiều người học được âm nhạc truyền thống dân tộc", đó là điều mà nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo luôn luôn mong mỏi.
Anh Vân