Đang là sinh viên năm thứ hai tại một đại học ở TP HCM nhưng Nguyễn Tân (ngụ huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An) đeo đẳng giấc mơ vào ngành Y khoa, Đại học Y Dược TP HCM. Hai năm nay, mùa thi nào, cậu cũng nhấp nhổm chờ thi lại.
Năm ngoái, kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt một diễn ra đúng lúc nơi Tân ở nằm trong diện phong tỏa, cậu không thể tham dự. Đến đợt hai, TP HCM và nhiều tỉnh, thành không thể tổ chức thi do dịch bệnh phức tạp hơn.
Năm nay, Tân quyết tâm thi lại tốt nghiệp THPT. Nhưng khi xem dự thảo quy chế tuyển sinh năm 2022, Tân thất vọng vì cậu sẽ không được cộng 0,5 điểm ưu tiên cho khu vực 2 nông thôn.
Theo dự thảo do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố, mức điểm cộng ưu tiên khu vực vẫn giữ nguyên: thí sinh khu vực 1 được cộng 0,75 điểm; khu vực 2 nông thôn 0,5; khu vực 2 là 0,25. Tuy nhiên, dự thảo quy định chỉ cộng điểm ưu tiên khu vực với thí sinh tốt nghiệp THPT năm nay.
Nghĩa là những thí sinh tốt nghiệp từ các năm trước (thí sinh tự do) như Tân, nếu thi lại để lấy kết quả xét tuyển đại học, cao đẳng sẽ không được cộng điểm ưu tiên. Quy định cũ cho phép cộng điểm với cả những thí sinh đã tốt nghiệp vào những năm trước.
Tân cho rằng, để vào trường top đầu như Đại học Y dược TP HCM, nửa điểm ưu tiên khu vực là cả một "gia tài", có thể quyết định việc trượt hoặc đỗ. Chưa kể, một số ngành năm ngoái lấy tới 30 điểm, vai trò của điểm ưu tiên khu vực càng quan trọng.
"Không còn được cộng điểm, liệu có công bằng với em và nhiều bạn có hoàn cảnh tương tự", Tân nói.
Những năm gần đây, mỗi năm cả nước có khoảng một triệu thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT, trong đó có 40.000-50.000 thí sinh tự do.
Nguyễn Thái Dương (20 tuổi, quê Thái Nguyên) đang ôn tập các môn thuộc tổ hợp C00 (Ngữ Văn, Lịch sử, Địa lý) với nguyện vọng vào ngành Luật, Học viện Tòa án. Hộ khẩu thuộc khu vực 2, Dương sẽ được cộng 0,25 điểm ưu tiên nếu áp dụng quy chế tuyển sinh cũ.
Theo nam sinh, dự thảo quy chế mới gây thiệt thòi cho thí sinh tự do. "Xét tuyển vào đại học, dù là 0,1 hay 0,25 điểm đều rất quý, thậm chí có ý nghĩa quyết định. Em mong Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn duy trì cách cộng điểm cũ", Dương nói.
Những năm trước, với phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT hay xét kết quả học bạ, các trường cộng ưu tiên khu vực và ưu tiên diện chính sách (nếu có) theo quy chế. Ở phương thức xét tuyển riêng, các trường quy đổi điểm ưu tiên tương ứng. Chẳng hạn, khi xét điểm đánh giá năng lực Đại học Quốc gia TP HCM, khu vực 1 được cộng 30 điểm (thang điểm 1.200), khu vực 2 nông thôn cộng 20 điểm, khu vực 2 cộng 10 điểm.
Nhiều thí sinh tự do có chung bức xúc vì bị mất quyền cộng điểm ưu tiên. Trên một số diễn đàn thi cử, họ kêu gọi kiến nghị tập thể đến Bộ Giáo dục và Đào tạo.
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) giải thích, quy định này nhằm đảm bảo tính công bằng giữa hai nhóm thí sinh: học sinh 12 chuẩn bị thi tốt nghiệp; những em đã tốt nghiệp, thi để xét tuyển đại học.
Theo bà Thủy, thí sinh đã tốt nghiệp những năm trước có nhiều lợi thế và thời gian ôn tập hơn so với những em thi lần đầu.
"Nhiều thí sinh tuy hộ khẩu ở vùng ưu tiên nhưng đã chuyển đến các địa phương, thành phố có điều kiện tốt hơn để ôn thi một số ít môn phục vụ xét tuyển đại học. Trong khi đó, thí sinh thi lần đầu phải ôn nhiều môn hơn, chịu nhiều áp lực hơn để vừa thi tốt nghiệp, vừa xét tuyển đại học", bà Thủy nói.
Đồng quan điểm trên, TS Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo, Đại học Công nghiệp TP HCM cho rằng, thí sinh tự do có ưu thế hơn về kinh nghiệm thi cử và thời gian ôn tập.
Tuy nhiên, theo ông Nhân, việc bỏ cộng điểm ưu tiên khu vực cho thí sinh năm trước có thể áp dụng trong phương thức xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp hoặc xét tuyển các kỳ thi riêng, chẳng hạn đánh giá năng lực. Với phương thức xét học bạ, theo ông, vẫn nên duy trì cộng điểm. Bởi kết quả học bạ chịu tác động chặt chẽ của yếu tố khu vực.
TS Tô Văn Phương, Trưởng phòng Đào tạo đại học, Đại học Nha Trang cũng đề xuất xem xét một số trường hợp ngoại lệ ở quy định cộng điểm này. Học sinh vừa tốt nghiệp THPT và chủ động tham gia nghĩa vụ quân sự hoặc những em gia đình khó khăn, chưa thể vào ngay đại học - cần được áp dụng cộng điểm khu vực theo quy chế cũ.
Một chuyên gia tuyển sinh khác tại TP HCM lại cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên giữ nguyên quy định cộng điểm ưu tiên khu vực như cũ, không phân biệt thí sinh tốt nghiệp năm nay hay các năm trước.
"Suy cho cùng, điểm ưu tiên khu vực là hỗ trợ cho thí sinh ở vùng nông thôn, khó khăn, có điều kiện hưởng thụ giáo dục kém hơn thành thị. Dù thi lại thì ở bậc phổ thông, các em vẫn học ở các khu vực được ưu tiên đó và bản chất vẫn thiệt thòi hơn", chuyên gia này nêu quan điểm.
Dự thảo quy chế tuyển sinh đại học 2022 sẽ lấy ý kiến đóng góp cho đến ngày 31/5.
* Dự thảo quy chế tuyển sinh đại học 2022
Nhóm phóng viên