Bộ Lao động Thương binh và Xã hội trình Chính phủ ban hành nghị quyết sửa đổi Nghị quyết 42 và Quyết định 15 hỗ trợ lao động, doanh nghiệp gặp khó khăn do Covid-19. Bộ đề xuất mở rộng người được hỗ trợ, cho lao động tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không lương tại các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục, cơ sở giáo dục công lập tự đảm bảo chi thường xuyên tất cả các cấp. Người lao động nhận hỗ trợ không quá ba tháng, mỗi tháng 1,8 triệu đồng.
Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đề xuất xác định lại thời điểm lao động mất việc được hỗ trợ, tính từ ngày 1/2 đến 1/6, thay vì từ ngày 1/4 như cũ. Bởi qua thực tế triển khai, nhiều lao động đã bị mất việc từ trước thời điểm trên do ảnh hưởng của dịch. Nếu giữ quy định cũ, nhóm này sẽ chịu thiệt thòi bởi đây là nhóm bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Với gói 16.000 tỷ đồng (nằm trong gói 62.000 tỷ) cho doanh nghiệp vay lãi suất 0% để trả lương ngừng việc cho người lao động, điều kiện để doanh nghiệp vay vốn có thể được nới lỏng. Cụ thể, Bộ đề xuất bãi bỏ điều kiện "đã trả trước tối thiểu 50% lương ngừng việc cho người lao động". Thời gian lao động ngừng việc được hỗ trợ sẽ tính từ tháng 4 đến tháng 12/2020, thay vì tính đến tháng 6/2020 như quy định cũ. Doanh nghiệp được vay vốn không quá ba tháng.
Theo dự kiến ban đầu, số tiền 16.000 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp trả lương ngừng việc cho khoảng 3 triệu lao động. Song hầu như không hồ sơ nào được giải ngân do thủ tục khắt khe, đại dịch được khống chế và doanh nghiệp hồi phục dần sản xuất.
Các thủ tục hành chính phê duyệt bởi cấp huyện và tỉnh khi doanh nghiệp làm hồ sơ xét duyệt được bãi bỏ. Chủ doanh nghiệp sẽ trực tiếp kê khai hồ sơ vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính trung thực của thông tin cung cấp.
Ngày 10/4, Chính phủ ban hành nghị quyết hỗ trợ trực tiếp người dân gặp khó khăn vì Covid-19. Dự kiến 20 triệu người yếu thế được nhận hỗ trợ từ gói này. Trong đó, ngân sách Nhà nước hỗ trợ trực tiếp 36.000 tỷ đồng, gồm 22.000-23.000 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương và 13.000-14.000 tỷ từ ngân sách địa phương.
Qua 4 tháng triển khai, đến đầu tháng 8, Kho bạc Nhà nước giải ngân gần 12.000 tỷ đồng. Hơn 11.500 tỷ đồng trong đó hỗ trợ người có công với cách mạng, người được bảo trợ xã hội, hộ nghèo và cận nghèo. 427 tỷ đồng còn lại hỗ trợ khoảng 426.000 lao động gặp khó khăn. Tỷ lệ giải ngân chậm, chỉ đạt hơn 19% toàn gói.
Việt Nam bước vào làn sóng Covid-19 thứ hai từ cuối tháng 7. Cơ quan chức năng đã tính đến kịch bản xấu nhất những tháng cuối năm, dự báo số lao động mất việc có thể tăng 60.000 đến 70.000 mỗi tháng. Theo công bố của Tổng cục Thống kê, GDP 9 tháng tăng 2,12%, thấp nhất trong một thập kỷ qua.
Thái Mạc