Jim Jones, một người da trắng sinh năm 1931 tại Indiana, sáng lập giáo phái mang yếu tố Kitô giáo Peoples Temple ở Indianapolis năm 1955. Đây là một trong những giáo phái đa chủng tộc đầu tiên ở miền Trung Tây nước Mỹ, vào thời điểm các giáo phái do người da trắng sáng lập thường chỉ tiếp nhận tín đồ da trắng. Jones được ghi nhận là người có quan điểm tiến bộ, nhà hoạt động dân quyền nổi bật.
Jones nói rằng ông phản đối kịch liệt phân biệt chủng tộc. Ông cho biết bố ông liên quan đến nhóm da trắng thượng đẳng KKK. Jones đã không nói chuyện với bố trong rất nhiều năm, sau khi bố ông từ chối cho một người bạn da màu vào nhà.
Vào đầu những năm 1960, Jones đọc được một bài viết trên tạp chí Esquire liệt kê 9 địa điểm an toàn trên thế giới trong trường hợp thảm họa hạt nhân xảy ra. Một trong những nơi được liệt kê là Eureka, California. Jones cảnh báo một cuộc tấn công hạt nhân sẽ xảy ra ngày 15/7/1967 và thuyết phục khoảng 100 thành viên giáo phái chuyển đến California.
Peoples Temple phát triển mạnh mẽ vào những năm 1970. Jones kết bạn với các chính trị gia và hãng truyền thông ở California. Để thu hút thêm nhiều tín đồ và có thêm nguồn cung tài chính, Jones khoe về những khả năng phi thường như lấy tế bào ung thư ra khỏi cơ thể con người hay đọc suy nghĩ người khác.
Hàng nghìn tín đồ, phần lớn là người Mỹ gốc Phi, gia nhập tổ chức. Theo Hiệp hội lịch sử trí tuệ người Mỹ gốc Phi, ít nhất 75% thành viên của Peoples Temple là người da màu. Jones thể hiện rằng giáo phái của mình là không gian an toàn cho người Mỹ gốc Phi giao lưu với người da trắng mà không bị thù ghét. Họ hứa hẹn thiết lập các chương trình phúc lợi xã hội, trợ giúp nhà ở và y tế cho các tín đồ da màu.
Mặc dù Peoples Temple tham gia tích cực vào các hoạt động nhân đạo, Jones đối xử với các tín đồ tồi tệ. Các thành viên thường bị sỉ nhục, đánh đập và tống tiền, nhiều người bị ép buộc hoặc "tẩy não" để cống nộp tài sản cho giáo phái. Các thành viên da màu bị đe dọa rằng nếu họ rời Peoples Temple, họ sẽ bị đưa vào các trại tập trung của chính phủ.
Jones ngày càng trở nên hoang tưởng về thế giới xung quanh. Các bài phát biểu của ông thường đề cập đến một ngày tận thế sắp tới. Mặc dù Jones vẫn giữ quan hệ tốt với một số chính trị gia vai vế, truyền thông bắt đầu đặt câu hỏi về giáo phái sau khi một số thành viên cấp cao của Peoples Temple trốn khỏi tổ chức và tố cáo các hành vi sai trái.
Năm 1977, Jones quyết định cùng khoảng 1.000 tín đồ chuyển đến sống ở Jonestown, khu định cư mà ông ta đã chuẩn bị ở quốc gia Nam Mỹ Guyana trong khoảng 3-4 năm. Nó được miêu tả như một xã hội không có phân biệt chủng tộc, giải thoát khỏi chủ nghĩa da trắng thượng đẳng và sự chia rẽ ở Mỹ. Gần 70% tín đồ sống ở Jonestown là người da màu.
Một bức điện từ Đại sứ quán Mỹ ở Guyana gửi đến Bộ Ngoại giao Mỹ vào tháng 6/1978 mô tả khu định cư Jonestown "có vẻ hoàn toàn tự trị" vì chính quyền địa phương kiểm soát rất ít hoặc không kiểm soát hoạt động của nhóm người này. Họ lý giải rằng Jonestown nằm ở vùng sâu vùng xa và bộ máy chính quyền Guyana vốn đã quá bận bịu với việc chăm lo cho công dân nước này trong khu vực.
Nhưng Jonestown không phải là thiên đường như Jones hứa hẹn. Các tín đồ phải làm việc ở cánh đồng 10 giờ một ngày. Buổi tối, họ lắng nghe các bài giảng của Jones trong nhiều giờ. Vào những đêm chiếu phim, thay vì những bộ phim giải trí, họ xem phim tài liệu về những nguy hiểm và tệ nạn của thế giới bên ngoài. Khẩu phần ăn bị hạn chế, họ mua bán với thế giới bên ngoài bằng cách liên lạc qua radio sóng ngắn.
Các thành viên phạm lỗi bị trừng phạt nghiêm khắc, bị đánh đập và nhốt trong các nhà tù nhỏ như kích cỡ quan tài hoặc bỏ lại qua đêm trong giếng cạn. Họ bị tịch thu hộ chiếu và những lá thư gửi về Mỹ bị kiểm duyệt.
Sức khỏe của Jones suy yếu, ông ta ngày càng trở nên hoang tưởng, lo sợ rằng chính quyền Mỹ và những thế lực khác muốn hủy hoại mình. Ông ta thường xuyên nói với các tín đồ rằng nước Mỹ đã rơi vào hỗn loạn, "người Mỹ gốc Phi bị dồn vào các trại tập trung, nạn diệt chủng diễn ra trên đường phố", theo lời kể của một cựu thành viên.
Jones còn nêu ý tưởng "tự sát cách mạng" - phương án cuối cùng mà ông ta và tín đồ sẽ dùng đến nếu kẻ thù xuất hiện. Ông ta tổ chức các buổi "diễn tập" uống thuốc độc, tập hợp tín đồ ở sân trung tâm và yêu cầu họ uống dung dịch từ một cái vại lớn.
Tháng 11/1978, nghị sĩ Mỹ Leo Ryan tới Guyana để kiểm tra hoạt động của Jonestown, sau khi nghe những tin đồn rằng một số thành viên giáo phái bị giữ trái ý muốn và một số người bị lạm dụng về thể chất và tâm lý. Ngày 17/11/1978, Ryan đến Jonestown với phái đoàn 18 người, gồm một số phóng viên.
Ryan cảm thấy Jonestown không phải là thảm họa như ông tưởng, đại đa số tín đồ dường như thực sự muốn ở đây. Ngay cả khi khoảng 10 tín đồ yêu cầu được rời đi cùng phái đoàn của nghị sĩ, Ryan cho rằng đây là thiểu số và không phải là điều đáng lo ngại.
Nghị sĩ nói với Jones rằng ông sẽ viết một báo cáo tích cực về tình hình ở Jonestown. Tuy nhiên, Jones lo sợ và cho rằng Ryan sẽ yêu cầu giới chức can thiệp khi trở về Mỹ. Ngày 18/11/1978, khi Ryan chuẩn bị lên máy bay ở đường băng Port Kaituma để rời đi, Jones điều tay sai đến tấn công phái đoàn bằng súng. 5 người thiệt mạng, trong đó có Ryan.
Sau đó, Jones phát loa yêu cầu các tín đồ tập hợp để tự tử tập thể. Dung dịch mà ông ta chuẩn bị là thức uống vị trái cây pha xyanua, thuốc an thần và thuốc giảm đau.
"Hãy chết với thể diện, đừng chết trong nước mắt và đau đớn. Tôi không quan tâm các bạn nghe thấy bao nhiêu tiếng la hét, tôi không quan tâm có bao nhiêu tiếng khóc quằn quại đau khổ, cái chết còn tốt gấp triệu lần 10 ngày sống thêm cuộc đời này. Nếu các bạn biết điều gì đang chờ mình ở phía trước, các bạn sẽ hạnh phúc khi được ra đi từ đêm nay", Jones nói, theo bản ghi âm FBI thu được.
Một nữ tín đồ nói rằng bà không sợ chết nhưng những đứa trẻ xứng đáng được sống. Tuy nhiên, Jones nói với bà rằng những đứa trẻ "xứng đáng được hưởng sự yên bình". Đám đông la ó chỉ trích người phụ nữ hèn nhát.
Thuốc độc sau đó được bơm vào miệng trẻ nhỏ bằng ống tiêm, vài chục người bị tiêm dung dịch, những người khác uống trực tiếp. Lính canh được yêu cầu bắn những người muốn bỏ chạy.
Khi giới chức Guyana đến vào ngày hôm sau, họ la hét trong kinh hoàng khi chứng kiến cảnh tượng thi thể nằm la liệt. Hơn 900 người chết, khoảng 1/3 số đó là trẻ em. Jim Jones cuối cùng không uống thuốc độc. Sau khi chứng kiến các tín đồ chết trong đau đớn, ông ta chọn cách tự bắn vào đầu.
Truyền thông thời đó mô tả đây là vụ tự sát tập thể nhưng giờ đây, sự kiện này thường được gọi là giết người hàng loạt hay thảm sát. Một số người suy đoán nhiều nạn nhân có thể đã nghĩ đây chỉ là một cuộc diễn tập giống như họ đã thực hiện trong quá khứ.
Khoảng hơn 100 tín đồ sống sót sau thảm kịch, gồm những người đang đi làm nhiệm vụ ở nơi khác tại Guyana hay trốn vào rừng. Trường hợp đáng chú ý nhất là Hyacinth Thrash, người phụ nữ da màu cao tuổi đã ngủ trong buồng của mình suốt thời gian diễn ra vụ thảm sát. Khi thức dậy vào sáng hôm sau, bà thấy các thi thể được phủ vải, trong đó có chị mình.
Trong hồi ký xuất bản năm 1995, Thrash viết: "Đó là những người tôi quen biết và yêu quý. Tôi vốn không muốn ở đó ngay từ đầu. Tôi chưa bao giờ muốn đến Guyana để chết. Tôi không tưởng tượng nổi Jim làm thế. Ông ta khiến chúng tôi vô cùng thất vọng".
Phương Vũ (Theo Britannica/ATI/Rolling Stone)