Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh trả lời VnExpress nhân dịp đại lễ Giáng sinh và năm mới 2022.
- Một năm qua, người Công giáo đã có nhiều đóng góp trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Hoạt động nào để lại cho ngài nhiều ấn tượng nhất?
- Những gì mà Giáo hội Công giáo Việt Nam muốn làm là quan tâm đến người nghèo. Năm nay, Giáo hội Công giáo Việt Nam đã thành lập các tổ chức tình nguyện với đủ mọi thành phần từ linh mục, nam, nữ tu sĩ, giáo dân. Hơn 600 tình nguyện viên từ khắp nơi, trong đó 24 linh mục và 8 phó tế đã có mặt tại tâm dịch; có người hy sinh khi tham gia điều trị, cứu chữa bệnh nhân Covid-19.
Phòng khám Từ thiện Kim Long của Tổng Giáo phận Huế đã thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19 hai tuần qua, với hơn 60 lượt người không phân biệt tôn giáo nào. Chúng tôi cũng lập đoàn thiện nguyện theo đề nghị của Sở Y tế Thừa Thiên Huế, sẵn sàng lên đường chăm sóc, hỗ trợ nạn nhân của dịch bệnh.
Khả năng tài chính của chúng tôi không nhiều so với các tổ chức từ thiện lớn. Nhưng điều tôi ấn tượng nhất là đã thực hiện được sứ mạng Chúa Giêsu kêu gọi, đó là sống mến Chúa, yêu người. Chúng tôi đã tìm thấy niềm vui, hạnh phúc khi chăm sóc, chia sẻ với người khốn khó nhất trong xã hội.
Giáo hội Công giáo không có chủ trương quảng bá rầm rộ hành động mình làm. Đáng mừng là những sự đóng góp, dấn thân của người Công giáo đã được xã hội ghi nhận. Mới đây, ngài Phó thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh đã biểu dương hành động này.
- Trước diễn biến dịch còn phức tạp, Hội đồng Giám mục Việt Nam sẽ tiếp tục đồng hành với cả nước thế nào?
- Hội đồng Giám mục Việt Nam và bản thân tôi đang kêu gọi bà con Công giáo trong và ngoài nước hãy tiếp tục thực hành bác ái để cùng với lực lượng thiện nguyện, các đơn vị của Giáo hội đồng hành với những người mắc Covid-19.
Trong thư mục vụ gửi các tín hữu mùa Giáng sinh, tôi kêu gọi mỗi người hãy là cây ATM cho người nghèo, người bất hạnh, nạn nhân của đại dịch. Người Kitô phải xem việc giúp đỡ tha nhân là bản chất của mình, như lời Chúa Giêsu đã kêu gọi trong Tin Mừng: "Ai có hai áo thì chia cho người không có; ai có gì ăn thì cũng làm như vậy".
Chúng tôi đang kêu gọi sự đóng góp cho chương trình Thương quá Sài Gòn ơi, từ tháng 7/2021. Đến nay, chương trình nhận được hơn 120 tỷ đồng, trong đó Đức Giáo hoàng Phanxico - người đứng đầu Giáo hội Công giáo thế giới, đã gửi 100.000 Euro, để cùng với Giáo hội Công giáo Việt Nam chăm sóc cho nạn nhân của đại dịch.
Trong mùa Giáng sinh này, Hội đồng Giám mục Việt Nam không ra chỉ thị cho các Đức Cha ở các Giáo phận, nhưng đều hướng về nạn nhân đại dịch Covid. Mọi người đã tiết giảm chi phí trang trí, bữa tiệc để giúp đỡ người nghèo.
Những năm qua tôi luôn dành thánh lễ Giáng sinh ban đêm cho giáo dân những vùng khó khăn và thiên tai. Năm ngoái, tôi đã về làm lễ ở giáo xứ Cây Da ven sông Ô Lâu, nơi hứng chịu thiệt hại nặng nề của đợt lũ lụt lịch sử. Còn năm nay, tôi sẽ dâng Thánh lễ tại vùng đồng bào dân tộc Vân Kiều ở Khe Sanh, Quảng Trị, nơi xa nhất của Tổng Giáo phận Huế. Họ rất nghèo.
- Trong đại dịch, rất nhiều người mất người thân, người ở lại cũng hẫng hụt, thiếu vắng. Đức Tổng Giám mục có lời khuyên gì để giáo dân và người dân nói chung giữ cho tâm an, đủ sức khỏe và tinh thần đương đầu với đại dịch?
- Đức Giáo hoàng Phanxicô từng chia sẻ, đại dịch Covid-19 đã nhắc nhở nhân loại nói chung và người Kitô hữu nói riêng về sự mong manh của kiếp sống này. Để giữ cho tâm an, tín hữu Công giáo hãy củng cố lại đức tin vào đấng toàn năng, nhắc bảo nhau thực hiện các biện pháp phòng chống dịch của chính quyền, như 5k, tiêm vaccine; rèn luyện thể lực, bảo vệ mình và bảo vệ cộng đồng.
Chúng ta cũng đang phải đối diện với hiện thực hậu đại dịch, khi nhiều gia đình mất người thân, nhiều trẻ em thành mồ côi... Người Kitô hữu trong mức độ có thể hãy đồng hành, tìm cách giúp đỡ, an ủi các nạn nhân của đại dịch, không phân biệt tôn giáo hay thành phần xã hội nào.
Giáng sinh này sẽ là dịp để mọi người sum họp gia đình, nhiều giáo dân có thể phải dự Thánh lễ online, nhưng chúng ta hãy cầu nguyện cùng nhau, sống nội tâm nhiều hơn là những cuộc gặp gỡ tưng bừng như trước. Tôi cũng sẽ cầu nguyện để mọi người có một mùa Giáng sinh và năm mới bình an.
- Nhân dịp Giáng sinh, ngài chia sẻ thông điệp gì với gần 6 triệu tín đồ Công giáo Việt Nam và những người ngoài Công giáo?
- Thông điệp sâu xa và mạnh mẽ nhất của lễ Giáng sinh là bình an. Sự bình an được công bố ngay từ thế kỷ thứ nhất, ngày Thiên Chúa xuống thế làm người: Vinh danh Thiên Chúa trên trời/ Bình an dưới thế cho người thiện tâm. Nơi Chúa sinh ra là hang đá Bê-lem, giản dị, nghèo khó nhưng an yên đích thực.
Sự bình an đến nay cũng đang có nhiều cách hiểu và giải thích khác nhau. Với nhiều người, bình an là có tiền bạc, điều kiện vật chất sống vừa ý, không gặp tai nạn, sự cố. Nhưng của cải trần gian không là bình an đích thực, trái lại rất mong manh vì không ai biết trước ngày mai mình thế nào.
Còn sự bình an của giáo lý Công giáo là bình an nội tâm, con người không vướng lỗi tội, trong sạch, thánh thiện và không có ý đồ làm cho cuộc sống phức tạp. Bình an nội tâm mới là đích thực, vượt qua không gian, thời gian, giúp chúng ta có thể thực sự hạnh phúc.
Những ngày qua đã có nhiều thành phần trong xã hội chúc mừng Giáng sinh đến người Công giáo. Bản thân tôi coi đây là cơ hội để chia sẻ niềm vui Thiên Chúa Giáng sinh làm người cho mọi thành phần ngoài Kitô giáo. Tôi rất vui vì qua những lần gặp gỡ, cảm nhận từ mọi phía đều rất yêu thích lễ Giáng sinh.
Tôi cầu chúc cho tất cả mọi người Kitô hữu và kể cả những người không cùng tôn giáo vượt qua đại dịch Covid-19 một cách bình an. Bình an đích thực của tâm hồn. Tôi cũng cầu chúc cho mọi người có được tâm hồn luôn luôn nhạy cảm với những nỗi khổ của người xung quanh để sẻ chia và phục vụ tha nhân.
Theo Thánh kinh, từ khởi nguyên của vũ trụ, Thiên Chúa tạo dựng con người, ban cho vườn Địa Đàng và mong muốn con người được sống hạnh phúc, trong đó có Adam và Eva. Cùng với tạo dựng, Thiên Chúa cho con người được tự do lựa chọn hành vi.
Vì con người đã chọn con đường tội lỗi nên tự chuốc lấy án phạt là bị loại ra khỏi vườn Địa Đàng, đánh mất cuộc sống hạnh phúc. Tuy nhiên, Thiên Chúa vẫn yêu thương con người nên đã lập ra kế hoạch cứu độ bằng việc sai ngôi Hai xuống thế làm người 2.000 năm trước tại làng Bê lem (nước Do Thái).
Trong Công giáo có hai đại lễ là Giáng sinh (tưởng nhớ Chúa Giê su sinh ra) và Phục sinh (Chúa Giê su sống lại). Về ý nghĩa, lễ Phục sinh quan trọng hơn vì Chúa Giêsu đã hoàn tất chương trình cứu độ loài người; mở ra cơ hội cho loài người được sống hạnh phúc vĩnh cửu trong Vương quốc tình yêu. Nhưng về cách thể hiện thì Giáng sinh được trang trí, tổ chức thánh lễ rộn ràng hơn.
Nguyễn Đông thực hiện