Bốn anh em Thu dự tính không hưởng chế độ ở phường mà về quê Bình Lục (Hà Nam) để hưởng trợ cấp Covid-19. Nếu được xét duyệt, họ thuộc nhóm lao động tự do không có giao kết hợp đồng, nhận hỗ trợ một triệu đồng mỗi người, không quá ba tháng.
Năm 2003, Thu 21 tuổi, từ vùng đồng chiêm trũng Hà Nam lên Hà Nội bán hàng rong. Những ngày đầu mới lên thủ đô, chị sắm cái xe đẩy khắp phố phường, ngõ chợ, cổng trường học. Trước xe treo lủng lẳng đủ thứ thập cẩm, từ trái dừa, bó mía, thịt xiên, thịt nướng... Sau vợ chồng thuê nhà trọ sát trường mầm non Vĩnh Tuy, tận dụng vỉa hè để quầy hàng, bày mấy bộ bàn ghế bán quà vặt cho học sinh. Ngày rằm, mùng một, chị sắm thêm dăm bó hoa bán cho người ta thắp hương. Thấy bóng dáng trật tự đô thị là nháo nhào dọn dẹp. Cứ thế gần hai chục năm, bốn anh em ở quê không còn trông cậy vào đồng ruộng, dắt díu nhau lên Hà Nội bán rong.
Cuối tháng ba, lệnh giãn cách được tổ dân phố thông báo đến tận nhà. Vợ chồng Thu tuân thủ, dẹp xe hàng, bó gối ngồi nhà hơn hai mươi ngày. Những ngày đầu tháng tư, chị nghe vô tuyến thông tin "hàng rong, xe ôm" sẽ được nhận gói hỗ trợ lên đến 62.000 tỷ đồng. Tổ trưởng dân phố đi rà soát từng nhà, đưa Thu vào danh sách lao động tự do chờ làm hồ sơ. Thu không bận tâm lắm, cán bộ hỏi gì kê khai nấy, "được thì tốt mà không thì thôi, trước giờ mình khổ quen rồi".
Một tuần trước, mẹ chị gọi điện ra, nhắn ở nhà đang làm hồ sơ hưởng trợ cấp. Thu ngần ngừ "có khi con làm trên này cho tiện". Hồ sơ chưa kịp làm, Thu nhận được thông báo "bị loại từ vòng gửi xe" từ tổ trưởng dân phố, bởi chị đã lấn chiếm vỉa hè, không có giấy phép kinh doanh, vi phạm trật tự văn minh đô thị. Dầu vậy, tổ trưởng dân phố bảo chị cứ làm hồ sơ, còn được xét duyệt hay không thì chờ phường xin chủ trương từ cấp có thẩm quyền. Người dân phản ứng "có bần cùng mới phải buôn thúng bán mẹt, ngồi vỉa hè, lấy đâu ra giấy phép". Nhưng nếu chi trả không đúng đối tượng, cán bộ phường sẽ phải chịu trách nhiệm.
Những trường hợp như chị Thu nằm trong số hàng nghìn hồ sơ đang ách tắc vì "các nhóm trường hợp hưởng hỗ trợ chung chung, không rõ ràng, khó xác định", nhất là lao động tự do có rất nhiều ngành nghề khác nhau. Và có những ngành nghề không nằm trong văn bản hướng dẫn. Đây không phải là câu chuyện của riêng Hà Nội. Cuối tháng tư khi bắt đầu thực hiện gói 62.000 tỷ đồng, lãnh đạo nhiều tỉnh thành đã kêu khó xác định đúng lao động cần hỗ trợ, thiếu nguồn lực để trợ cấp cho hàng triệu người. Đối với nhóm lao động tự do, Chính phủ cho phép địa phương tự quyết hỗ trợ, song có tỉnh làm, có tỉnh không.
Vĩnh Tuy có hơn 60.000 cư dân, 23 địa bàn dân cư với 42 tổ dân phố, đông nhất quận Hai Bà Trưng. Phường nằm ở cửa ngõ phía Nam Hà Nội đang trong quá trình đô thị hoá, đông người nhập cư lẫn lao động tự do. Bà Nguyễn Thị Hoan, 58 tuổi, phụ trách địa bàn dân cư số 24 vẫn nhớ những ngày đầu tháng tư khi chủ trương hỗ trợ cho lao động bị ảnh hưởng bởi Covid-19 được ban hành. Người dân biết tin phấn khởi, nói "quyết sách hợp lòng người".
Địa bàn bà Hoan phụ trách, số rà soát ban đầu từ 298 giảm xuống còn 58 và đến lúc này, chỉ có 8 trường hợp đủ điều kiện nhận hỗ trợ. Tính đến ngày 19/4, toàn phường Vĩnh Tuy rà soát được 4.000 lao động khó khăn thuộc diện hỗ trợ, nhưng nay chỉ 47 hồ sơ đủ điều kiện. Một nửa trong số đó là xe ôm, còn lại là người bán hàng có đăng ký kinh doanh và chứng nhận an toàn thực phẩm.
Xác định thu nhập, công việc của nhóm lao động không có giao kết hợp đồng cũng khiến cán bộ phường "đau đầu", phụ thuộc hoàn toàn vào sự kê khai trung thực hay không. Với những trường hợp thường trú trên địa bàn xác định dễ. Nhưng có xe ôm cư trú ở Vĩnh Tuy và khai làm việc tận Mỹ Đình (Cầu Giấy), cần có xác minh của cảnh sát khu vực. Các thông tin này phải có thời gian tìm hiểu, tránh hỗ trợ sai người. Theo quy định, phường tiếp nhận hồ sơ trong vòng hai ngày phải xét duyệt và niêm yết công khai, không có khiếu nại mới nộp lên quận. "Sợ nhất là bỏ sót hoàn cảnh cần hỗ trợ", bà Hoan nói.
Trong quá trình kê khai, nhiều người phản ứng khi phải xin xác nhận ở quê, "tàu xe đi lại tốn kém, hỗ trợ một triệu đồng mỗi tháng không bõ". Bà Hoan cho rằng nhiều người nghĩ cán bộ phường gây khó dễ, nhưng cần xác nhận để tránh trục lợi chính sách, hưởng ở cả hai nơi. Thành phố còn quản lý được, về quê họ hàng "dây mơ rễ má" nể nang nhau. Theo quy định, nếu không hưởng trợ cấp tại nơi tạm trú thì có thể xin xác nhận rồi về nơi thường trú để thụ hưởng, tùy vào chính sách của mỗi địa phương.
Chung vướng mắc với phường Vĩnh Tuy, bà Ngô Vân Anh, Phó chủ tịch phường Ngã Tư Sở (quận Đống Đa) cho hay trong các quyết định hỗ trợ không ràng buộc quy định pháp lý, nhưng nhiều người thắc mắc vi phạm trật tự đô thị như quán nước vỉa hè, bán hàng dưới lòng đường, đầu ngõ có được xét không? Cuối cùng, phường quyết định không xét nhóm này vì vi phạm trật tự đô thị.
Đánh giá "chính sách hỗ trợ nhân văn, hợp lòng người, nhưng các văn bản hướng dẫn chậm so với kỳ vọng của người dân", theo nữ lãnh đạo phường "tâm lý chung là người người, nhà nhà đều nghĩ là mình được hưởng". Nghị quyết ra đời khi còn giãn cách xã hội, phường rà soát lao động cần hỗ trợ, người dân kê khai rất nhiệt tình. Nhưng văn bản hướng dẫn chậm khiến cơ sở rà soát, kê khai, trả hồ sơ rồi lại bổ sung rất mất thời gian.
Bốn tháng qua, các phường ở Hà Nội đã căng mình hết sức cho cuộc chiến chống Covid-19. Địa bàn hiện rất nhiều việc, chuẩn bị cho đại hội đảng bộ các cấp, cùng lúc chuẩn bị sáp nhập tổ dân phố. Cán bộ chuyên trách ít phần nào ảnh hưởng tiến độ thực hiện gói hỗ trợ. Cơ quan quản lý nói dân nghèo sẽ được hỗ trợ trong tháng tư nhưng đến nay chưa có. "Người dân ra tận phường hỏi sao việc chi trả đơn giản, các chị cứ thích gây khó dễ. Họ không hiểu rằng chúng tôi cũng đang gặp khá nhiều khúc mắc", bà Vân Anh giãi bày.
Ông Nguyễn Đình Tiên, Trưởng phòng Lao động Thương binh và Xã hội quận Đống Đa, cho biết thông tin về gói hỗ trợ được quận công bố trên bản tin, loa phường. Nhưng trong các cuộc họp trực tiếp với 21 phường để triển khai đều nghe phản ánh "từ tổ dân phố đến cán bộ ủy ban đều bị dân kêu".
Toàn quận Đống Đa rà soát khoảng 35.000 lao động có thể được hỗ trợ. Nhưng khi có các văn bản hướng dẫn về 6 nhóm đối tượng cụ thể, số hồ sơ sàng lọc còn lại 14.970 bộ, tính đến ngày 15/6. Số hồ sơ kiểm tra, thẩm định hiện dừng ở mức vài trăm. Quận đã tập huấn cho 4 cán bộ chuyên môn và một cán bộ phòng lao động chuyên trách cùng tham gia xét duyệt hồ sơ. Nhưng với số lượng lớn, quận xác định không đủ người để duyệt, trả hồ sơ đúng ngày quy định.
Chia sẻ vướng mắc với cơ sở, ông Nguyễn Hồng Dân, Phó giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội, cho rằng gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng là chính sách chưa có tiền lệ, thực hiện trong thời gian gấp gáp nên "không thể tránh khỏi thiếu sót".
Tính đến giữa tháng sáu, Hà Nội có hơn 1.000 lao động thuộc tất cả các nhóm được hưởng chi trả. Ông Dân lý giải tiến độ chậm do cơ sở còn nhiều vướng mắc, chủ yếu là khó xác định nhóm lao động không có giao kết hợp đồng. Theo ông, mục tiêu cuối cùng là hỗ trợ đúng người, không để trục lợi chính sách. Do đó, Sở Lao động Thương binh Xã hội Hà Nội sẽ tổng hợp các vướng mắc, báo cáo cấp trên và đề xuất với thành phố tháo gỡ kịp thời.
"Nhưng cũng cần phải nhanh lên vì đã sắp hết tháng 6 rồi. Nói hỗ trợ kịp thời mà từ tháng 4 đến tháng 6 người dân chưa nhận được thì cũng xấu hổ", ông Dân nói và thông tin thêm có những phường, quận, lượng hồ sơ tiếp nhận đã cao quá đầu người nhưng cán bộ cũng phải nỗ lực làm để giải quyết cho người dân.
Trong khi chờ các cấp có thẩm quyền tháo gỡ khó khăn, Thu vẫn chưa làm hồ sơ xin xét duyệt trợ cấp. Mỗi sáng, chị vẫn kĩu kịt quầy hàng trước cổng trường trong những ngày "bình thường mới". Khi ít khách, vợ chồng chị lại đẩy rong xe hàng đi khắp ngõ chợ, đường đông rao bán nước mía, thịt xiên.
Theo tính toán của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, khoảng 20 triệu người sẽ được thụ hưởng gói an sinh xã hội, tối đa 3 tháng với các mức khác nhau, từ 250.000 đồng đến 1,8 triệu đồng mỗi tháng.
Trong đó 1,3 triệu người có công đang hưởng trợ cấp hàng tháng; 3 triệu người hưởng bảo trợ xã hội; gần 1 triệu hộ nghèo; 1 triệu lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, thoả thuận nghỉ không lương.
Ngoài ra, dự kiến 3 triệu lao động được trả lương ngừng việc; khoảng 5 triệu người lao động bị chấm dứt hợp đồng nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp hoặc người không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và mất việc làm.
Số hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng mỗi năm tạm ngừng kinh doanh là 760.000; số lao động được tạm dừng đóng BHXH vào quỹ hưu trí, tử tuất khoảng 1 triệu người.
Lam Phương - Tất Định