Đêm 24/12 là chính lễ Giáng sinh, không khí tại nhà thờ Chính tòa Thanh Hóa vắng vẻ hơn mọi năm. Các tuyến đường dẫn về giáo đường lớn nhất thành phố lác đác phương tiện giao thông, lực lượng chức năng lập chốt và tuần tra lưu động nhắc nhở người dân không tập trung đông người.
Tòa giám mục Thanh Hóa yêu cầu các giáo xứ tiết giảm tối đa hoạt động trang trí đèn điện, tiểu cảnh theo truyền thống, cũng không có các hoạt động diễn nguyện như thường lệ. Thánh lễ đêm tại nhà thờ Chính tòa diễn ra sớm hơn (lúc 20h) và hạn chế số người tham dự. Giáo xứ không mở cửa đón khách vào khuôn viên nhà thờ tham quan.
"Không có cảnh chen chúc hay tắc đường như mọi năm. Tôi thực sự có chút hụt hẫng khi đến nhà thờ tối nay. Gần như không có hoạt động gì ngoài trời, đèn điện cũng không lung linh như mình nghĩ...", chị Phương Linh chia sẻ khi cùng nhóm bạn dạo quanh nhà thờ Chính tòa. Biết đang dịch Covid-19, nhưng chị Linh không nghĩ lại vắng vẻ như vậy vì người dân không bị hạn chế ra đường.
Anh Giuse Vũ Ngọc Lâm, Ban bác ái Giáo xứ Chính tòa Thanh Hóa, cho hay năm nay Giáo xứ chủ trương tiết kiệm tối đa nguồn lực để chăm lo đời sống cho người nghèo và nạn nhân ảnh hưởng bởi đại dịch. "Thực sự mất mát, đau thương là rất lớn. Tôi cầu mong đại dịch Covid-19 sớm qua đi để người dân trở về cuộc sống mới...", anh Lâm nói và gửi lời cầu chúc Giáng sinh và năm mới bình an đến mọi người trên cả nước.
Tại TP Vinh, Nghệ An, trời se lạnh, lượng người đổ ra đường và các nhà thờ như Yên Đại, Cầu Rầm giảm nhiều so với mọi năm. Các hoạt cảnh, cách bài trí trong khuôn viên cũng đơn giản hơn. Ban tổ chức bố trí khẩu trang, nước sát khuẩn miễn phí ngay tại cổng, đồng thời khuyến cáo người dân thực hiện 5K.
Anh Lê Quang Minh, ở xã Nghi Phú, TP Vinh, cùng vợ và ba con đến nhà thờ Yên Đại sau bữa cơm tối sớm hơn thường lệ. Mỗi năm cứ đến Noel, cả gia đình anh lại cố gắng quây quần bên nhau, cùng lưu lại kỷ niệm. "Mong ước lớn nhất của tôi là dịch Covid-19 được khống chế để việc kinh doanh của gia đình thuận lợi, các con được tới trường an toàn", anh Minh nói.
Đến nhà thờ Khe Sanh, xã Tân Liên, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị, từ lúc 16h, bà Hồ Thị Hung, 49 tuổi, chia sẻ rất phấn khởi khi nghe tin Đức tổng Giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam, từ Huế ra dự lễ đón Giáng sinh với bà con. Bà kết thúc sớm việc trên rẫy sắn, về nhà sửa soạn bộ váy thổ cẩm đẹp nhất rồi cùng con trai và cháu đi xe máy 10 km đến nhà thờ.
Năm 2021 dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng may mắn thôn bà cư trú không có người nhiễm. Dù vậy công việc đồng áng, làm thuê cũng ít nhiều bị ảnh hưởng. Gia đình bà Hung không có nhiều đất, có rẫy sắn chăm sóc 10 tháng nhưng mỗi vụ chỉ cho thu nhập 6 triệu đồng. Lúc nông nhàn, bà đi làm công, cuốc cỏ, hái cà phê khi đến vụ với tiền công 120.000-150.000 đồng mỗi ngày.
Mùa Giáng sinh và năm mới, bà Hung mong muốn có sức khỏe, dịch bệnh chấm dứt để công việc được ổn định. "Mẹ chỉ mong có đủ cái ăn, chân còn khỏe để leo đồi nương thôi", bà Hung nói.
Ông Phao lô Ku Len, 42 tuổi, chiều nay chở theo vợ và hai con 8 và 10 tuổi vượt 25 km đường đèo từ bản Một, xã Thuận, huyện Hướng Hóa đến nhà thờ Giáo xứ Khe Sanh vì nghe tin có Đức Tổng Giám mục về dâng lễ. Ông Len bảo, dân làng chỉ mong dịch bệnh mau chấm dứt, bà con đi lại tự do để làm ăn.
Ở Thừa Thiên Huế thời tiết khô ráo, se lạnh, thuận lợi cho giáo dân đến nhà thờ dự lễ. Tại nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế - một trong những nhà thờ công giáo nổi tiếng của thành phố, người dân phải giữ khoảng cách, đeo khẩu trang. Các cửa vào bên trong thánh đường được bố trí nước sát khuẩn để người dân rửa tay trước khi vào dự lễ.
Ông Trần Minh Phương, 58 tuổi, giáo dân ở phường Phú Nhuận, cho biết do dịch bệnh nên mọi người hạn chế đến nhà thờ, ai đến đều cố gắng giữ khoảng cách, đeo khẩu trang. "Giáng sinh này, tôi cầu mong cho mọi người an bình, có sức khỏe vượt qua đại dịch. Hy vọng sang năm 2022, mọi người sẽ có một mùa Giáng sinh hạnh phúc hơn, đẹp đẽ hơn...", ông Phương nói.
Hơn hai tháng qua, anh Nguyễn Đình Anh Khoa, 41 tuổi, giáo dân ở phường Phước Vĩnh cùng những người bạn vận chuyển F0 đến khu cách ly. Năm nay, thay vì ở nhà đón Giáng sinh cùng gia đình, anh Khoa tất bật hỗ trợ chống dịch. "Hòa theo lời kêu gọi của Tổng giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh, anh em Công giáo đã dành hết tâm lực hỗ trợ cho người khó khăn...", anh Khoa nói.
Tại Hà Nội, nơi ghi nhận hơn 1.800 ca Covid-19 trong hôm nay, hầu hết nhà thờ tổ chức thánh lễ trực tuyến. Từ 17h chiều, nhiều con phố quanh Nhà thờ Lớn đều được dựng rào chắn, người ra vào phải xuất trình CCCD để chứng minh sống bên trong, hoặc có giấy mời tham dự buổi lễ tại nhà thờ. Trước cửa nhà thờ, hàng rào được dựng quanh, giáo dân được phát phiếu và xét nghiệm nhanh Covid-19 trước khi vào nhà thờ.
Cách đó tầm một km, tại nhà thờ Hàm Long, lực lượng chức năng cũng rào chắn một đoạn phố nhằm tránh tập trung đông người. Tuy nhiên, với mong muốn được hưởng không khí Giáng sinh, từ 7h, hàng trăm người đã tới lễ vọng từ bên ngoài. Đến khoảng 20h, giáo dân được yêu cầu ra về để theo dõi buổi lễ tổ chức trực tuyến sau đó hai tiếng.
Trái với cảnh trầm lắng ở khu vực nhà thờ, phố Hàng Mã và xung quanh Hồ Gươm lại đông đúc. Trên phố Hàng Mã, hàng nghìn bạn trẻ đổ về check-in, công an phường phải lập rào chắn nhằm hạn chế phương tiện ra vào, dùng xe thùng đi dọc phố, mở loa yêu cầu các cửa hàng đóng cửa theo quy định của thành phố. Đến 21h, lượng người trên phố Hàng Mã mới bắt đầu ngớt dần.
Tại khu vực Hồ Gươm, ùn tắc xuất hiện từ khu vực quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục tới ngã tư Tràng Thi - Bà Triệu - Hàng Khay. Trên phố Tràng Tiền, nhiều người dừng lại chụp ảnh trước cửa Tràng Tiền Plaza. Lực lượng chức năng phải liên tục nhắc nhở di chuyển, đảm bảo phòng chống dịch.
Nguyễn Thị Minh Anh (24 tuổi, quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho hay, biết dịch bệnh tại Hà Nội đang bùng phát mạnh, song vẫn quyết định xuống phố để đón Giáng sinh bên người thân. "Tôi mong một Giáng Sinh an lành cho mọi người và dịch bệnh sớm đi qua", cô gái chia sẻ.
Tại TP Biên Hoà, Đồng Nai, không khí giáng sinh về trên phố phường nhưng dòng người không còn đông đúc như mọi năm do ảnh hưởng Covid-19. Nhà thờ Tân Mai, nơi được xem là "trung tâm Giáng sinh" của Biên Hòa năm nay không khí vắng vẻ, đèn hoa hạn chế trong trang trí xung quanh nhà thờ.
Người dân đến nhà thờ làm lễ từ sớm, các dãy ghế dán thông báo ngồi giãn cách, lối vào cổng có cồn xịt khuẩn cho giáo dân trước khi vào giáo đường. Những người đi lễ chủ yếu lớn tuổi và bậc trung niên, còn người trẻ làm lễ trực tuyến.
Ở TP Nha Trang, Khánh Hòa, tiết trời hơi se lạnh. Trung tâm thành phố có nhiều người dạo phố, du khách đi chơi, chụp ảnh giáng sinh, song không khí không nhộn nhịp như các năm.
Quảng trường 2 Tháng 4 tổ chức hoạt động chương trình nghệ thuật "Tiếng chuông ngân vang" chào đón Noel. Để đảm bảo phòng dịch, xung quanh sân khấu được rào chắn, ngăn người dân tụ tập đông tới xem, và chỉ theo dõi khi được phát sóng trực tiếp trên đài truyền hình Khánh Hoà.
Ở Bà Rịa – Vũng Tàu, dòng xe đông hơn mọi khi, hướng về nhà thờ Chánh tòa (Giáo phận Bà Rịa) trên đường Cách Mạng Tháng Tám. Khuôn viên nhà thờ dựng mô hình cây thông, ông già tuyết và một vài tiểu cảnh đơn sơ, cùng hai màng hình lớn.
Covid-19 nên nhà thờ không mở cửa đón nhiều người như mọi năm mà bố trí ghế ngồi giãn cách ở khoảng sân rộng phía trước, chỉ những người được phát phiếu trước đó vào dự, thánh lễ truyền trực tuyến. Không vào được bên trong, gia đình ông Nguyễn Hoàng Phong đứng trước cổng nhà thờ cầu nguyện và chụp hình lưu niệm, rồi trở về nhà ở thị xã Phú Mỹ.
"Tôi xin bề trên phù hộ cho thế giới được an lành, mau hết bệnh dịch để trở lại cuộc sống bình thường", ông nói và cho biết Covid-19 khiến công việc của gia đình bị ngưng trệ, hạn chế chi tiêu, điều chưa từng xảy ra đối với gia đình.
Tại Cần Thơ, đại lộ Hoà Bình ở quận Ninh Kiều lắp đèn nghệ thuật lấp lánh, nhiều màu sắc. Nhiều siêu thị, trung tâm thương mại trang hoàng cây thông Noel lộng lẫy. Lượng người ra đường cũng như đến các khu vui chơi, mua sắm, ăn uống gấp nhiều lần ngày thường nhưng không bằng Noel các năm trước.
Đường 30 Tháng 4, Đại Lộ Hoà Bình, đường Nguyễn Trãi..., rất đông cảnh sát giao thông được huy động để phân luồng, hạn chế ùn tắc. Cùng bạn đi dạo trước trung tâm thương mại trên đại lộ Hoà Bình, anh Phan Hoàn nói Cần Thơ đang bùng Covid-19 nên mong ước dịch sớm qua để cuộc sống trở về bình thường.
Giáng sinh là đại lễ của người Công giáo, tổ chức tưng bừng hơn đại lễ Phục sinh (tháng 4 hàng năm). Tuy nhiên, năm nay do ảnh hưởng của đại dịch, các nhà nhờ rút gọn chương trình, việc trang hoàng cũng đơn giản hơn. Trong bài huấn từ đêm diễn nguyện Giáng sinh, Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh kêu gọi mọi người tuân thủ quy định phòng chống dịch, "thay vì xem văn nghệ bình thường, hãy cùng nhau cầu nguyện cho những nạn nhân đã qua đời vì Covid-19, cho bóng mây u ám của dịch bệnh mau chấm dứt trên toàn cầu".