Xuất phát từ việc tự học của học sinh, chúng ta xem xét giáo viên dạy thế nào. Dưới đây, tôi chỉ nêu những hành động sư phạm chủ yếu của giáo viên theo các giai đoạn cơ bản của tiến trình hoạt động.
Những điều giáo viên cần làm
Mặc dù đã có sách "Hướng dẫn học" được thiết kế khá tỉ mỉ, theo đó học sinh có thể tự học (cá nhân, nhóm), nhưng sách này được thiết kế cho học sinh trên toàn quốc nên có thể không phù hợp với lớp cụ thể nào đó. Vì vậy, giáo viên cần xem lại nội dung và hướng dẫn trong tài liệu có phù hợp với khả năng, trình độ học sinh lớp mình hay không. Nếu không, cần điều chỉnh (ví dụ đưa ra nội dung vừa sức, nêu hướng dẫn cụ thể hơn...).
Khi chia nhóm, giáo viên cần đảm bảo rằng, trình độ của các nhóm là đồng đều, tương đương nhau, trong nhóm nên có những học sinh với năng lực khác nhau (không nên để tình trạnh chênh lệch trình độ giữa các nhóm, ví như nhóm thì nhiều em có năng lực tốt, nhóm thì toàn những em năng lực yếu...).
Số học sinh trong nhóm tối ưu là 4, nếu quá đông, dễ xuất hiện hiện tượng có em chầu rìa, tức là không tham gia hoạt động tự học theo nhóm mà ỷ lại vào những bạn khác. Như vậy, rất có thể tùy môn học và nội dung hoạt động mà thành phần cụ thể học sinh trong nhóm là khác nhau (các nhóm có thể thay đổi theo nội dung). Tránh hiện tượng chia nhóm một cách ngẫu nhiên, thành phần học sinh trong nhóm "ổn định" từ ngày này qua ngày khác...
Trong khi học sinh tự học, nhất là các bước "Chúng em làm việc nhóm", "Em viết tên bài học vào vở", "Em đọc mục tiêu của bài học", "Em thực hiện các hoạt động cơ bản" trong quy trình 10 bước, giáo viên cần tiếp cận các nhóm, cá nhân để nắm bắt việc thực hiện của các em và giúp đỡ kịp thời. Khi dạy một môn học nào đó, giáo viên phải biết chắc năng lực từng học sinh, nhất là những em "chậm", để sẵn sàng hỗ trợ.
Tôi cho rằng, thầy cô cần luôn để mắt tới tất cả nhóm, nhận ra những biểu hiện "khác lạ" để tiếp cận, lắng nghe và đề nghị "cô có thể giúp đỡ các em điều gì không?".
Cuối cùng, giáo viên phải biết chắc, những nhóm nào có kết quả đúng, những nhóm nào có kết quả sai. Để khi các em báo cáo kết quả trước lớp thì cho những nhóm có kết quả sai (nếu có) trình bày trước, những nhóm có kết quả đúng trình bày sau. Có như thế, giáo viên mới "đọc" được tư duy của tất cả học sinh, tạo ra tình huống có vấn đề cho học sinh, giúp các em tự phát hiện và sửa lỗi... (theo phương châm "học tập qua sai lầm").
Giáo viên cần tạo điều kiện cho học sinh được tranh luận, bổ sung ý kiến và từ đó, chính các em tự thống nhất ý kiến, kết quả hoạt động.
Những điều giáo viên cần tránh
Để bảo đảm thành công cho việc tự học của học sinh, giáo viên cần tránh những điều sau:
Máy móc yêu cầu các em học mà không nắm vững được nội dung, lộ trình được hướng dẫn trong sách "Hướng dẫn học" cũng như trình độ của học sinh lớp mình liên quan nội dung học tập; chia nhóm mà không quan tâm đến trình độ của nhóm nói chung và của từng học sinh trong nhóm nói riêng (điều đó làm cho các nhóm "đến đích" không như nhau - nhóm "giỏi" thì xong quá sớm, nhóm "kém" thì không thể hoàn thành được nhiệm vụ...).
Tránh ngồi một chỗ chờ đợi học sinh tự học mà không kịp thời giúp đỡ những cá nhân, nhóm gặp khó khăn, không nắm được kết quả hoạt động của từng nhóm; gọi ngẫu nhiên học sinh trình bày kết quả trước lớp, hay gọi những em, nhóm có kết quả đúng trình bày trước (làm cho các em khó nhận ra sai sót, lỗi, nguyên nhân và cách khắc phục); áp đặt kiến thức, kết quả học tập (trong đó có giảng giải, thuyết trình...) đối với học sinh.
Những yếu tố gây khó khăn, cản trở giáo viên
Tuy nhiên, thực tiễn dạy học hiện nay ở mô hình trường học mới còn có những yếu tố gây khó khăn cho việc dạy của giáo viên và việc tự học của học sinh như: sĩ số quá đông nên rất khó tổ chức hoạt động nhóm, giáo viên rất khó kiểm soát được hoạt động của tất cả nhóm để giúp đỡ các em một cách kịp thời....
Học sinh thiếu những kỹ năng cơ bản làm việc cá nhân, làm việc nhóm, nhất là những kỹ năng đọc hiểu, giao tiếp, phối hợp, hợp tác với các bạn trong nhóm..., (để có được những kỹ năng này, cần một quá trình khá lâu dài và đòi hỏi năng lực cao của người giáo viên); học sinh hổng kiến thức, kỹ năng để tự học nội dung theo hoạt động (hiện tượng này còn khá phổ biến, nhất là các lớp vùng cao, những lớp học có sĩ số quá đông...), nội dung và hướng dẫn trong sách "Hướng dẫn học" được thiết kế có thể không phù hợp với trình độ của lớp hay học sinh cụ thể nào đó.
Năng lực sư phạm của một bộ phận giáo viên còn hạn chế (kiến thức, kỹ năng, thái độ...), trong lúc đó dạy học theo mô hình mới đòi hỏi giáo viên phải có năng lực cao. Bên cạnh đó, nhiều giáo viên khó từ bỏ thói quen giảng bài cho học sinh nghe (đã là thói quen rồi thì rất khó từ bỏ, nó lại "tiện dụng" thì càng khó bỏ).
Không gian lớp học hạn hẹp cũng khiến cho việc tổ chức hoạt động cho học sinh cực kỳ khó khăn.
PGS Nguyễn Hữu Hợp
Khoa Giáo dục Tiểu học, ĐHSP Hà Nội