Sau 2/3 thời gian làm bài thi, nhiều thí sinh khối C của điểm thi CĐ Sư phạm Hà Nội đã rời khỏi trường với tâm trạng vui vẻ.
* Hướng dẫn làm bài thi môn Sử
Đề Lịch sử thi CĐ năm nay gồm 4 câu yêu cầu: Liệt kê các tổ chức cộng sản ở Việt Nam ra đời năm 1929 và ý nghĩa của sự ra đời ấy; Dựa vào bảng dữ liệu để xác định vai trò của Mặt trận Việt Minh đối với cách mạng tháng Tám, từ đó trình bày suy nghĩ về vai trò của Mặt trận Tổ quốc VN trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước; Phân tích ý nghĩa lịch sử của chiến thắng Điện Biên Phủ 1954; Trình bày nguồn gốc và đặc điểm quan trọng nhất của cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật hiện đại, Việt Nam cần làm gì trước sự phát triển của cuộc cách mạng này.
Hầu hết thí sinh cho rằng, đề Lịch sử tuy hơi dài nhưng vừa sức học sinh, các kiến thức nằm trọn trong SGK và rơi vào trọng tâm ôn tập.
"Năm nay kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ nên chúng em được ôn tập rất nhiều. Nội dung về các tổ chức cộng sản năm 1929 hay Mặt trận Việt Minh thầy cô cũng giảng giải kỹ lưỡng cho chúng em", Quỳnh Anh thi khoa Sư phạm Sử nói. Rời phòng thi sau 2/3 thời gian, thí sinh này tự tin mình được ít nhất 7 điểm.
Nguyễn Thị Lan Anh (thi khoa Sư phạm Địa) cũng hoàn thành bài thi sau 2/3 thời gian. Cùng ra với em là một nửa số thí sinh trong phòng thi.
Theo nữ sinh Sóc Sơn, Hà Nội này, đề thi Lịch sử năm nay khá hay vì không phải học thuộc nhiều. Câu hai dựa vào bảng dữ liệu để phân tích ý nghĩa của Mặt trận Việt Minh, thí sinh chỉ cần tư duy tốt là làm bài được. Tuy nhiên, đây cũng là câu hỏi khó nhất vì nếu không nắm chắc được các kiến thức, ý nghĩa của từng dữ liệu trong bảng, thí sinh sẽ không phân tích chính xác và tổng quát được. Dạng bài dùng bảng dữ liệu này đã được ra trong đợt thi đại học vừa qua nên Lan Anh không bị bất ngờ.
Câu số 4 hỏi về cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật cũng là bài mà Lan Anh và nhiều sĩ tử khác mất tương đối thời gian để làm. Ở ý hỏi những điều Việt Nam cần làm trước sự phát triển của cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật, Lan Anh đã nêu: phải nắm bắt và tiếp thu nhanh những thành tựu của cuộc cách mạng để ứng dụng vào cuộc sống. Việt Nam là nước đang phát triển nên càng cần chú trọng vấn đề này để nâng cao đời sống của người dân.
Em cũng liên hệ, so sánh thêm sự phát triển khoa học kỹ thuật của Việt Nam với Trung Quốc và chỉ ra, trong tình hình biển Đông hiện tại, việc phát triển khoa học kỹ thuật có ý nghĩa quan trọng như thế nào với chúng ta.
Nhiều thí sinh ở TP HCM cũng hoàn thành bài thi chỉ với 2/3 thời gian. Thậm chí, có em cho rằng thời gian quá dài so với đề thi.
Thí sinh Đỗ Thị Thơm cho biết đã làm bài khá tốt. Đặc biệt là ở câu hỏi vai trò của Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Thơm làm khá sâu. Nữ sinh cho rằng, đây là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân. Đồng thời Mặt trận tổ quốc Việt Nam có vai trò tăng cường đồng thuận và giám sát, phản biện xã hội.
Đây là đơn vị có vai trò đối nội vô cùng quan trọng khi tập hợp, đoàn kết các lực lượng trong xã hội. Còn về mặt đối ngoại Mặt trận tổ quốc chủ yếu thông qua đường lối của nhân dân để góp phần xây dựng, bảo vệ tổ quốc.
Ở những câu hỏi khác như các tổ chức cách mạnh đầu những năm 1929; vai trò của Mặt trận Việt Minh; ý nghĩa của chiến thắng Điện Biên Phủ... đều là những kiến thức ở lớp 12, chỉ cần nắm chắc kiến thức và các chuỗi sự kiện lịch sử thì có thể dễ dàng làm bài.
Còn thí sinh Lê Thị Thu Cẩm cũng cho biết đề Sử khá dễ so với đề của đợt thi đại học trước đó. "Thay vì phải suy luận, liên kết kiến thức dàn trải như đề thi Sử khối C đợt 1 thì đợt này các câu hỏi là những kiến thức của từng phần, từng sự kiện tách biệt nên em làm bài tốt hơn", Cẩm chia sẻ.
Cô Nguyễn Thị Thanh Ngọc, giáo viên môn Lịch sử (THPT Anhxtanh Hà Nội) nhận xét đề thi năm naychủ yếu theo dạng trình bày. Câu 1, 3 chỉ cần các em nắm vững kiến thức, bám sát SGK thì gần như sẽ đạt điểm tuyệt đối. Câu 2,4 đòi hỏi cao hơn là yêu cầu học sinh hiểu được bản chất của cả một giai đoạn lịch sử, đòi hỏi các em phải nắm bắt sự kiện, phân tích tổng hợp đánh giá. Đặc biệt đòi hỏi các em phải tư duy để liên hệ với tình hình đất nước hiện nay. “Câu 2 rất hay, là câu phân loại học sinh. Tuy không đề cập đến vấn đề biển đảo nhưng lại mang tính thời sự, kêu gọi sự đoàn kết dân tộc trong công cuộc bảo vệ hòa bình đất nước hiện nay”, cô Ngọc nói. Theo giáo viên môn Sử này, học sinh nắm vững kiến thức thì có thể đạt điểm 7. Em nào có khả năng tổng hợp, đánh giá và tư duy sẽ làm tốt câu 2,4, có thể đạt điểm 8,9. Phổ điểm chung môn Sử năm nay tương đối cao. Báo cáo cuối ngày thi cao đẳng đầu tiên, Bộ GD&ĐT thống kê được 20 thí sinh vi phạm quy chế thi bị xử lý kỷ luật. Trong số đó, có ba em bị khiển trách, hai bị cảnh cáo và 15 em bị đình chỉ thi. Có 2 cán bộ coi thi vi phạm quy chế bị đình chỉ công việc. |
Nhóm phóng viên