Giáo hội Thống nhất trở thành tâm điểm chú ý của dư luận sau khi Tomihiro Tanaka, chủ tịch chi nhánh giáo phái ở Nhật Bản, hôm 11/7 xác nhận mẹ của Tetsuya Yamagami, nghi phạm ám sát cựu thủ tướng Nhật Shinzo Abe, là thành viên tổ chức tôn giáo này.
Cảnh sát trước đó cho biết nghi phạm Yamagami đã lên kế hoạch ám sát ông Abe từ một năm trước, vì tin rằng cựu thủ tướng Nhật có liên quan đến một tổ chức tôn giáo. Yamagami khai rằng không có động cơ chính trị trong vụ ám sát, mà nhắm vào ông Abe vì nỗi căm hận với giáo phái đã khiến mẹ anh ta khánh kiệt.
Giáo phái có tên đầy đủ là Giáo hội Thống nhất Hòa bình Thế giới, được mục sư Sun Myung Moon thành lập năm 1954, sau khi ông bị các nhà thờ Tin lành chính thống từ chối.
Sinh năm 1920 trong một gia đình thuần nông ở bán đảo Triều Tiên, Moon từng theo học ngành kỹ thuật tại Tokyo. Nhà sáng lập Giáo hội Thống nhất nói rằng vào năm 15 tuổi, ông đã gặp một cảnh mộng mà ở đó, Chúa Jesus đã yêu cầu ông hoàn thành công việc của Chúa trên Trái Đất.
Kể từ đó, Moon tuyên bố mình có vai trò thực hiện sứ mệnh còn dang dở của Chúa Jesus là đưa nhân loại về trạng thái thuần khiết "không có tội ác".
Với chiến thuật gõ cửa từng nhà để chiêu mộ thành viên và nhắm vào những người cao tuổi, Giáo hội Thống nhất đã phát triển nhanh chóng, từ một nhóm ban đầu chỉ gồm 100 nhà truyền giáo lên khoảng 10.000 người chỉ trong vài năm.
Trong nhiều thập kỷ, Giáo hội Thống nhất trở nên nổi tiếng với những đám cưới tập thể hoành tráng, thường được tổ chức tại các sân vận động khổng lồ với hàng nghìn cặp đôi tham gia.
Khi ông Moon qua đời năm 2012, Giáo hội Thống nhất, với giáo lý dựa trên Kinh thánh nhưng với cách diễn giải mới, tuyên bố họ có khoảng ba triệu tín đồ. Dù vậy, tổ chức tôn giáo hoạt động ở nhiều nước này cũng gây nhiều tranh cãi.
Sau khi du nhập vào Nhật Bản năm 1958, Giáo hội Thống nhất đã phát triển hàng chục chi nhánh, trong đó có một cơ sở ở thành phố Nara, cách nơi cựu thủ tướng Abe bị ám sát hôm 8/7 chỉ vài trăm mét.
Ông Tanaka xác nhận cả nghi phạm Yamagami lẫn cựu thủ tướng Abe đều không phải thành viên của giáo phái. Tuy nhiên, sau khi từ chức, ông Abe từng xuất hiện tại các sự kiện liên quan đến Giáo hội Thống nhất với tư cách là một diễn giả được mời tới phát biểu và nhận thù lao. Gần đây nhất, hồi tháng 9 năm ngoái, ông xuất hiện trong một chương trình của giáo hội, nơi cựu tổng thống Mỹ Donald Trump cũng phát biểu qua video.
Tại chương trình "Cuộc tuần hành Hy vọng", được tổ chức bởi Hak Ja Han Moon, vợ nhà sáng lập Sun Myung Moon, ông Trump gọi bà là "người vĩ đại", ca ngợi bà vì "công việc đáng kính đại diện cho hòa bình trên toàn thế giới". Sau khi chồng qua đời, bà Moon hiện điều hành Giáo hội Thống nhất, được các tín đồ gọi với danh xưng "Người mẹ Chân chính".
"Nguồn cảm hứng mà họ đã mang đến cho toàn bộ hành tinh này là không thể đong đếm", cựu tổng thống Mỹ nhận xét về vợ chồng nhà sáng lập Giáo hội Thống nhất.
Trong cùng chương trình, ông Abe cũng gửi "lời cảm ơn sâu sắc" tới giáo hội vì "những nỗ lực không mệt mỏi của các bạn trong việc giải quyết các tranh chấp trên thế giới, đặc biệt là liên quan đến hòa bình, thống nhất trên bán đảo Triều Tiên".
Kể từ khi thành lập, Giáo hội Thống nhất và các chi nhánh đã chi rất nhiều tiền để thu hút các chính trị gia, người nổi tiếng và giáo sĩ tiếng tăm từ các tôn giáo khác đến phát biểu tại hội nghị do họ tổ chức. Đây là một phần trong chiến lược lâu dài của tổ chức nhằm xây dựng tín nhiệm bằng cách liên kết giáo hội với những gương mặt nổi tiếng được kính trọng.
"Họ sẽ trả tiền cho bất cứ ai giúp họ có được tính chính danh. Những tên tuổi lớn sẽ thu hút tên tuổi nhỏ hơn, những người có thể giúp họ thực hiện các dự án tại địa phương", Larry Zilliox, một nhà nghiên cứu lâu năm về Giáo hội Thống nhất, cho hay.
Vào giữa những năm 1990, cựu tổng thống Mỹ George H.W. Bush và Gerald Ford, cũng như cựu lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev hay diễn viên hài nổi tiếng nước Mỹ Bill Cosby đều đã phát biểu tại các hội nghị do Giáo hội Thống nhất tài trợ ở Nhật và Mỹ.
Cựu tổng thống Bush phát biểu tại sự kiện của Giáo hội Thống nhất chỉ vài tháng sau khi một tòa án Nhật yêu cầu giáo phái bồi thường hơn 150 triệu USD cho hàng nghìn người đã kiện tổ chức này và một công ty do ông Moon sở hữu mang tên Happy World. Họ cho biết bị ép phải quyên góp hàng triệu USD cho giáo hội để được đảm bảo rằng người thân đã qua đời của họ "có thể hạnh phúc ở thế giới bên kia".
Sau khi báo Washington Post đưa tin về việc ông xuất hiện tại sự kiện của Giáo hội Thống nhất, cựu tổng thống Bush đã quyết định quyên toàn bộ thù lao diễn giả của mình, khoảng 80.000 USD vào thời điểm đó, cho hoạt động từ thiện.
Trong hơn sáu thập kỷ, Giáo hội Thống nhất và các chi nhánh chủ yếu kiếm tiền từ Nhật Bản để tài trợ cho các hoạt động của họ trên khắp thế giới, theo một nghiên cứu từ các học giả và nhà điều tra chính phủ.
Ngay cả khi một số dự án đình đám nhất của mục sư Moon, như tờ báo Washington Times hay các liên doanh truyền thông ở nhiều quốc gia khác, bị thua lỗ, Giáo hội Thống nhất vẫn có được nguồn lợi nhuận lớn từ chi nhánh Nhật Bản, phần lớn dựa vào cái mà họ gọi là "kinh doanh tâm linh".
Các thành viên Giáo hội ở Nhật Bản "sẽ gõ cửa từng nhà và nói với chủ nhân rằng 'thân nhân quá cố của bạn đã liên lạc với chúng tôi và họ muốn bạn đến ngân hàng gửi tiền cho Giáo hội Thống nhất để linh hồn họ có thể thanh thản'", Steve Hassan, thành viên một thời của Giáo hội Thống nhất, người sau đó trở thành chuyên gia trị liệu sức khỏe tâm thần, tác giả một số cuốn sách về các tôn giáo độc hại, cho hay.
Mặc dù Giáo hội Thống nhất có nguồn gốc từ Hàn Quốc, Nhật Bản là nơi tạo ra 70% tài sản cho họ, theo các nhà sử học đã nghiên cứu về tổ chức này. Một cựu thành viên cấp cao của giáo hội chi nhánh Nhật Bản từng cho biết ông Moon đã chuyển 800 triệu USD từ Nhật tới Mỹ từ giữa những năm 1970 đến giữa thập niên 1980.
"Ông Moon đã gửi rất nhiều tiền mặt, hàng trăm xấp tiền, từ Hàn Quốc và Nhật Bản đến Trung tâm Manhattan, một trong những cơ sở chính của Giáo hội Thống nhất ở thành phố New York", Ron Paquette, cựu thành viên từng tham gia điều hành giáo hội, nói với Washington Post vào năm 1997. "Bất cứ khi nào chúng tôi hỏi tiền đến từ đâu, câu trả lời luôn là 'từ Cha'", danh xưng mà các thành viên giáo hội dùng để chỉ nhà sáng lập.
Ở Nhật Bản, trong nhiều năm, người ta thường thấy tín đồ Giáo hội Thống nhất bán nhân sâm và các vật phẩm tôn giáo như tượng đá do các công ty của ông Moon tại Hàn Quốc tạo ra.
Phương pháp bán hàng kiểu lôi kéo, thúc ép của các thành viên cũng như việc họ tuyên bố rằng vật phẩm họ bán có sức mạnh tâm linh đã dẫn đến nhiều vụ kiện tập thể đối với Giáo hội Thống nhất. Akihiko Kurokawa, lãnh đạo đảng chính trị NHK của Nhật, hồi tháng trước cáo buộc Giáo hội Thống nhất là "một giáo phái chống Nhật Bản".
Hồi năm 2010, Nhật Bản từng tiến hành một cuộc điều tra nhằm tước bỏ tư cách pháp lý của Giáo hội Thống nhất. Lúc bấy giờ, ông Moon đã cử con trai là Kook Jin từ Mỹ về Nhật Bản để xử lý tình hình.
Trong một bài phát biểu khi đó, ông này phủ nhận Giáo hội Thống nhất gây áp lực buộc người dân Nhật Bản phải quyên góp số tiền lớn để cứu rỗi linh hồn những người thân yêu đã khuất của họ.
Tanaka cho biết mẹ của nghi phạm Yamagami gia nhập giáo phái năm 1998. Giáo phái này nói rằng họ không có thông tin về các khoản quyên góp của bà cho tổ chức.
Nhưng một người họ hàng của Yamagami cho hay mẹ anh ta đã "quyên góp số tiền rất lớn" và bỏ bê việc quản lý một công ty xây dựng mà chồng để lại. Công ty này sau đó phá sản và bị giải thể vào năm 2009.
"Bà ấy là một góa phụ và tôi cho rằng bà ấy luôn cảm thấy không an toàn về tương lai gia đình mình", người này nói, thêm rằng trong quá khứ, ông thường xuyên nhận được điện thoại từ ba đứa trẻ, phàn nàn về việc chúng "không có gì để ăn".
"Mẹ tôi vẫn chi tiền cho họ ngay cả khi đã phá sản", Yamagami khai với cảnh sát. Người họ hàng cho rằng Yamagami "đã ôm mối hận" với giáo phái trong suốt thời gian dài.
Các nguồn tin cũng tiết lộ Yamagami khai anh ta ban đầu muốn nhắm mục tiêu vào người đứng đầu của giáo phái, nhưng từ bỏ vì nhận ra phương án này "quá khó" do họ đang ở nước ngoài. Yamagami sau đó chuyển mối hận thù sang ông Abe, cướp đi sinh mạng của một trong những chính trị gia có ảnh hưởng nhất Nhật Bản.
Vũ Hoàng (Theo Washington Post, Japan Times)