Gửi thư đến VnExpress, đại diện giáo viên một trường THCS ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, năm học 2015-2016 đã học xong tuần thứ 3 nhưng cả giáo viên và phụ huynh đều hoang mang về một mô hình VNEN mới được đưa vào thử nghiệm. Học sinh không học các môn Sinh học, Vật lý, Hóa học nữa, mà ba môn này được gộp lại thành Môn khoa học tự nhiên. Môn Lịch sử, Địa lý được gộp chung thành môn Khoa học xã hội.
Các cô giáo cho biết, trong khi sách giáo khoa chưa in ấn xong, nhiều tỉnh thành trong đó có Bà Rịa - Vũng Tàu đã vội vàng áp dụng dạy cho học sinh lớp 6 năm học 2015-2016. Từ trước tới nay, các trường đại học và cao đẳng sư phạm chỉ đào tạo theo từng môn riêng lẻ. Một số trường đào tạo ghép môn như : Hóa - Sinh; Lý - Hóa; Lý - Công Nghệ, Văn - Sử, Sử - Công dân chứ chưa có trường nào đào tạo giáo viên 3 môn như Lý - Hóa - Sinh. Bây giờ giáo viên dạy Sinh thì kiêm dạy luôn cả Lý và Hóa vì kiến thức trong môn Khoa học tự nhiên này được tổng hợp, gọi là liên môn.
"Thật tội nghiệp cho giáo viên dạy Sinh học, trước khi lên tiết dạy phải gặp giáo viên dạy Lý để hỏi kiến thức rồi mới truyền đạt cho học sinh. Chúng tôi đi tập huấn vội vàng trong 3 ngày, rồi tự lên trang web của trường học kết nối xem tiết dạy mẫu để học hỏi phương pháp dạy theo mô hình VNEN. Trong tiết dạy mẫu, nội dung sách giáo khoa là: Thả 3 tờ giấy giống nhau, một tờ vo tròn, một tờ được xé te tua, một tờ để nguyên. Cho học sinh nhìn hình và tự trình bày ý kiến. Một học sinh trả lời: 3 tờ có trọng lượng khác nhau, cô giáo cho cả lớp vỗ tay bôm bốp khen thưởng và tiết học kết thúc", cô giáo kể.
Còn về phía học sinh thì sao? Theo các cô, học sinh được học theo mô hình này là rất nhẹ nhàng vì chỉ làm bài kiểm tra cuối kỳ, học chủ yếu là chơi, ghi bài thì vắn tắt. Cuối kỳ các em đều được lên lớp hết, không có học sinh ở lại và thi lại, kiểu như đang phổ cập giáo dục.
Học sinh ngồi học thì được xếp ngồi theo hình chữ U hoặc hình tròn, có các loại chủ tịch, tên nhóm. Phòng học chuẩn theo kiểu Việt Nam thì bàn xếp hình chữ U sẽ xếp được 4 nhóm, mỗi nhóm 9 học sinh vì mỗi lớp có sĩ số 36 học sinh. Mỗi phòng học được trang bị một tivi LCD, giáo viên dạy vẫn không thể xa rời bảng được nên cứ mỗi tiết học 45 phút thì học sinh phải ngoái đầu sang bên để nhìn lên màn hình hoặc lên bảng để ghi bài.
"Khổ thân các em, sau một buổi học VNEN chắc chắn sẽ bị đau cổ. Vì ở tiểu học các em không được học mô hình này nên vào lớp 6 phải làm những con chuột bạch đến tội nghiệp", đại diện giáo viên cảm thán.
Tập thể giáo viên cho rằng, muốn sử dụng mô hình VNEN phải có lộ trình. Giáo viên phải được đào tạo theo liên môn, tốt nghiệp ra trường cũng phải được ghi tên trong văn bằng là Cử nhân Lý Hóa Sinh; Sử Địa... mới có đủ năng lực và kiến thức để giảng dạy. Học sinh cũng phải được học theo mô hình này từ lớp 1 lên chứ không thể thích là bắt thí điểm, như vậy mới không bất cập.
"Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang hô hào thực hiện mô hình này vì Sở cho rằng nó rất khả quan, trong khi hầu hết giáo viên và phụ huynh thì hoang mang. Cái kiểu học chơi thi thật, kết quả phải lên lớp 100%, không có học sinh ở lại thì kiến thức của con em sẽ đi đâu về đâu?", các giáo viên đặt câu hỏi.
Một chuyên gia về giáo dục tiểu học chia sẻ với VnExpress, phân tích dưới góc độ chuyên môn giáo dục học tiểu học sẽ thấy nảy sinh một số vấn đề. Trước hết, trẻ em ở lứa tuổi 7-11 mới bắt đầu hình thành và hoàn thiện dần dần khả năng tư duy logic. Trường học VNEN đòi hỏi học sinh phải thảo luận nhóm từ lớp 2, nghĩa là khi các em mới 7 tuổi, là độ tuổi bắt đầu phát triển tư duy. Với khả năng còn nhiều hạn chế, câu hỏi đặt ra là liệu có bao nhiêu em đáp ứng được nhu cầu đặt và trả lời câu hỏi theo chủ đề sách? Liệu có nảy sinh tình trạng cô giáo đặt câu hỏi và câu trả lời hộ các em và yêu cầu học sinh nhắc lại?
Thứ hai, trong khoa học giáo dục, có 3 hình thức tổ chức dạy chủ yếu bên trong lớp học gồm: học cả lớp, học theo nhóm và học cá nhân. Với mô hình truyền thống, các giáo viên đã lạm dụng quá nhiều hình thức dạy học cả lớp. Vì thế, trẻ thiếu tự tin, không chủ động trong cuộc sống. Tuy nhiên, theo mô hình VNEN, giáo viên lại hoạt động 100% theo hình thức dạy học theo nhóm và dạy học cá nhân. Như vậy, những lợi ích của dạy học cả lớp sẽ không có trong mô hình này.
"Việc áp dụng mô hình với tất cả môn học, từ lớp 1 đến lớp 6 sẽ nảy sinh một vấn đề về tính tương thích của mô hình với đặc thù các môn học. Đặc biệt với những môn học đòi hỏi tư duy logic cao, chắc chắn những em yếu về khả năng này sẽ gặp khó khăn rất nhiều", chuyên gia nói. Ví dụ, trong tiết Toán, khi cô giáo yêu cầu học sinh đọc và tự làm về các phép toán, hiện trạng cho thấy chỉ có chừng 50-60% em hiểu và làm được. Số còn lại học kém hơn hẳn và cảm thấy sợ học Toán.
Thực tế đã chứng minh chất lượng học tập bộ môn này của học sinh đã giảm sút trầm trọng. Hiện tượng học sinh lớp 3 không thuộc bảng nhân 3, chia 3 khá đông. Các cháu cảm thấy sợ và lúng túng khi vào tiết học môn này.
Bên cạnh đó, trong các tiết học, một hoạt động luôn có là học sinh đọc kỹ về mục tiêu bài học. Với trình độ tư duy còn hạn chế do độ tuổi, liệu học sinh có đủ sức hiểu rõ ý nghĩa của phần công việc này? Câu hỏi đặt ra là lý do gì mà những đứa trẻ lại phải đọc kỹ mục tiêu bài học? Khả năng đánh giá sự vật hiện tượng của trẻ còn rất kém, liệu đứa trẻ có thể đánh giá được là tiết học đó mình đã đạt mục tiêu hay chưa?
Mô hình VNEN có nguồn gốc từ các lớp học ghép của vùng xa Colombia. Vì thế, nó tỏ ra tương thích với điều kiện của một số vùng núi như tỉnh Lào Cai. Tuy nhiên, liệu mô hình này có thực sự phù hợp với các nơi khác khi mà điều kiện sống, nhu cầu học tập cũng như các đặc điểm khác không phù hợp?
"Lớp học tổ chức theo mô hình này có quá nhiều chức vụ, liệu mục tiêu giảm bệnh thành tích trong giáo dục có thực hiện được. Lớp học trang trí rất nhiều nhưng do cha mẹ học sinh và giáo viên thực hiện, như vậy tính chủ động của học sinh đã được phát huy triệt để hay không?", chuyên gia băn khoăn.
Lan Hạ