Góp mặt tại Vietnam Frontier Summit 2019 chiều 6/10, Nhà sáng lập FUNiX Nguyễn Thành Nam đã cùng hai khách mời là ông Trương Xuân Nam (Giảng viên Đại học Thủy Lợi, Giám đốc Hà Nội-Aptech) và ông Nguyễn Việt Cường (Giám đốc HPC Việt Nam) thảo luận chủ đề "Nhân tài trí tuệ nhân tạo châu Á: Việt Nam là một đất nước có triển vọng, tại sao không".
Bàn về vấn đề đào tạo nhân lực AI tại diễn đàn, ông Trương Xuân Nam chia sẻ, ứng dụng AI ở Việt Nam mới ở buổi ban đầu và đang gặp nhiều vấn đề điển hình: khan hiếm nhân lực, mức thu nhập quá chênh lệch với trình độ thực, đào tạo chưa sát với thực tế, không giải quyết được các bài toán thực.
"Chất lượng máy móc chưa đáp ứng được. Giáo trình từ nước ngoài, bài tập ứng dụng giải quyết các bài toán nước ngoài, khó áp dụng tại Việt Nam. Điều này dẫn đến sinh viên hầu hết phải học ‘chay’, áp dụng công nghệ vào thực tế Việt Nam cũng không được như ý muốn", Giám đốc Hà Nội-Aptech chia sẻ.
Đến từ một đơn vị cung ứng sản phẩm công nghệ, ông Nguyễn Việt Cường cho biết sẵn sàng tài trợ máy móc công nghệ chất lượng cho các đơn vị đào tạo cũng như triển khai, nhưng trình độ của người sử dụng chưa khai thác hết được. Đội ngũ giáo sư, chuyên gia có đủ trình độ để giảng dạy cũng còn rất thiếu.
Trước các vấn đề khó khăn về đào tạo được đặt ra, nhà sáng lập trường đại học trực tuyến FUNiX Nguyễn Thành Nam lại bày tỏ sự lạc quan. Theo ông Thành Nam, nên nhìn nhận những thực tế trên là cơ hội nhiều hơn là thách thức.
Với công nghệ AI, ông Nam khẳng định cả thế giới đều đang ở thời điểm bắt đầu. Vì vậy Việt Nam hoàn toàn có cơ hội làm nhanh, làm ngay để trở thành nhóm nước có đội ngũ nhân sự AI chất lượng hàng đầu.
"AI nhiều người nghĩ là cao siêu nhưng thực ra lại rất gần gũi. Bản chất của ngành AI là toán học. Người Việt lại có đặc điểm học rất giỏi toán. Chúng ta có rất nhiều cơ hội và phải tập trung đào tạo nhiều nguồn lực hơn", ông Nguyễn Thành Nam chia sẻ.
Nhà tiên phong trong giáo dục trực tuyến tại Việt Nam cũng đánh giá, những khó khăn như thiếu giáo viên giỏi, thiếu bài toán ứng dụng cho sinh viên là vì giáo dục Việt Nam chưa mạnh dạn phá bỏ lối đi cũ. "Quan niệm giáo dục cũ cho rằng thầy giáo phải thật giỏi, cái gì cũng biết mới được đi dạy. Chúng tôi cho rằng "học thầy không tầy học bạn", ông Nam chia sẻ.
Với một lĩnh vực mới như AI, ông Nam tin rằng cách học theo định hướng Mentorship - người nghiên cứu trước dạy cho người nghiên cứu sau, người học trước dạy cho người học sau càng cần thiết hơn để đáp ứng bài toán học nhanh, cập nhật kịp thời các kiến thức mới về Việt Nam. Một số chương trình học công nghệ liên quan tới AI như Data Science, Machine Learning vừa được FUNiX ra mắt cũng áp dụng cách học mentorship: sử dụng giáo trình chất lượng cao đã có sẵn trên thế giới và phát triển đội ngũ mentor - các chuyên gia đã có kinh nghiệm trong lĩnh vực hỗ trợ kèm cặp sinh viên.
"Trong nhiều lĩnh vực khác như công nghiệp, robot..., chúng ta đã đi chậm hơn nhiều so với thế giới. Với công nghệ AI, chúng ta đang có cơ hội. Nhưng mọi cơ hội đều chỉ có tính thời điểm, cơ hội không chờ một người thầy giỏi. Có thể vừa học vừa hoàn thiện, nhưng cần học ngay để không bỏ lỡ cơ hội này", ông Nam nhấn mạnh.
Vietnam Frontier Summit là sự kiện thường niên được tổ chức bởi rubikAI, một dự án được phát triển bởi Nexus FrontierTech. Với chủ đề "Intelligence in Motion", VFS 2019 quy tụ hơn 2.000 người tham dự, với hàng chục khách mời là các chuyên gia công nghệ, doanh nhân... chia sẻ nhiều chủ đề mở rộng và chuyên sâu về công nghệ. Sự kiện hướng đến kết nối cộng đồng công nghệ Việt Nam với thế giới và thúc đẩy sự phát triển của trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam và khu vực lên một tầm cao mới.
Bên cạnh sự xuất hiện của nhà sáng lập Nguyễn Thành Nam tại diễn đàn chính VFS 2019, FUNiX cũng có mặt tại khu vực triển lãm VFS, bên cạnh nhiều đại diện từ các đơn vị đang phát triển và ứng dụng công nghệ AI như Asilla, Pixta, Elsa...
Là đơn vị cung cấp các chương trình đào tạo chuyên sâu về công nghệ cao, FUNiX đang tổ chức nhiều hội thảo AI tại các trường đại học và doanh nghiệp, đồng thời tham gia, đồng hành tại nhiều diễn đàn, hội thảo về AI uy tín tại Việt Nam như VFS, AI4VN... với mục tiêu lan tỏa hiểu biết về lĩnh vực AI tới cộng đồng.
Thế Đan