Đó là những điều mà các chuyên gia nhấn mạnh trong buổi tư vấn "Bứt phá sự nghiệp thời 4.0 với công nghệ AI" do Đại học trực tuyến FUNiX tổ chức sáng 21/8.
Ngành AI Việt Nam và cơ hội thành công trên toàn cầu
Dẫn báo cáo của Viện nghiên cứu toàn cầu McKinsey, anh Lê Hồng Việt – Giám đốc Công nghệ Tập đoàn FPT, khách mời tại buổi tư vấn cho hay, AI tại Việt Nam mới chỉ tập trung phát triển ứng dụng ở lĩnh vực công nghệ cao và công nghệ truyền thông, dịch vụ tài chính, chăm sóc sức khỏe, bán lẻ. Một số lĩnh vực nhiều tiềm năng khác như vận tải và logistics, sản xuất công nghiệp, du lịch, giáo dục... ít người khai phá.
Đây là cơ hội lớn cho người làm công nghệ. "FPT đặt kế hoạch tiên phong trong ngành trí tuệ nhân tạo và dẫn đầu tại Việt Nam. Từ 6 năm nay, FPT đã thực hiện đầu tư nghiên cứu và phát triển AI... Ngoài việc ứng dụng AI vào các giải pháp và sản phẩm, định hướng tầm trung của tập đoàn là xây dựng một nền tảng dịch vụ AI đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Qua đó, FPT kỳ vọng đưa Việt Nam trở thành thương hiệu được công nhận trong cộng đồng AI quốc tế", anh Việt nói.
Cũng theo vị giám đốc công nghệ này, Tập đoàn FPT có nhu cầu tuyển dụng chuyên gia trong ngành rất lớn, với các gói thu nhập cao hơn so với mặt bằng chung 30-50%. Ngoài ra, FPT còn thực hiện công tác xếp hạng cán bộ công nghệ với chế độ đãi ngộ riêng.
Khách mời Nguyễn Hải Nam - Trưởng nhóm nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo tại ASILLA Việt Nam cũng đánh giá tương lai ngành AI rất tốt, thu nhập từ lĩnh vực này hiện khá cao.
"Trong những năm tới, AI, Data Science sẽ là chuyên ngành phát triển mạnh mẽ cùng với sự bùng nổ của tài nguyên tính toán và dữ liệu số rất lớn. Các lập trình viên mới vào làm trong lĩnh vực AI thường có mức lương trung bình cao hơn chuyên ngành khác trong CNTT như web/mobile, rơi vào khoảng 500-700 USD/tháng. Đối với các bạn có tư chất tốt và kỹ năng hoàn thiện, mức lương có thể cao hơn nhiều", anh Nam nhận định.
Khởi nghiệp khá sớm với công nghệ AI, anh Lê Công Thành - Giám đốc InfoRe cũng đánh giá "AI là một loại điện năng mới", có thể ứng dụng vào mọi ngành nghề, lĩnh vực, hệt như hiện tại chúng ta có điện ở mọi nơi.
Anh Thành tiết lộ, InfoRe hiện có hơn 10 dự án start-up đều theo hướng ứng dụng AI - Big Data. Khởi nghiệp AI ở Việt Nam đang thuận lợi hơn khởi nghiệp ở các ngành khác rất nhiều, do được sử ủng hộ của xã hội và dễ dàng có nhiều cơ hội lớn. "Các doanh nghiệp đều rất quan tâm tới ứng dụng AI, đây là thời điểm không thể tốt hơn để làm startup với AI ở Việt Nam", Giám đốc InfoRe nhấn mạnh.
Bứt phá nghề nghiệp AI cần khả năng tự học
"Tiềm năng ngành AI lớn nhưng số lượng nhân sự chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường, doanh nghiệp lớn như FPT phải đồng thời tuyển dụng và tập trung đào tạo để tạo ra nguồn nhân lực trong tương lai", anh Lê Hồng Việt chia sẻ,
Cụ thể, FPT đang phối hợp với các trường đại học để đào tạo tiến sĩ chuyên ngành AI. Ngoài ra còn có các hoạt động đào tạo nghề cho kỹ sư muốn chuyển sang hoạt động liên quan đến AI.
Khách mời Lê Công Thành cũng cho hay, làm việc trong lĩnh vực mới nên InfoRe gần như không tuyển được nhân lực mà buộc phải ươm tạo từ các bạn sinh viên, mất một khoảng thời gian khá dài mới phát triển thành nhân lực làm việc độc lập.
Theo dõi chương trình, nhiều độc giả đặt câu hỏi về các kỹ năng cần thiết để theo đuổi ngành Data Science và AI. Anh Nguyễn Hải Nam cho biết, ba kỹ năng cần thiết để học AI là: Kỹ năng ngoại ngữ; Các kỹ năng lập trình cơ bản, cụ thể là ngôn ngữ Python - ngôn ngữ lập trình thông dụng nhất được các kỹ sư AI sử dụng; Kỹ năng về toán cao cấp như nền tảng cơ bản về xác suất thống kê/ đại số tuyến tính/ giải tích...
Ngoài ra, người học cũng phải trang bị các kỹ năng mềm và kỹ năng cơ bản khác về CNTT như database, data structure and algorithm, cloud computing, operating system, agile, oop.
Theo anh Lê Công Thành, điều quan trọng nhất để start-up về AI thành công khi lĩnh vực này còn quá mới ở Việt Nam là sự bền bỉ, gan lì và tinh thần tự học: "Người muốn theo đuổi AI cần liên tục cập nhật kiến thức, công nghệ mới và theo kịp các bước phát triển như vũ bão của công nghệ Trí tuệ nhân tạo hiện đại, nhất là khi các kỹ thuật mới ra đời hàng ngày."
Để học tập, anh Nguyễn Hải Nam cho biết, có rất nhiều nguồn tham khảo trực tuyến chất lượng về AI hay Data Science, như các MOOC trên Coursera, Udacity, Udemy... hay online course của các trường đại học nổi tiếng như Stanford, MIT... Tuy nhiên, thách thức cho người tự học là hầu hết kiến thức nặng về lý thuyết, khó tìm kiếm các bài tập thực hành và cơ hội làm dự án thực tế thì rất hiếm.
"Nếu muốn học tập với sự giúp đỡ của các mentor và có cơ hội thực hành với những project có tính thực tế và tính ứng dụng cao, các khóa học công nghệ cao tại FUNiX là một lựa chọn", Trưởng nhóm R&D ASILLA Việt Nam chia sẻ.
Theo anh Hải Nam, khóa học bao quát hết các lĩnh vực và ứng dụng cơ bản về Machine Learning, Data Science. Sau quá trình học 6 tháng, học viên tốt nghiệp có thể làm việc như một fresher engineer/intern tại các công ty về AI/Data Science.
"Điều tôi đánh giá cao là nội dung hướng về phần ứng dụng và các phần thực hành nhiều hơn là đi sâu vào lý thuyết và học thuật", anh Nam cho hay.
Trả lời câu hỏi nhận định về nghề AI hiện nay, anh Lê Công Thành cho biết, vẫn còn quá sớm để nói đến "nghề AI" tại Việt Nam. Hiện tại, AI là một ngành mới được xã hội quan tâm trở lại nên nền tảng của nó chưa vững chắc, các kỹ thuật thay đổi chóng mặt. Lời khuyên của anh Thành là "Phải xác định tự học và tự học cả đời".
Độc giả quan tâm, xem toàn bộ nội dung buổi tư vấn trực tuyến tại đây.
Quỳnh Anh