Ngày 18/7, làm việc về triển khai năm học mới với Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh, Chủ tịch tỉnh Đặng Quốc Khánh thông báo dừng triển khai đại trà mô hình trường học mới VNEN trên địa bàn. Theo đó chỉ tiếp tục triển khai ở những lớp, những trường đã thực hiện mô hình thí điểm trong năm học 2015-2016, khi nhân rộng lại cần đánh giá đầy đủ từ mô hình thí điểm, và có kế hoạch, lộ trình cụ thể.
Mô hình trường học mới VNEN được triển khai tại một số cấp học ở Hà Tĩnh từ năm học 2012-2013. Hiện tại có 129/260 trường tiểu học, 32/150 trường THCS, 15/44 trường THPT áp dụng.
Nói về việc dừng nhân rộng mô hình VNEN với các cấp học trên địa bàn, ông Nguyễn Xuân Trường, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, qua nhiều năm triển khai đến nay cần tổng kết, rút kinh nghiệm, đánh giá những mặt được và chưa được.
Theo Phó giám đốc Sở Giáo dục Hà Tĩnh, do công tác tuyên truyền làm chưa được đến nơi đến chốn nên giáo viên khi triển khai gặp khó khăn, những người yếu năng lực khó thích nghi thì sẽ phản ứng. Do đó tỉnh phải tạm dừng để làm cho chặt chẽ.
Hiệu trưởng một trường THPT ở Hà Tĩnh chia sẻ rất ủng hộ quyết định này, bởi xét toàn diện đối với tất cả cấp học thì VNEN chưa phù hợp. Mô hình trường học mới với dụng ý đặt ra vấn đề để học sinh tìm hiểu, thầy cô chỉ hướng dẫn. Tuy nhiên thực tế học sinh quá đông, người dạy và người học chưa thực sự sẵn sàng.
Vị này đưa ra ví dụ trong một buổi học mà chỉ ngồi tranh luận với nhau 10 vấn đề thì không phù hợp. Ở khía cạnh này, 5 vấn đề học sinh phải tìm hiểu, 3 vấn đề giáo viên triển khai, chỉ nên tranh luận với nhau 2 vấn đề. "Điều quan trọng là VNEN bị biến tướng. Các trường học đang sai lầm khi chủ yếu tập trung đổi mới phương diện hình thức ngồi theo mâm, còn nội dung thì cũ kỹ chưa ai quan tâm", vị hiệu trưởng nói.
Trường học mới tại Việt Nam (gọi tắt là VNEN) xuất phát từ mô hình trường học mới (EN) được thực hiện tại Colombia. EN được tổ chức và chuyên gia giáo dục quốc tế từ các nước có nền giáo dục tiên tiến hỗ trợ và phát triển. Mô hình này đạt được những thành công vang dội và mau chóng được nhân rộng khắp châu Mỹ La-tinh.
Sau khi triển khai mô hình này có rất nhiều ý kiến trái chiều. Một số chuyên gia cho rằng với thực trạng học sinh Việt Nam đang bị hao hụt dần vốn văn hóa thì đây là giải pháp tuyệt vời để góp phần bảo tồn nếp sống văn hóa đặc trưng của dân tộc Việt. Tuy nhiên, đại đa số giáo viên đều "than" gặp nhiều khó khăn, không phù hợp với điều kiện sống, nhu cầu của đại đa số học sinh.