Quy chế tuyển sinh đại học năm 2022 lần thứ hai được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố dự thảo đêm 9/6 và ký ngày 10/6, đặt ra một số quy định mới liên quan đến cộng điểm ưu tiên cho thí sinh tự do và cách tính điểm ưu tiên cho nhóm thí sinh đạt điểm cao khi xét tuyển đại học.
Trong dự thảo lần thứ nhất, Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến không cộng điểm ưu tiên khu vực cho thí sinh tự do kể từ năm 2022. Dự kiến này nhận nhiều ý kiến trái chiều, đặc biệt từ nhóm thí sinh xét tuyển lại vào năm nay. Vì vậy, Bộ có điều chỉnh để đảm bảo quyền lợi của thí sinh.
Theo đó, từ năm 2023, thí sinh sẽ được hưởng chính sách ưu tiên khu vực trong năm tốt nghiệp THPT và một năm kế tiếp khi xét tuyển đại học, cao đẳng. Như vậy, nếu thi lại một năm, thí sinh vẫn được hưởng chính sách ưu tiên.
Cùng với thay đổi trên, việc tính mức điểm ưu tiên với từng nhóm thí sinh cũng được điều chỉnh theo mức điểm các em đạt được.
Bộ cho biết qua thống kê điểm thi tốt nghiệp THPT ba năm qua, nhóm thí sinh không được cộng điểm ưu tiên (chiếm 25% tổng số thí sinh tốt nghiệp) luôn có phổ điểm tổng ba môn cao hơn hẳn các nhóm còn lại.
Trong số 75% thí sinh còn lại (tức nhóm được cộng điểm ưu tiên ở các mức độ khác nhau), số liệu của Bộ cho thấy một điểm đáng chú ý liên quan tới mốc 22,5 điểm. Theo đó, với các thí sinh có tổng điểm ba môn dưới 22,5, chỉ khi được cộng điểm ưu tiên, các em mới có khả năng tiệm cận về mức điểm với nhóm 25% thí sinh không được cộng.
Bộ đánh giá, điều này chứng tỏ cộng điểm ưu tiên đã gia tăng cơ hội tiếp cận giáo dục đại học cho nhóm có điều kiện khó khăn hơn.
Tuy nhiên, dữ liệu cũng cho thấy có sự bất hợp lý là tỷ lệ thí sinh đạt điểm từ 22,5 trở lên của nhóm được ưu tiên lại tăng vọt. Điều này dẫn tới sự bất công khi thí sinh ứng tuyển vào các ngành, trường có mức độ cạnh tranh cao; đẩy điểm chuẩn một số ngành lên tới 30.
Để khắc phục, Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định từ năm 2023, mức điểm ưu tiên khu vực và đối tượng với thí sinh đạt từ 22,5 điểm (tương đương 7,5 điểm mỗi môn trong tổ hợp ba môn) được giảm tuyến tính theo công thức:
Mức điểm ưu tiên thí sinh được hưởng = [(30 - Tổng điểm đạt được của thí sinh)/7,5] x Tổng điểm ưu tiên được xác định thông thường.
"Áp dụng chính sách ưu tiên là nhằm giúp tăng tiếp cận giáo dục và đào tạo bậc cao đối với các thí sinh ở vùng khó khăn và thuộc đối tượng yếu thế, tuy nhiên cũng cần đảm bảo sự công bằng, tránh để sự hỗ trợ đó lại làm nhóm thí sinh khác bị bất lợi và yếu thế", Bộ nói lý do đưa ra thay đổi này.
Về quy chế tuyển sinh năm 2022, Bộ cho biết cơ bản giữ ổn định. Một số quy định được điều chỉnh, đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố ở dự thảo lần một.
Cụ thể, thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học theo hình thức trực tuyến trên Cổng thông tin của Bộ hoặc Cổng dịch vụ công quốc gia. Tất cả nguyện vọng xét tuyển đại học của thí sinh được ghi nhận vào hệ thống từ sau khi kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT cho tới khi công bố kết quả thi và kết quả điểm phúc khảo (nếu có).
Tất cả nguyện vọng của thí sinh được từng trường xét tuyển, đưa lên phần mềm xử lý và cho kết quả thí sinh trúng tuyển ở nguyện vọng cao nhất. Thí sinh không phải xác nhận nhập học trước đối với các phương thức xét tuyển sớm.
Một điểm mới nữa trong năm nay là thí sinh không cần công chứng hoặc yêu cầu trường THPT xác nhận kết quả học tập khi đăng ký xét tuyển vào nhiều đại học bởi các trường THPT sẽ cập nhật kết quả lên cơ sở dữ liệu ngành rồi đồng bộ sang hệ thống hỗ trợ tuyển sinh.