Theo Quy chế thi THPT quốc gia năm 2019, người tham gia tổ chức thi là công chức, viên chức có hành vi vi phạm quy chế (bị phát hiện trong hoặc sau kỳ thi), sẽ bị đình chỉ làm công tác thi và đề nghị cơ quan quản lý cán bộ xử lý theo nhiều hình thức.
Những người để cho thí sinh quay cóp, mang tài liệu và vật dụng trái phép vào phòng thi hay chấm thi không đúng hướng dẫn chấm hoặc cộng điểm bài thi có nhiều sai sót sẽ bị cảnh cáo. Người ra đề vượt quá phạm vi chương trình THPT; truyền dữ liệu thi không đúng cấu trúc, không đúng thời hạn và quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cũng phải chịu mức xử lý này.
Đối với những người ra đề thi sai, trực tiếp giải bài thi hoặc hướng dẫn cho thí sinh lúc đang thi; lấy bài thi của thí sinh này giao cho thí sinh khác; gian lận khi chấm thi, cho điểm không đúng quy định, vượt khung hoặc hạ điểm của thí sinh, tùy theo mức độ, cơ quan quản lý có thể hạ bậc lương, hạ ngạch, cách chức hoặc chuyển đi làm công tác khác.
Cán bộ sẽ bị buộc thôi việc và đề nghị truy tố trách nhiệm hình sự nếu đưa đề thi ra ngoài khu vực thi hoặc đưa bài giải từ ngoài vào phòng thi trong lúc đang thi; làm lộ đề thi, mua, bán đề thi; làm lộ số phách bài thi; sửa chữa, thêm, bớt vào bài làm của thí sinh.
Hình thức buộc thôi việc và đề nghị truy tố trách nhiệm hình sự còn được áp dụng với cả những người cố ý chữa điểm thi trên bài thi, trên biên bản chấm thi hoặc trong bảng điểm; đánh tráo bài thi, số phách hoặc điểm thi của thí sinh; gian dối trong việc sửa chữa học bạ, hồ sơ của thí sinh.
Nếu lần đầu có hành vi vi phạm dưới các mức kỷ luật trên, người vi phạm sẽ bị khiển trách.
Ngoài ra, người làm mất bài thi của thí sinh khi thu bài, khi vận chuyển và bảo quản bài thi, chấm thi hoặc có những sai phạm khác trong công tác tổ chức thi, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, sẽ bị kỷ luật theo một trong các khung hình thức kỷ luật được quy định ở điều này.
Đối với công chức, viên chức không tham gia tổ chức thi nhưng có các hành vi như thi hộ, tổ chức lấy đề thi ra và đưa bài giải vào cho thí sinh, đưa thông tin sai lệch gây ảnh hưởng xấu đến kỳ thi, gây rối làm mất trật tự tại khu vực thi, sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính và đề nghị buộc thôi việc.
Người tham gia tổ chức thi và những người có liên quan đến việc tổ chức thi không phải là công chức, viên chức có hành vi vi phạm quy chế thi, tùy theo mức độ, sẽ bị cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và xử lý theo quy định của pháp luật về lao động; bị đình chỉ học tập có thời hạn hoặc buộc thôi học (nếu là học sinh, sinh viên, học viên) khi có một trong các hành vi sai phạm quy định như đối với người là công chức, viên chức.
Ngoài các hình thức xử lý nêu trên, các cơ quan có thẩm quyền có thể cấm đảm nhiệm những công việc có liên quan đến thi từ 1 đến 5 năm.
Ngày 25-27/6, hơn 887.000 thí sinh cả nước sẽ tham dự kỳ thi THPT quốc gia để xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học. Số đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên là hơn 653.000. Thí sinh sẽ thi 5 bài, gồm: Toán, Văn, Ngoại ngữ, hai bài tổ hợp Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội, trong đó trừ Văn thi tự luận, các môn còn lại thi trắc nghiệm.
Kỳ thi năm 2018, ba tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình xảy ra gian lận điểm thi, 20 cán bộ giáo dục, công an đã bị khởi tố. Trong 222 thí sinh được nâng điểm, 51 em đang học ở các trường đại học, số còn lại bị buộc thôi học, hoặc chủ động không xét tuyển.