13h30, tại trụ sở Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Hà Giang, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng UBND tỉnh tổ chức họp báo công bố kết quả xác minh điểm thi cao bất thường của nhiều thí sinh trên địa bàn.
114 thí sinh được sửa điểm
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục) thông tin, sau khi dư luận phản ánh bất thường trong điểm thi của Hà Giang, hai bộ Giáo dục và Công an đã vào cuộc. Ngày 13/7, Bộ Giáo dục thành lập tổ công tác, gồm thành viên hai bộ. Một ngày sau, tổ này lên Hà Giang kiểm tra quy trình trông thi, chấm thi, xử lý dữ liệu điểm thi...
Với bài Ngữ văn tự luận, đối chiếu điểm trên bài thi của tất cả thí sinh với biên bản thống nhất điểm, điểm thi công bố ngày 11/7, kết quả là trùng khớp, tức không có sự can thiệp.
Với bài thi trắc nghiệm, tổ công tác xác nhận dữ liệu ảnh quét các Phiếu trả lời gốc của thí sinh được hoàn thiện trước ngày 3/7 (lưu trong đĩa CD1) gửi về Bộ vẫn nguyên vẹn, không bị sửa chữa, thay thế. Tuy nhiên, kết quả thi của một số thí sinh cao bất thường.
Từ manh mối trên, ngày 15/7, Bộ Giáo dục thành lập Hội đồng chấm thẩm định, chấm lại tất cả bài thi trắc nghiệm của thí sinh Hà Giang (lưu trong đĩa CD1 gửi về Bộ). Kết quả cho thấy cơ bản điểm thi của thí sinh không thay đổi, tuy nhiên có một số bài chấm thẩm định điểm thấp hơn so với công bố.
Cụ thể, môn Toán có 102 bài chênh từ 1 đến 8 điểm (chấm thẩm định là 1; công bố là 9). Môn Vật lý có 85 bài chênh từ 1 đến 7,75 điểm. Môn Hóa có 56 bài chênh 1-8,75 điểm. Môn Sinh có 8 bài chênh 1-4,25 điểm (chấm thẩm định là 4,75; công bố là 9).
Ở tổ hợp Khoa học xã hội, có 9 bài thi Lịch sử chênh 1-7,25 điểm (chấm thẩm định là 2,5; công bố 9,75). 3 bài thi Địa lý chênh 1,25-3 điểm. 3 bài Giáo dục công dân có điểm chấm thẩm định cao hơn 5,75 so với công bố.
Với môn tiếng Anh, có 52 bài chênh từ 1,4 đến 7,8 điểm (chấm thẩm định là 1,2; công bố là 9).
Ông Mai Văn Trinh đọc báo cáo sai phạm của Hà Giang. Video: Dương Tâm.
Tổ công tác xác định, 114 thí sinh với hơn 330 bài thi có tổng điểm công bố chênh hơn 1 điểm so với chấm thẩm định. Cá biệt có em tổng điểm các môn được làm tăng lên đến 26,8, thậm chí 29,95 so với chấm thẩm định.
Ông Mai Văn Trinh cho biết, căn cứ quy chế thi THPT quốc gia, Hội đồng quyết định kết quả chấm thẩm định được sử dụng thay thế cho toàn bộ kết quả chấm thi trắc nghiệm do Hội đồng thi Sở Giáo dục công bố ngày 11/7. Điểm thi này dùng để xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh đại học, cao đẳng, trung cấp năm 2018.
Thủ đoạn nâng điểm như thế nào?
Tổ công tác xác định người trực tiếp can thiệp vào kết quả bài thi là ông Vũ Trọng Lương, Phó phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở Giáo dục Hà Giang. Nhiều năm được giao xử lý máy quét phiếu trả lời trắc nghiệm của thí sinh thi THPT quốc gia và gửi về Bộ, ông Lương được sử dụng máy tính có kết nối mạng để thao tác công việc của cơ quan và cá nhân.
"Quá trình điều tra, kiểm tra điện thoại của ông Lương, chúng tôi nhận thấy rất nhiều tin nhắn được chuyển đến, lưu số báo danh thí sinh", ông Nguyễn Cao Khương - Phó trưởng phòng 4, A83 Bộ Công An thông tin. Khi nhận được tin nhắn đề nghị sửa điểm, ông Lương nhập các số báo danh, file excel bài làm của thí sinh vào máy tính.
"Ngày 27/6, sau khi Bộ Giáo dục công bố đáp án 9 môn thi THPT quốc gia, ông Lương down toàn bộ đáp án về, xử lý sang file excel, lưu vào máy. Ông này sau đó copy file đáp án của Bộ và dán đè lên file bài làm của thí sinh", ông Khương cho biết.
Ông Nguyễn Cao Khương A83 mô tả gian lận khi chấm thi.
Sau khi điều chỉnh kết quả của thí sinh trên file excel, ông Lương tiếp tục sửa bài thi trắc nghiệm. Qua kiểm tra dữ liệu camera ở Sở Giáo dục Hà Giang, công an phát hiện Phó trưởng phòng Lương đã chuyển toàn bộ hòm chứa bài thi trắc nghiệm và máy tính từ khu vực bảo mật đến phòng Khảo thí thuộc Sở. Trong hơn 2 tiếng, từ 12h đến 14h38, ông Lương mở ổ khoá niêm phong, rút bài ở các túi, tẩy xóa và sửa theo đáp án đã chuẩn bị trước.
Khi thực hiện lại các hành vi gian lận cho tổ công tác, ông Lương chỉ mất 6 giây để sửa kết quả cho một bài thi. "Ở đây tôi thấy quy trình giám sát của công an và thanh tra Bộ, Sở chưa chặt chẽ nên để ông Lương xử lý tất cả mà thành viên ban giám sát đều ngồi đó. Những người giám sát chấm thi về cơ bản không nắm được đầy đủ quy trình, thao tác khiến ông Lương qua mặt. Đây là kẽ hở cần củng cố và tập huấn kỹ càng trong các kỳ thi sau", ông Khương nói.
Sẽ tiếp tục điều tra mở rộng
Trả lời câu hỏi ngoài ông Vũ Trọng Lương, còn ai tham gia vào quá trình sửa bài thi, Phó trưởng phòng 4 A83 đánh giá, trong dữ liệu camera ghi lại ở Sở Giáo dục Hà Giang, tổ công tác chưa phát hiện cá nhân nào cùng phối hợp trong 2 tiếng xử lý bài thi gian lận.
"Tuy nhiên, nếu chỉ thực hiện một mình thì cực kỳ khó với anh Lương. Điều này căn cứ từ thực tế đoàn công tác của Bộ Giáo dục gồm 10 người phải làm trong 8 tiếng mới rút được bài kiểm tra và đối sánh xem có sự sửa đổi trên bảng chấm gốc hay không", ông Khương nói và khẳng định sẽ làm rõ có hay không sự tiếp tay của một số trường hợp liên quan.
Cục trưởng Quản lý chất lượng Mai Văn Trinh thông tin thêm, việc điều tra những người liên quan ở Hà Giang "chưa kết thúc, phải tiến hành tiếp". Cả Bộ Giáo dục, Bộ Công an và lãnh đạo tỉnh đều kiên trì mục tiêu "xử lý đến cùng, đúng người đúng việc và không có vùng cấm trong sự việc này".
Trên máy tính của Phó trưởng phòng Vũ Trọng Lương còn dữ liệu điểm thi THPT quốc gia 2017 của Hà Giang. Để phục vụ cho việc xác minh, Sở Giáo dục và ông Lương đã tự nguyện chuyển giao máy tính cho tổ công tác mang về Bộ Giáo dục. Khi có ý kiến chỉ đạo từ Bộ trưởng Giáo dục, tổ công tác có thể điều tra tiếp kết quả điểm thi năm ngoái của địa phương.
Bài học xương máu cho Hà Giang
Phó chủ tịch tỉnh Trần Đức Quý chia sẻ: "Là trưởng ban chỉ đạo thi, tôi xin nhận trách nhiệm. Chúng tôi đã chỉ đạo quyết liệt, nhưng do không có nghiệp vụ, yếu chuyên môn nên đã tạo khe hở. Đây là bài học xương máu cho giáo dục Hà Giang".
Trả lời câu hỏi trong số thí sinh được nâng điểm, có bao nhiêu con em quan chức tỉnh, ông Quý cho biết kỳ thi có rất nhiều đối tượng, trong đó có cả con lãnh đạo. "Tuy nhiên, tôi nghĩ không lãnh đạo nào nói phải đưa con tôi vào trường đại học nào. Nếu sai ở điểm nào, ai sai, xử lý ra sao, chúng tôi sẽ tiếp tục làm rõ và trả lời dư luận", ông Quý nói.
Ông Trần Đức Quý chia sẻ tại họp báo. Video: Dương Tâm
Về việc xử lý những người liên quan đến sai phạm, Phó chủ tịch Trần Đức Quý nói: "Trách nhiệm của Hội đồng thi Hà Giang, Giám đốc Sở Giáo dục... khi làm rõ đến đâu, chúng tôi sẽ xử lý đến đấy, không che giấu. Nếu bố mẹ chạy điểm cho con, khi có kết quả chính xác thì sẽ xử lý và có kết luận cuối cùng".
Riêng Phó trưởng phòng Khảo thí Vũ Trọng Lương, ông Quý khẳng định sau khi có kết luận cuối cùng của công an, nếu phải khởi tố sẽ khởi tố và đuổi việc...
Trước câu hỏi có tính tới thay đổi cách thức thi THPT quốc gia sau sai phạm nghiêm trọng của Hà Giang, Cục trưởng Mai Văn Trinh nói: "Sự việc ở Hà Giang là điều vô cùng xấu xí nhưng không vì điểm đen đó ta thay đổi kỳ thi, vốn được mọi người đánh giá nhẹ nhàng và ủng hộ. Tất nhiên, những năm tiếp theo Bộ Giáo dục sẽ điều chỉnh để kỳ thi tốt hơn".
Kết thúc 40 phút họp báo, nhiều câu hỏi như tình trạng của ông Vũ Trọng Lương, việc truy xét những thí sinh có bài được nâng điểm thế nào... chưa được trả lời.
Ngày 11/7, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố điểm thi THPT quốc gia. Kết quả thi của tỉnh miền núi Hà Giang, nơi có hơn 5.400 thí sinh tham dự, cao bất thường. Trong 11 thí sinh có điểm các môn cao nhất cả nước, Hà Giang có 3. Riêng Vật lý, Hà Giang có đến 65 điểm từ 9 trở lên, chiếm 6,7% tổng thí sinh dự thi, cao hơn gấp nhiều lần các địa phương có truyền thống học tốt như Hà Nội, TP HCM, Nam Định.
Trước nghi vấn của dư luận, tối 12/7, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ yêu cầu địa phương rà soát, gửi báo cáo kết quả bằng văn bản trước ngày 17/7. Nhận được đề nghị của Hà Giang, ngày 14/7, đoàn kiểm tra do Cục trưởng Quản lý chất lượng Mai Văn Trinh dẫn đầu đến địa phương này để phối hợp làm rõ các nghi vấn.
Quỳnh Trang - Dương Tâm
Xem diễn biến chính