Theo PGS.TS.BS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, triệu chứng lạnh bụng đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Thời điểm giao mùa, thời tiết đột ngột chuyển lạnh cộng với mưa phùn nửa cuối mùa đông tạo điều kiện thuận lợi để mầm bệnh sinh sôi phát triển và lây lan nhanh. Cơ thể chưa thích nghi kịp, dễ nhiễm lạnh và mắc bệnh hơn, điển hình là các bệnh cảm cúm, rối loạn tiêu hóa... Nhóm đối tượng dễ bị ảnh hưởng nhất là người lớn tuổi vì hệ tiêu hóa hoạt động kém, hàng phòng thủ miễn dịch suy giảm, dễ bị hại khuẩn tấn công.
Bác sĩ Nguyễn Thị Lâm khuyến cáo, để ngăn ngừa các triệu chứng về tiêu hóa, cảm giác lạnh bụng cũng như củng cố hàng rào miễn dịch cho cơ thể, ngoài các biện pháp như giữ ấm, vận động, tiêm ngừa... thì tăng cường sức đề kháng bằng chế độ dinh dưỡng đầy đủ và cân đối là vô cùng quan trọng. Trong đó, sữa chua chứa nhiều vitamin và các dưỡng chất quan trọng, được nhiều chuyên gia dinh dưỡng xếp vào nhóm thực phẩm thiết yếu, giúp củng cố hệ miễn dịch, hỗ trợ tăng sức đề kháng cho cơ thể, nhất là vào mùa lạnh.
"Có khoảng 70% hệ miễn dịch biểu mô của cơ thể nằm ở đường ruột. Vì thế, hệ tiêu hóa khỏe mạnh đồng nghĩa với hệ miễn dịch vững vàng, là chìa khóa cho cơ thể khỏe mạnh", bác sĩ Lâm khẳng định.
Thói quen đưa sữa chua vào khẩu phần hàng ngày cũng được các bác sĩ và chuyên gia dinh dưỡng khuyến khích bởi sữa chua là thực phẩm bổ sung nhiều dưỡng chất quan trọng như sữa và các chế phẩm từ sữa khác, đồng thời cung cấp khối lượng lớn men vi sinh cho đường ruột.
"Nếu mang tâm lý sợ món ăn lạnh mà cắt sữa chua khỏi khẩu phần của người lớn tuổi ngày đông sẽ là một thiệt thòi cho họ", bác sĩ Lâm nói. Bác sĩ còn phân tích thêm, người lớn tuổi vốn suy giảm các chức năng đường ruột, hạn chế ăn sữa chua sẽ vô tình cắt đi một nguồn dinh dưỡng quan trọng giúp hỗ trợ tiêu hóa.
Sử dụng sữa chua đúng cách khi giao mùa
Có nhiều lợi ích cho sức khỏe, song sữa chua sẽ mất phần nào tác dụng nếu không được bảo quản và sử dụng đúng cách. Để hạn chế độ lạnh, nhiều gia đình ngâm sữa chua trong nước nóng hoặc hâm nóng bằng lò vi sóng trước khi ăn. Tuy nhiên, theo bác sĩ Nguyễn Thị Lâm, đây là thói quen làm biến chất thành phần sữa chua, tiêu diệt các men vi sinh có lợi và giảm hàm lượng dinh dưỡng có trong sữa chua.
Bác sĩ khuyên, người dùng chỉ cần để sữa chua ra nhiệt độ phòng từ 15-20 phút trước khi ăn. Sản phẩm vừa không lạnh mà vẫn giữ được vị ngon và dinh dưỡng trọn vẹn. Đối với người lớn tuổi, có thể kết hợp sữa chua cùng trái cây, các loại hạt và ngũ cốc, mật ong hoặc gừng tươi để không chỉ giảm hơi lạnh mà còn bổ sung đủ dinh dưỡng và tăng thêm sức đề kháng cho ông bà.
"Bảo quản hay sử dụng sữa chua để đạt được hiệu quả tối ưu cần phải làm đúng cách. Loại sữa chua mà các gia đình chọn cũng cần phải từ thương hiệu uy tín, chất lượng", bác sĩ Lâm nhấn mạnh. Theo chuyên gia, sữa chua được lên men từ chủng men Lactobacillus Bulgaricus giúp tạo môi trường thuận lợi cho lợi khuẩn đường ruột phát triển, từ đó ức chế hại khuẩn gây bệnh, hỗ trợ đường ruột khỏe mạnh.
Đơn cử, mỗi hũ sữa chua Vinamilk 100g được lên men từ 12 triệu đơn vị men Bulgaricus châu Âu giúp củng cố hệ tiêu hóa của người sử dụng, tối ưu hệ vi sinh đường ruột từ đó giảm nguy cơ bệnh đường tiêu hóa khi trời lạnh.
Với nhiều lợi ích cho sức khỏe, sữa chua được các chuyên gia dinh dưỡng khuyến khích người lớn tuổi nói riêng và cả gia đình nói chung có thể bổ sung vào khẩu phần hàng ngày như một cách tăng cường sức khỏe hệ miễn dịch, chống lại các hại khuẩn trong thời điểm giao mùa.
Kim Anh